Tin tổng hợp

Mạo hiểm vay ngân hàng để đầu tư thêu vi tính

26/09/2019 - 11:24 AM
Đầu những năm 2000, công nghệ thêu vi tính bắt đầu phát triển tại Việt Nam. Nắm bắt xu hướng này, chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ, chủ xưởng thêu Sanh Sang - CN 3 (Q.Tân Phú, TPHCM), mạnh dạn đầu tư máy móc để gia công thêu cho nhiều đơn hàng trong và ngoài nước, khẳng định vị thế, sức cạnh tranh đối với sản phẩm của Malaysia và Singapore.

Năm 2003, khi đang gia công các sản phẩm may mặc, chị Lệ chuyển hướng sang lĩnh vực thêu vi tính vì lợi nhuận cao hơn. Khi ấy, giá một máy thêu khoảng 700.000 đồng - số tiền không hề nhỏ với tài chính của chị lúc bấy giờ. Chị vẫn quyết định vay ngân hàng, quyết tâm khởi nghiệp ở lĩnh vực mới.

 

Chị Nguyễn Thị Mỹ Lệ - Chủ xưởng thêu Sanh Sang CN3

 

Thời gian đầu, chưa nhiều kinh nghiệm nên nhiều lúc thêu sai, phải đền cả sản phẩm cho khách hàng. Dần dần xưởng thêu Sanh Sang của chị tạo dựng được uy tín, thêu gia công rất nhiều mặt hàng, cả đơn hàng của những thương hiệu lớn. Khi ấy thời gian làm việc mỗi ngày của chị khoảng 14-15 tiếng, miệt mài suốt từ 7h sáng đến 1-2 đêm.

Tại thị trường sản phẩm may mặc Malaysia, không mấy ai lại không biết tới thương hiệu thêu vi tính của chị. Những họa tiết, hoa văn lớn, đa dạng đều được chị đáp ứng với sự hài lòng cao. Kể cả những mẫu phức tạp, đòi hỏi sự cải tiến về máy móc, chị cũng cố gắng đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đó cũng chính là phương châm làm việc của chị.

 

Dây chuyền thêu vi tính tại xưởng Sanh Sang

 

Nhờ uy tín, chất lượng, đơn hàng ngày càng nhiều, chị đầu tư thêm nhiều máy móc hơn. Hiện xưởng Sanh Sang có 5 máy, mỗi máy khoảng 15-20 đầu thêu, tạo việc làm cho khoảng 15 công nhân.

Để gia tăng sức cạnh tranh trong thị trường thêu vi tính ngày càng khốc liệt, chị quyết định học thiết kế để có nhiều mẫu mã phong phú hơn cho khách hàng. “3 tháng ròng rã, cả ngày miệt mài ở xưởng, tối về học thiết kế với rất nhiều điều lạ lẫm, khó khăn lắm bởi chưa qua trường lớp đào tạo nào. Những lúc ấy tôi phải tự động viên: cả xưởng đang nằm trong tay mình, dù thế nào cũng phải gắng vượt qua”, chị Lệ chia sẻ.

Sau hành trình khởi nghiệp, chị Lệ đúc rút: “Muốn thành công thì việc gì cũng phải làm và phải làm sao cho tốt nhất, mang đến cho khách hàng sự hài lòng nhất có thể”.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn