Mảnh vỡ tên lửa Nga rơi như quả cầu lửa, chuyên gia lý giải tiếng nổ kỳ lạ phát ra

Nhật Minh
09/08/2023 - 20:20
Mảnh vỡ tên lửa Nga rơi như quả cầu lửa, chuyên gia lý giải tiếng nổ kỳ lạ phát ra
Người dân ở bang Victoria (Australia) đã hết sức kinh ngạc khi chứng kiến cảnh tượng ngoạn mục ngay trong đêm.

Luồng ánh sáng bí ẩn

Cơ quan vũ trụ Australia cho biết, một chùm ánh sáng bí ẩn đã cắt ngang qua bầu trời bang Victoria (Australia) đêm 7/8.

Luồng sáng lớn đã kéo dài qua núi Buller tới khu thương mại trung tâm Melbourne, sau đó cháy thành cụm trong gần 1 phút ngay sau nửa đêm ngày 7/8, trước khi vỡ thành nhiều mảnh cháy nhỏ, sáng rực cả một góc trời.

Tại Bendigo – nơi cách thành phố Melbourne hai giờ lái xe về phía bắc – cũng ghi nhận các báo cáo về luồng sáng lạ.

"Đó là ngôi sao băng trên bầu trời Melbourne, hay là sao chổi?" – một cư dân bày tỏ sự ngạc nhiên trên Twitter.

"Có khi đó là thiên thạch, sao chổi hoặc rác vũ trụ" – một người khác phỏng đoán.

Mảnh vỡ tên lửa Nga rơi như quả cầu lửa, chuyên gia lý giải tiếng nổ kỳ lạ phát ra - Ảnh 1.

Luồng ánh sáng được ghi nhận trên bầu trời thành phố Melbourne. Ảnh: SBS

Trong khi đó, các chuyên gia nhanh chóng đánh giá luồng ánh sáng bí ẩn này thực chất là rác vũ trụ, bốc cháy do ma sát khi lao vào bầu khí quyển với tốc độ cao.

"Thật sự ngoạn mục" - Giáo sư Alan Duffy, nhà thiên văn học tại Đại học Swinburne cho hay – "Đây là màn trình diễn ánh sáng lớn nhất mà tôi từng chứng kiến, xét về quá trình tái nhập của một loại vật chất nào đó từ quỹ đạo".

Mảnh vỡ từ tên lửa đẩy của Nga

Tờ Space cho biết, khung cảnh ấn tượng mà người dân Australia vừa chứng kiến thực chất là một tầng thân của tên lửa đẩy do Nga phóng đi rơi trở lại Trái Đất. Cơ quan vũ trụ Australia ngày 8/8 cũng xác nhận thông tin này.

Tờ 7 News Australia mô tả thêm rằng, mảnh vỡ tên lửa Nga rơi xuống đã tạo hiệu ứng như "một quả cầu lửa", kèm theo tiếng nổ siêu thanh làm rung chuyển các ngôi nhà trên khắp bang Victoria.

Theo chuyên gia vật lý thiên văn và theo dõi vệ tinh Jonathan McDowell, đây là tầng thứ 3 của tên lửa Soyuz vừa thực hiện nhiệm vụ phóng vệ tinh định vị Glonass vào hồi 9 giờ 20 phút ngày 7/8 (theo giờ địa phương) từ sân bay vũ trụ Plesetsk ở tây bắc nước Nga.

Tầng thứ 3 của tên lửa đã quay trở lại bầu khí quyển Trái Đất ở phía đông nam Tasmania rồi hạ cánh an toàn xuống đại dương phía dưới.

Ông McDowell cho biết, phần thân tên lửa rơi xuống không phải là Fregat - tầng trên cùng của tên lửa Soyuz. Fregat không tách ra mà tiếp tục đưa vệ tinh Glonass về quỹ đạo đã định.

Mảnh vỡ tên lửa Nga rơi như quả cầu lửa, chuyên gia lý giải tiếng nổ kỳ lạ phát ra - Ảnh 2.

Tên lửa đẩy Soyuz được phóng đi ngày 7/8. Ảnh: Space

Michael Brown, phó giáo sư tại Trường Vật lý và Thiên văn học tại Đại học Monash ở Melbourn cho biết, rác vũ trụ đôi khi bị nhầm lẫn với thiên thạch bởi thiên thạch cũng tạo ra những cảnh tượng rất ngoạn mục, tuy nhiên, chúng diễn ra trong thời gian ngắn hơn nhiều do thiên thạch lao vào bầu khí quyển với tốc độ nhanh hơn.

Cũng theo ông Brown, có thể các mảnh vỡ nhỏ của tên lửa đã rơi xuống đất hoặc xuống biển nhưng hiếm khi rác vũ trụ gây thiệt hại cho tài sản và cơ sở vật chất phía dưới.

Giáo sư Richard de Grijs, nhà vật lý thiên văn tại Đại học Macquarie, giải thích thêm rằng các thiên thạch tự nhiên có nhiều khả năng phát sáng màu xanh lục hoặc xanh lam do những nguyên tố hóa học cấu tạo nên chúng.

Luồng sáng phát ra khi tầng thân tên lửa Soyuz của Nga rơi xuống Trái Đất ngày 7/8. Cảnh tượng được người dân Australia ghi lại. Nguồn: Twitter

Nói về tiếng nổ âm thanh và cảm giác rung chuyển nhà cửa khi tầng thân của tên lửa Nga rơi xuống, Phó giáo sư Alice Gorman từ Đại học Flinders cho biết, tên lửa Soyuz đã tách tầng thân ở độ cao rất lớn sau khi hết nhiên liệu. Phần tên lửa này rơi đủ nhanh để phá vỡ tường âm thanh.

"Khi trạm vũ trụ Skylab của Mỹ rơi trở lại Trái Đất vào năm 1979, cũng có tiếng nổ siêu thanh được ghi nhận"- bà Gorman cho hay.

Tuy nhiên, những báo cáo về việc người dân Australia nghe thấy tiếng nổ thì quả thực rất đặc biệt.

"Những mảnh vỡ cuối cùng phải cháy khi chỉ còn cách bề mặt vài km thì tiếng nổ mới truyền được xuống dưới mặt đất"- Giáo sư Alan Duffy cho hay.

Đây không phải là lần đầu tiên Australia ghi nhận cảnh tượng tầng thân của tên lửa đẩy Soyuz rơi xuống. Tháng 5/2020, những báo cáo tương tự cũng đã được ghi nhận.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm