pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mắng con hư nhưng cha mẹ không biết hành xử này của mình chính là nguyên nhân
Cha mẹ thường hy sinh hết mình cho con cái và hy vọng rằng chúng sẽ lớn lên ngoan ngoãn, thành đạt, biết báo đáp công ơn sinh thành. Tuy nhiên, có không ít trường hợp, đứa trẻ càng lớn càng ương bướng, ngỗ nghịch, khó dạy bảo khiến phụ huynh phải thốt lên: "Sao con hư thế nhỉ?". Còn người ngoài khi nhìn vào thì đánh giá đây là đứa bé thiếu giáo dục từ cha mẹ.
Không ít phụ huynh than thở rằng, cha mẹ hiền lành chẳng hiểu sao con hỗn láo. Nhưng người lớn không biết rằng rất có thể chính bạn là tác nhân gây ra những hành vi xấu đó, nếu bạn vẫn đang làm những điều sau.
1. Đầu hàng trước sự ăn vạ hoặc năn nỉ của trẻ
Khi ra các trung tâm thương mại hoặc qua hàng quán nào đó, con bỗng thích một món đồ chơi (hay món ăn) và đòi cha mẹ mua cho mình. Trước nguyện vọng của trẻ, người lớn đã từ chối. Tuy nhiên đứa bé lại lăn ra khóc ăn vạ hoặc mè nheo van nài. Và cuối cùng, cha mẹ phải đầu hàng, đáp ứng mọi yêu cầu của con.
Mặc dù khi mua cho bé, nhiều phụ huynh đã ra điều kiện: "Chỉ lần này thôi nhé, lần sau sẽ không có chuyện này nữa”, nhưng các chuyên gia tâm lý vẫn cho rằng đây là cách chiều hư con. Đứa trẻ sẽ nhận ra việc ăn vạ hay nài nỉ là một biện pháp hữu hiệu khi muốn có một thứ gì đó. Và trẻ chắc chắn sẽ không thay đổi hành vi này dù nó là thô lỗ hoặc gây khó chịu hoặc hỗn láo.
2. "Đội" con lên đầu
Trẻ con rất cần sự quan tâm của cha mẹ nhưng nếu quá bao bọc, nuông chiều con, chúng sẽ thành 1 đứa trẻ hư. Khi cha mẹ luôn cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu của trẻ thì đồng nghĩa với việc đang dạy con kỳ vọng vào điều đó. Đứa trẻ sẽ cảm thấy mình là trung tâm, được làm mình làm mẩy. Khi không được đáp ứng thứ chúng muốn, con dễ dàng trở nên hỗn láo, giận dữ và phá phách.
3. Tha thứ, bao che cho hành vi xấu của con
Khi trẻ nói chuyện với người khác, đặc biệt là người lớn tuổi, các con cần phải lễ phép. Nếu thấy con có hành vi thô lỗ với bất kỳ ai, cha mẹ nên chấn chỉnh ngay lập tức chứ đừng nên bao biện.
Hoặc khi con ra nơi công cộng, cha mẹ cũng cần dạy cho con cư xử đúng mực, lịch sự, có văn hóa. Nếu cứ bao bọc cho hành vi xấu của trẻ với lý do: "Chúng có biết cái gì đâu", thì người lớn vô tình sẽ làm hư con. Hãy đảm bảo rằng bạn cho con hiểu một cách rõ ràng từ khi còn nhỏ rằng sự thô lỗ và hỗn láo không bao giờ được tha thứ trong gia đình.
4. Không để con buồn hay thất vọng bao giờ
Trẻ con chưa học được cách kiểm soát cảm xúc của bản thân, vì vậy khi giận dữ, dỗi hờn, thất vọng... chúng sẽ lấy "nước mắt" làm vũ khí diễn đạt. Thêm vào đó là một số hành động như nằm dài ăn vạ, ném đồ chơi, đánh người khác, dậm chân dậm tay...
Chỉ vì muốn con vui, cha mẹ cố hết sức làm theo những thứ chúng muốn. Như vậy người lớn đã dạy trẻ sai cách. Đứa bé lớn lên trong sự bao bọc quá mức của cha mẹ, được đáp ứng hết các yêu cầu, chúng sẽ không học cách tự kiểm soát cảm xúc và đối mặt với thất vọng được. Sau này, khi ra ngoài xã hội có rất nhiều việc không thể theo ý mình. Lúc đó con không thể khóc để giải quyết mọi việc, cũng không thể chạy về để cầu cứu cha mẹ.
5. Người lớn hay "nhờn" với trẻ
Không ít người vì yêu thương một đứa trẻ nên thường đùa vui với chúng. Nhưng khi chúng ta "nhờn" với đứa bé, ví dụ như trêu chọc quá đà, hay có những câu nói không đúng chuẩn mực (trêu bố đi lấy vợ 2, dạy con nói láo, dạy con nói hỗn với bố mẹ, gọi ông bà bố mẹ đứa bé một cách thiếu lịch sự)... con cũng sẽ bắt chước và cư xử lại. Bởi vì trẻ con chưa thể nhận thức được những câu nói đó là hỗn láo. Người lớn trêu chọc trẻ quá nhiều khiến chúng phát cáu, đứa bé cũng sẽ cư xử lại 1 cách cục súc.
6. Chính người lớn cũng cư xử chưa đúng mực
“Đừng lo lắng rằng con sẽ không nghe lời bạn, hãy lo lắng rằng chúng luôn quan sát bạn”. Nếu cha mẹ đối xử tốt với mọi người xung quanh, con của họ cũng sẽ làm theo như vậy. Ngược lại, nếu cha mẹ nói xấu người khác, hay dùng những lời lẽ thô lỗ để nói về ai đó, thì khả năng cao là đứa bé cũng sẽ không ngại làm thế với người khác.
Hãy luôn ghi nhớ rằng cha mẹ chính là hình mẫu đầu tiên và tuyệt vời nhất để con noi theo. Mọi thứ phụ huynh nói và làm đều có thể được phản chiếu trong cách cư xử của con.