Mất cân bằng giới tính khi sinh chủ yếu ở đô thị

24/10/2017 - 16:09
“Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam diễn ra chủ yếu tại các đô thị. Nguyên nhân do người dân muốn có con trai nối dõi tông đường, hương khói tổ tiên. Đây là quan niệm hết sức sai lầm", ông Lê Cảnh Nhạc nói.
Ngày 24/10, Bộ Y tế phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Lễ mít tinh Phát động các hoạt động truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh hưởng ứng ngày Quốc tế Trẻ em Gái 11/10 và Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 với chủ đề: “Hãy tạo mọi điều kiện thuận lợi để trẻ em gái tạo dựng và phát huy bị thế xứng đáng trong xã hội”.

Theo ông Lê Cảnh Nhạc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), Bộ Y tế, mất cân bằng giới tính là vấn đề mới xuất hiện nhưng rất bức xúc ở Việt Nam. Trong 60 năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong trong công tác DS-KHHGĐ. Tuy nhiên, hiện nay khi chuyển từ dân số KHHGĐ sang dân số và phát triển đã nảy sinh nhiều vấn đề như chất lượng dân số, cơ cấu dân số, ổn định mức sinh thay thế.
20171024_095446.jpg
Múa Lân trong Lễ cổ động diễu hành

Cũng theo ông Nhạc, chất lượng dân số tuy được cải thiện nhưng vẫn còn thấp. Trong khi đó, tốc độ già hóa nhanh và mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2001 đến nay, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ gia tăng tỷ số giới tính nhanh nhất. Năm 2000, tỷ lệ mất cân bằng đang ở mức cho phép là từ 103-107/100 (bé trai/bé gái); năm 2014, tỷ số này đã tăng lên 112,2/100 và hiện là 112/100. Do đó, Nghị quyết TƯ 6 vừa rồi đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030 đưa về mức 109/100 gần với mức sinh bình thường.

“Mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam xuất hiện chủ yếu ở các đô thị”, ông Nhạc nói.
20171024_094947.jpg
Người dân ký cam kết không lựa chọn giới tính trước khi sinh

Theo dự báo của Tổng cục DS-KHHGĐ, nếu tình trạng mất cân bằng giới tính vẫn diễn ra như hiện nay thì đến năm 2050 Việt Nam sẽ thiếu 2,3 đến 4,3 triệu cô dâu. Do đó, để giải quyết vấn đề không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế mà là cả hệ thống chính trị cần phải vào cuộc thì mới đạt được mục tiêu mà Nghị quyết TƯ 6 đặt ra.

Còn theo bà Vũ Thị Thu Hòa, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Vĩnh Phúc, trong thời gian qua, Hội đã đồng hành cùng Ban, ngành các cấp thực hiện nhiều giải pháp hạn chế tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Cụ thể, Hội tuyên truyền vận động trong hội viên các cấp về công tác dân số; tuyên truyền không lựa chọn giới tính thai nhi; triển khai các đề án, dự án, chương trình, phong trào thi đua như Cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không 3 sạch”, phối hợp triển khai cuộc vận động Toàn dân xây dựng đời sống vắn hóa…

Đến nay, đã có gần 90% hội viên phụ nữ tỉnh đạt 8 tiêu chuẩn của cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”. Các cấp hội trong tỉnh đã có nhiều hoạt động hạn chế tình trạng bạo lực gia đình; tổ chức khám và đặt vòng tránh thai miễn phí cho 4.000 lượt chị em; xây dựng được 500 mô hình như CLB “Mẹ và con gái tuổi thành niên”, CLB sức khỏe sinh sản…

20171024_095940.jpg
Diễu hành tuyên truyền không lựa chọn giới tính trước khi sinh

Thời gian tới Hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Triển khai, lồng ghép với các phòng trào thì đua của Hội; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về phụ nữ; tuyên dương gia đình có 2 con gái thành đat, nêu gương tập thể cá nhân, điển hình thực hiện tốt công tác dân số.

Cũng trong buổi lễ, Ban tổ chức, cùng người dân đã cùng ký cam kết không lựa chọn giới tính khi sinh. Đồng thời, tổ chức diễu hành quanh thành phố để tuyên truyền người dân không lựa chọn giới tính khi mang thai.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm