Mất khả năng giao tiếp vì đòn roi

11/08/2016 - 11:03
Cậu bé 12 tuổi lúc nào cũng co rúm, sợ hãi khi tiếp xúc với mọi người, kể cả những người quen biết. Những trận đòn thừa sống thiếu chết từ bố đã tạo cho cậu thói quen "phòng thủ" như vậy.
Là nạn nhân của bạo lực gia đình, trẻ bị tổn thương tâm lý rất lớn. Ảnh minh họa internet.

Không nói, không rằng, gần như “mất” khả năng giao tiếp, ai hỏi, Hoàng Văn Thế (Thường Tín, Hà Nội) cũng chỉ gật và lắc. Dù cách trung tâm Hà Nội không xa nhưng vẻ mặt lúc nào cũng sợ sệt khiến ai gặp cũng nghĩ Thế đến từ vùng núi xa lắc xơ lơ nào. Thế là nạn nhân của bạo lực gia đình, hậu quả từ những trận đòn như đánh quân thù của bố.

Không chỉ chứng kiến bố đánh chửi mẹ mà Thế còn là nạn nhân trực tiếp trong những cơn nóng giận của bố. Ngoài tính nóng như Trương Phi, bố Thế còn bị bệnh tâm thần nhẹ. Ngày nào không đánh vợ, đánh con, ông không chịu nổi. Ông có thể nhịn cơm nhưng tuyệt đối không thể nhịn chửi bới, đánh đập ai đó, và người "hứng đòn" không ai khác chính là vợ, con ông. Tâm thần, nên có lúc ông tự chặt ngón tay, thường xuyên mang quần áo của cả nhà ra đốt. Vài lần, ông định tự tử nhưng cứu được. Không ít lần, ông còn chuẩn bị bát cơm, quả trứng để cúng cả nhà.

Những vết hằn trên thân thể có thể chai lỳ nhưng vết hằn tâm lý sẽ đi theo con suốt cuộc đời. Ảnh minh họa internet.

Thế bị bố đánh đập bằng mọi thứ ông vớ được, từ cái bàn, cái ghế, cái bát đến cái dao, cái cối, cái chày. Nhưng “vũ khí” “thân thuộc” với Thế nhất chính là dây điện. Khi chiếc dây điện vụt lia lịa vào người đến bật máu, cậu cũng không bao giờ dám bỏ chạy. Cậu biết, nếu bị bắt trở lại, cậu có thể chết bất cứ lúc nào.

Bi kịch hơn là mẹ Thế, không hiểu những ảnh hưởng tâm lý nặng nề con phải gánh. Người phụ nữ cũng là nạn nhân của bạo hành gia đình ấy thường xuyên trách móc, chửi bới con lười, hư, bướng bỉnh, không chịu làm việc nhà, không biết chăm em, con không tập trung học, đua đòi hút thuốc... khiến con càng rơi vào hố sâu tuyệt vọng vì không biết dựa vào ai để sống.

Mẹ Thế thường cố gắng chịu đựng đòn roi từ chồng vì muốn giữ cho con ngôi nhà 2 tầng mà cả cuộc đời làm lụng, chắt chiu mới xây được, muốn con có đủ cả cha lẫn mẹ. Chị không hiểu rằng, tổn thương mà đứa trẻ gánh chịu khi vừa chứng kiến, vừa là nạn nhân trực tiếp của bạo lực gia đình vô cùng lớn. Vết thương tâm lý sẽ theo con suốt cuộc đời và nguy hiểm hơn cả là tính mạng con cũng bị đe dọa.


* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm