Mất cảm giác và trí nhớ nếu nghiện 'bóng cười'

27/10/2016 - 19:33
Hiện không ít bạn trẻ rủ nhau hít “bóng cười” để được... cười vô thức. Nhiều chuyên gia cho rằng, thói quen này đặc biệt nguy hiểm đến sức khỏe.
Khi những tác dụng phụ của “ma túy đá”, “thuốc lắc” khiến một bộ phận “dân chơi” phải e dè, họ tìm đến những thú vui có phần dị thường để tạo khoái cảm, đó là hít “bóng cười” (Punkyball).

Trào lưu này tuy không quá nở rộ nhưng được nhiều bạn trẻ hưởng ứng bằng cách dùng thử. Tại Hà Nội, nhiều quán bar trong khu phố cổ, bán loại bóng này với giá 50.000 đồng/quả. Đây là bóng được giới thiệu có bơm khí nitrous oxide (N2O). Người chơi dùng miệng ngậm vào đầu bóng, hít ngược khí trong bóng vào phổi, rồi thổi ngược lại cho quả bóng to lên. Làm 4-5 lần như vậy cho đến khi bóng xẹp, hoặc cảm thấy đủ "phê", sẽ nổ những tràng cười vô thức - cười ảo. Đó là lý do được gọi là bóng cười.
bong-cuoi.jpg
Nhiều bạn trẻ sử dụng "bóng cười"
Theo TS Dương Đức Hùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (BV Bạch Mai), Viện Sức khỏe tâm thần của BV chưa ghi nhận ca nào sử dụng “bóng cười” nhập viện. Khí N2O là loại khí có tác dụng giảm đau, không màu, vị ngọt nhẹ. Chất này có thể gây vô cảm hoặc gây mê, tê toàn thân. Loại khí này tác động đến hệ thần kinh trung ương gây hưng thần… Sau khi dùng “bóng cười” có chất này, khí N2O sẽ làm cho cơ thể choáng váng, không tự chủ bản thân, miệng nhíu lại, nói năng không rõ. Việc hít phải khí trên trong thời gian dài chắc chắn sẽ gây thương tổn đến não bộ.

PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, “bóng cười” thực chất là những quả bóng bay được bơm “khí gây cười” N2O. N2O không cháy nhưng có tính ôxy hóa và kích thích phản ứng cháy. Khí này không duy trì sự sống, có thể gây ngạt. Trong chiến tranh Thế giới thứ nhất, người ta thường dùng khí N2O như một dạng thuốc gây mê, giảm đau với liều lượng cực thấp để phẫu thuật. Trong nha khoa, N2O cũng từng được dùng để gây mê nhưng được giám sát chặt chẽ. Còn hiện giờ hầu như khí này không được dùng. Về lâu dài nó sẽ dẫn tới rối loạn thần kinh, trong đó có chứng mất trí nhớ.

Trước thông tin một cô gái 22 tuổi bị liệt tay, chân vì hít quá nhiều “bóng cười” cấp cứu tại khoa Thần kinh, BV Bạch Mai, TS Dương Đức Hùng, cho rằng, đúng là khoa Thần kinh có tiếp nhận một bệnh nhân nữ vào viện trong tình trạng có rối loạn vận động, tuy nhiên nguyên nhân không phải do hít “bóng cười”.

Trường hợp này sau khi thăm khám ban đầu, các bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân bị viêm tủy cắt ngang -một dạng rối loạn thần kinh, để kết luận chính xác còn cần làm thêm các xét nghiệm chẩn đoán, kết quả chọc tủy… Nếu sử dụng “bóng cười” có N20 sẽ gây cảm giác khác, trong khi trường hợp của bệnh nhân trên có biểu hiện liệt tay, chân liên quan đến thần kinh tủy sống. Hiện cô gái có thể đi lại được.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm