pnvnonline@phunuvietnam.vn
Marie Kondo không chỉ “bán” phương pháp dọn dẹp mà là ước mong về cuộc sống ngăn nắp, hạnh phúc hơn
Sau khi xem được hai tập chương trình “Dọn dẹp cùng Marie Kondo” (Tidying up with Marie Kondo), tôi bắt đầu tự vấn bản thân mình.
Liệu cuộc sống của tôi sẽ tốt hơn nếu tôi không gấp cẩu thả những chiếc áo sơ mi, để mỗi khi mở ngăn đựng đồ ra là tôi sẽ thấy từng lớp áo được gấp gọn gàng thành những hình chữ nhật tròn trịa và được xếp theo một dải màu đẹp mắt? Liệu có tốt hơn không nếu tủ quần áo chỉ toàn những bộ tôi thực sự cần, không có bất kỳ chiếc áo nào tôi mua tùy hứng?
Nói chung, tôi thấy mình cũng gọn gàng. Tôi thích sắp xếp, phân loại và cất đồ đạc. Tôi không để quần áo trên sàn nhà hoặc bát đĩa trong bồn rửa. Đôi khi tôi đọc sách hoặc xem các đoạn phim hướng dẫn tip dọn dẹp.
Nhưng tôi chẳng ngăn nắp đến mức phân loại áo theo các dải màu, xếp chúng như cầu vồng. Tôi thậm chí chưa từng có ý nghĩa này cho đến khi biết tới Marie Kondo, một chuyên gia tư vấn dọn dẹp nổi tiếng, người đã xuất bản các đầu sách và chương trình chủ đề dọn dẹp. Các sản phẩm của cô được biết đến và đón nhận rộng rãi trên khắp thế giới.
Khi dõi theo chương trình của cô trên Netflix, không ít lần bạn chứng kiến gương mặt rạng rỡ niềm vui của Marie mỗi khi dọn dẹp xong, cảm xúc đó làm bạn vui lây, bỗng chốc bạn nhận ra những thứ trông tẻ nhạt cũng trở nên sống động hơn bao giờ hết. Và đột nhiên, bạn cũng sẽ được thôi thúc phải sắp xếp lại tủ đồ để cảm nhận niềm vui tương tự.
Được chú ý ở thị trường Âu Mỹ
Marie Kondo bắt đầu công việc dọn dẹp ở Nhật Bản từ năm 19 tuổi, khi đó cô bắt đầu dọn dẹp nhà cửa cho bạn bè để kiếm thêm tiền trang trải. “Dọn dẹp như một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của tôi”, cô viết trong cuốn sách đầu tiên của mình
Cô thành công đến nỗi chỉ trong một thời gian ngắn, số người có nhu cầu ứng dụng phương pháp dọn dẹp của cô đã tăng lên nhanh chóng. Và thế là lịch trình làm việc trong 6 tháng tới của cô được lấp đầy. Sau đó, cô nổi tiếng khắp Nhật Bản.
Mặc dù là cơn sốt tại Nhật, nhưng năm 2014, cuốn sách của Marie Kondo không tạo ra cú hích tương tự tại thị trường Mỹ, nguyên nhân là vì Marie có vốn tiếng Anh hạn chế. Chỉ sau khi cuốn sách được cây bút Penelope Green đưa lên tờ New York Times thì mọi người mới bắt đầu chú ý nhiều hơn.
Penelope Green thừa nhận bài đánh giá sách của cô ấy trên tờ New York Times đã giúp mở đầu cho thành công của Marie Kondo tại Mỹ nhưng cô khẳng định: “Nếu không phải chúng tôi, thì vẫn có người khác ứng dụng các phương pháp của cô. Marie vốn đã rất, rất nổi tiếng ở Châu Âu và châu Úc”.
“Tôi rất ấn tượng với thuyết vật linh (animistic) của Marie Kondo, quan điểm này cho rằng mọi thứ xung quanh bạn, thậm chí cả đôi tất cũng đều có sự sống, vì thế mà chúng xứng đáng được yêu thương và tôn trọng”, Penelope Green cho biết thêm
Có thông tin kể rằng Marie Kondo từng làm việc tại một đền thờ Thần đạo khi còn nhỏ, đây cũng là khoảng thời gian cô học hỏi về các học thuyết và hình thành thói quen đối xử với mọi thứ như quanh mình như thể chúng là sinh vật có linh hồn.
Phương pháp KonMari được thiết kế dựa trên cảm xúc và niềm vui
6 nguyên tắc dọn đồ theo phương pháp KonMari là:
- Cam kết với mục tiêu dọn đồ
- Hình dung một phong cách sống lý tưởng bạn muốn xây dựng
- Bắt đầu vứt bỏ đồ đạc. Trước khi bỏ đi, hãy cảm ơn từng đồ dùng
- Dọn dẹp theo danh mục
- Làm theo đúng trình tự
- Tự hỏi xem đồ vật nào ánh lên niềm vui mỗi khi bạn chạm vào
Có hai bước bạn cần lưu ý nhất trong phương pháp của KonMari, đó là loại bỏ và phân loại.
Đầu tiên là loại bỏ. Bạn thu thập mọi thứ mình có và phân loại theo 5 danh mục cụ thể: quần áo, sách, giấy tờ, đồ đạc linh tinh, và đồ đạc gắn với nhiều cảm xúc, kỷ niệm. Bạn sẽ nhặt từng thứ lên và tự hỏi: Thứ đồ này có ánh lên niềm vui không? Hãy lắng nghe thật kỹ tiếng nói bên trong, quan sách cách cơ thể phản ứng và bạn sẽ tự khắc cảm nhận được. Nếu món đồ khơi dậy niềm vui, hãy giữ lại. Nếu không, hãy cảm ơn vì những gì nó đã mang lại cho cuộc sống của bạn, và vứt đi.
Khi bạn đã loại bỏ tất cả các vật dụng dư thừa, bạn có thể cất đi những thứ còn lại. Kondo khuyên bạn nên làm như vậy một cách cẩn thận, chú ý đến những gì phù hợp với đồ đạc của bạn và những gì phù hợp với ngôi nhà nói chung.
Một số phương pháp phân loại có thể khơi gợi nhiều niềm vui hơn hẳn phương pháp thông thường, ví dụ sắp xếp quần áo theo các dải màu giống nhau, treo quần áo trong tủ theo kích cỡ tăng giảm - dài nhất bên trái, ngắn nhất bên phải.
Trong các cuốn sách của mình, Kondo có xu hướng áp dụng các quy định khá cứng nhắc, ví dụ không bao giờ cuộn tất, luôn vứt bỏ giấy tờ, nhưng vẫn không quên nhắc mọi người vẫn nên làm theo bản năng và theo đuổi những gì phù hợp nhất. Đến gần đây khi ra mắt chương trình trên Netflix, cô áp dụng các quy tắc có phần “dễ thở”, không còn quá rập khuôn như trước.
Trước đây, Marie ước tính mất 6 tháng để hình thành thói quen dọn dẹp và thay đổi nếp sống, nhưng giờ cô đã điều chỉnh và nói rằng khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành quy trình dọn dẹp là khác nhau giữa các gia đình, tùy thuộc vào các yếu tố như kích thước của nhà và bạn có bao nhiêu giờ một tuần dành riêng cho quá trình dọn dẹp. Sau khi dọn dẹp xong, Kondo khẳng định bạn sẽ không bao giờ phải dọn dẹp nữa: “Tôi không bao giờ phải dọn phòng của mình. Tại sao? Vì nó đã ngăn nắp rồi”.
Điều mà gần như tất cả những người yêu thích phương pháp KonMari đều nhận ra là họ đã thay đổi mối quan hệ của họ với đồ vật cũng như có cái nhìn sâu sắc hơn về các thói quen tiêu dùng của mình.
Nhà văn kiêm biên tập viên Haley ED Houseman giải thích: “Khi tôi làm một việc nhỏ như dọn sạch thức ăn thừa trong tủ lạnh, tôi ý thức rõ hơn về lý do mình tiết kiệm, hay tôi tiết kiệm được bao nhiêu. Liệu tôi có ăn hết đống đồ ăn thừa trong tủ lạnh không, nếu câu trả lời là không thì tôi sẽ vứt đi”. Những người theo đuổi phương pháp này nhận định, KonMari không phải vứt bỏ hầu hết đồ đạc của bạn mà thực ra là kiểm tra về mức độ ưu tiên của đồ đạc.
“Cô ấy vốn không theo chủ nghĩa tối giản. Cô ấy khuyến khích bạn giữ những thứ khiến bạn hạnh phúc”, Houseman nói.
Ann Foster, một người làm nghề thủ thư thì nói: “Phương pháp này tập trung vào niềm vui, ngay cả khi vứt đồ, cô không cho nó là thứ cần bỏ đi mà là thứ cần được bày tỏ lòng biết ơn. Nhờ đó mà mọi trải nghiệm trong quá trình dọn dẹp đều rất tích cực”.
Nhiều dịch vụ gọi việc vứt bỏ đồ là “thanh lọc”, là tống khứ những gánh nặng trong cuộc sống, nhưng cách gọi này có thể đè nặng lên cảm xúc của bạn.
Dọn dẹp mang lại cảm giác kiểm soát và thay đổi cuộc sống
Nhà tư vấn người Mỹ Julie Morgenstern sáng tạo một phương pháp dọn dẹp tên là S.P.A.C.E, phương pháp này đòi hỏi người dọn phải trải qua một “bài test” tâm lý, để đánh giá xem điều gì đang cản trở họ, sau đó phân loại, dán nhãn đồ vật, sắp xếp và đóng gói.
Khi còn ở tuổi thiếu niên, tôi hay đọc sách của Morgenstern trước một kỳ kiểm tra quan trọng. Tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn. Về sau tôi phát hiện thứ kích hoạt cảm xúc nhẹ nhõm chính là ảo giác về quyền kiểm soát.
Cuốn sách hứa hẹn nhiều điều, rằng chỉ cần tôi thực hiện một số quy tắc “nhỏ mà có võ” hằng ngày, tôi sẽ kiểm soát mọi thứ xung quanh mình tốt hơn. Tất nhiên, tôi không thể kiểm soát được điểm số trên trường hay những mối quan hệ của mình, nhưng ít nhất thì đồ đạc và không gian được tối ưu trong một trật tự hoàn hảo.
Quy trình của Morgenstern phần nào tương đồng với phương pháp của Marie Kondo, trừ thuyết vật linh ra, và tất nhiên cả đều hướng đến cùng một lý tưởng chung: Bạn, đồ đạc của bạn và không gian của bạn đều sẽ tốt hơn.
Vì mang thuyết vật linh, nên cảm giác kiểm soát mà phương pháp KonMari mang lại cũng khác hẳn. Khi áp dụng học thuyết này, bạn sẽ thường xuyên đối thoại nội tâm. Bạn cho rằng đồ vật có quyền được ở lại hoặc rời đi.
Bạn “thương lượng” với đồ vật nhưng thật ra là đang đấu tranh tâm lý với chính mình: “Thứ này có xứng đáng dành một chỗ trong không gian sống của mình không? Liệu trong 5 năm tới mình có bao giờ nhìn lại nó?”. Mặc dù mới đầu nghe có vẻ hơi mệt mỏi, nhưng vì thế mà khả năng kiểm soát của bạn lại càng được mài giũa.
Hơn hết, Marie Kondo không chỉ bán phương pháp dọn dẹp, cô đang bán ước mong về một cuộc sống hạnh phúc hơn.
Trong cuốn sách của mình, cô nhấn mạnh vào những lợi ích ấn tượng bên ngoài phạm trù dọn dẹp đơn thuần, ví dụ cơ thể bạn thanh mảnh hơn, da bạn sáng hơn, tinh thần thư thái. Bạn học cách đối diện với những lo lắng trong quá khứ và tương lai, và đây mới là lúc cuộc sống của bạn thực sự bắt đầu.
Còn trong chương trình dọn dẹp trên Netflix, ở cuối mỗi tập phim thì gia chủ đều tìm ra lối thoát trong cuộc sống, dường như ngọn nguồn đều bắt đầu từ việc dọn dẹp. Người góa phụ tìm được cách làm dịu cơn đau tinh thần trong khi dọn quần áo của người chồng đã mất. Một cặp vợ chồng trẻ đang gặp áp lực gia đình vì mới sinh con cũng tìm ra cách gắn kết lại mối quan hệ bằng cách cùng nhau dọn dẹp.
Dọn dẹp, theo Marie Kondo nhận định, là một phép màu thực sự.
Cuối cùng thì, ta có phải dọn dẹp ngăn nắp mọi thứ trong cuộc đời không?
Nếu có ai lên tiếng phản đối về phương pháp KonMari đầu tiên thì hẳn đó là hội yêu sách, người yêu sách rất “lấn cấn” với triết lý vứt bỏ cuốn sách không “ánh lên niềm vui”.
“Văn học không tồn tại chỉ để khơi gợi cảm giác hạnh phúc hay niềm vui, nó phải thách thức và làm xáo trộn cảm xúc chúng ta. Nếu chỉ để lại sách có nội dung vui vẻ đơn thuần thì bộ sưu tập sách của tôi sẽ chẳng còn lại bao nhiêu cuốn”, cây bút Anakana Schofield viết trên tờ Guardian.
Tuy nhiên người theo “chủ nghĩa KonMari” phản đối về cách suy nghĩ trên. Marie không bao giờ nói những thử thách trong cuộc sống là không tốt, nếu ta yêu thích cuốn sách đó vì nội dung đem lại cảm giác xáo trộn kỳ lạ, thì tức là nó đem lại niềm vui. Bởi ta có thể thấy vui ngay cả trong những cuốn sách chỉ viết về nỗi buồn.
Ý tưởng tối ưu hóa cuộc sống để khơi dậy niềm vui rõ ràng không dành cho tất cả mọi người. Kể từ khi Kondo nổi tiếng ở Mỹ, nhiều người đã chỉ trích phương pháp dọn dẹp dựa trên cảm xúc tích cực của KonMari, họ lập luận rằng cuộc sống vẫn nên có những cảm xúc khác bên cạnh niềm vui. Bởi cảm xúc nào cũng là thứ định hình nên con người và không nên tìm mọi cách để loại bỏ cảm xúc khác, dẫu nó có tiêu cực.
Đó là một trong những lý do phương pháp KonMari hiếm khi được khuyên dùng cho những người đang gặp vấn đề về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là người mắc chứng rối loạn tích trữ (hoarding disorder), đó là khi họ một người bị ám ảnh với việc tích trữ, họ mua quá nhiều đồ và sắp xếp mọi thứ hỗn loạn. Đặc biệt, họ rất khó vứt bỏ đồ không cần thiết.
Một người phụ nữ mắc chứng rối loạn tích trữ nói với tờ Atlantic: “Mọi thứ tôi chạm vào đều mang lại cho tôi niềm vui”, vì thế mà phương pháp KonMari khó có thể áp dụng cho cô.
Sau cùng thì, phương pháp KonMari chỉ được coi là một trong những cách dọn dẹp phổ biến và có lợi ích với nhiều người. Mỗi cá nhân cần biết học hỏi và chọn lọc ra những gì phù hợp với mình nhất.
* Bài viết được thực hiện bởi Constance Grady, một cây bút chuyên viết về lĩnh văn hóa của tờ Vox