Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng

An Khê
26/12/2022 - 21:26
Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng

Ảnh minh họa: Thanh Tuyết

Thông tin được ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đưa ra tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12/2022 do Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế tổ chức ngày 26/12, tại Hà Nội.

Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, trong thời gian qua, công tác dân số luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và đã đạt được nhiều thành tích quan trọng. Tốc độ gia tăng dân số đã được khống chế thành công. Mức sinh thay thế được duy trì trong suốt 16 năm qua. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực. Dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh.

Từ năm 2007, nước ta bước vào thời kỳ dân số vàng. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tuổi thọ trung bình tăng nhanh, đạt 73,6 tuổi vào năm 2021 và cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á. Tình trạng suy dinh dưỡng, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam được cải thiện.

Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số- Kế hoạch hoá gia đình phát biểu tại lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Dân số Việt Nam 26/12 với chủ đề “Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững” 

Các thành tựu trong việc nâng cao chất lượng dân số có thể kể đến như: Tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi (IMR) và tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi (U5MR) đều giảm mạnh. Năm 2020, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi là 13,9 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi là 22,3 trẻ tử vong trên 1.000 trẻ sinh sống. Tỷ số chết mẹ giảm mạnh hiện chỉ còn 46 ca/100.000 trẻ sinh ra sống năm 2019.

Tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tuổi học đường (5-19 tuổi) năm 2020 còn 14,8%. Theo báo cáo phát triển con người, chỉ số phát triển con người (HDI) của Việt Nam tăng qua các năm và đạt 0,704 điểm, đứng thứ 117/189 năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Doãn Tú - Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình cho biết, mặc dù đã đạt được nhiều thành tích quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước. Song công tác dân số đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn. Từ việc chỉ tập trung giải quyết vấn đề kế hoạch hóa gia đình để ổn định quy mô dân số, nay công tác dân số phải đẩy mạnh việc giải quyết toàn diện các vấn đề cả về quy mô, cơ cấu, phân bố, nhất là nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh.

Các thách thức mới đang đặt ra với ngành dân số là rất lớn, đó là: Mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. HDI chưa cao, chậm được cải thiện. Tỷ lệ tử vong bà mẹ, trẻ sơ sinh, trẻ dưới 5 tuổi và tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đã được cải thiện nhiều nhưng còn cao và chênh lệch nhiều giữa các vùng, miền...

Theo GS.TS Nguyễn Thị Liên Hương - Thứ trưởng Bộ Y tế, thời gian qua, nguồn lực cả Trung ương và địa phương đầu tư, bố trí cho các hoạt động của công tác dân số thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu để triển khai thực hiện các nhiệm vụ về dân số trong tình mới theo Nghị quyết số 21-NQ/TW.

Nâng cao chất lượng dân số để phát triển đất nước nhanh và bền vững - Ảnh 4.

Trao Cờ thi đua của Bộ Y tế cho chi cục dân số-KHHGĐ các tỉnh thành

Để từng bước tìm ra các giải pháp quyết liệt cho năm 2023 và những năm tiếp theo đạt các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được Chính phủ giao, đặc biệt là về những vấn đề mới, những vấn đề mang tính bước ngoặt của công tác dân số Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết số 21-NQ/TW và Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030, thay mặt Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đề nghị các Bộ chưa xây dựng Đề án được Chính phủ giao tại Nghị quyết số 137/NQ-CP ngày 31/12/2017 khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và trình cấp có thẩm quyền ban hành.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm