Mật mã sắc màu giới tính

16/02/2018 - 10:50
Lâu nay, thị trường bán lẻ đồ chơi trẻ em có tới 90% mặc định dành cho các bé gái là màu hồng và đồ chơi của các bé trai tập trung vào màu xanh, đỏ. Sự “dán nhãn” này có căn cứ khoa học hay chỉ là những quy định mang đầy “sạn giới” và phân biệt đối xử?
Xét dưới góc độ tâm lý học, màu sắc là một bộ môn khoa học, có ảnh hưởng đến hành vi của con người. Chúng ta luôn bị hấp dẫn bởi màu sắc, đặc biệt là khi nó được gắn liền với những gì thuộc về giới tính.

Các nhà tâm lý Áo đã thí nghiệm với nhóm học sinh và nhận định, các màu đỏ, vàng da cam, vàng… mang lại cảm xúc “nóng” ấm áp và gắn nhiều với phụ nữ. Các màu xanh, xanh lục, tím… đưa đến cảm giác lạnh, cứng nhắc, lý trí nên hay được gắn với nam giới. Màu nóng dễ làm con người phấn chấn, nhiều cảm xúc, còn màu lạnh giúp người ta điềm tĩnh và lý trí….

Các nhà tâm lý học đại học Université de Montréal, Canada cũng cho rằng, não người có chức năng nhận biết được giới tính dựa trên đặc điểm khuôn mặt và yếu tố màu sắc.
2-1.jpg
Vợ chồng Priscilla Chan và Mark Zuckerberg (ông chủ của Facebook) thường đăng hình con gái với quần áo màu xám, xanh - màu theo truyền thống là được dán nhãn dành riêng cho bé trai. Đây là thông điệp rất kiên định của vợ chồng Mark về phong cách dạy con unisex - bình đẳng và không phân biệt giới tính.
Thông qua những bức ảnh mà phần nhiều của khuôn mặt bị che khuất, não người sẽ nhận biết được đó là nữ nếu vùng miệng ánh lên những màu đỏ hơn và là nam nếu vùng miệng có màu xanh… Hay khi đề cập đến tình dục, phụ nữ thích màu đỏ dễ kích thích trong “chuyện ấy”. Khi cả nam và nữ cùng thích màu đỏ thì cuộc yêu sẽ nóng bỏng. Người thích màu vàng, xu hướng sex là dễ thích nghi với hoàn cảnh. Người thích màu hồng thích kiểu ve vãn, nhẹ nhàng, tán tỉnh… Phụ nữ thích màu tím sẽ muốn sex theo kiểu chỉn chu, cổ điển. Với nam giới yêu thích màu xanh sẽ hay băn khoăn, lo lắng về chuyện yêu…

Tuy nhiên, những nghiên cứu về màu sắc được cho là chỉ mang tính tương đối. Nó được thừa nhận là một lĩnh vực khá phức tạp, bí ẩn và còn nhiều khó khăn về các lý thuyết thử nghiệm. Đặc biệt, khi màu sắc bị gắn vào một giới tính nào đó, nó thực sự trở thành “làn sóng”, bị phản đối mạnh mẽ từ những nhà hoạt động về nữ quyền và bình đẳng giới.

Người ta đặt ra câu hỏi: “Có phải mọi bé gái đều mang niềm yêu thích màu hồng ngay từ khi mới ra đời hay sở thích đó đã chịu ảnh hưởng bởi văn hóa, sự áp đặt và môi trường trẻ sống?”.

Đi tìm câu trả lời, nhà tâm lý học người Ý, Marco Del Giudice, đã cất công tìm kiếm chủ đề màu sắc và giới tính trẻ em trong hơn 5 triệu cuốn sách xuất bản trong vài trăm năm ở Mỹ và Anh. Kết quả, rất ít có quyển sách đề cập tới hình ảnh "cậu bé và màu hồng", còn khái niệm"cô bé màu hồng" phổ biến từ những năm 1890, kéo dài cho đến tận ngày nay.

Tức là, sự áp đặt này đã có từ rất lâu và nó không chỉ gắn với các bé gái mà thậm chí nhiều tổ chức có liên quan đến nữ giới cũng sử dụng màu hồng làm biểu tượng hình ảnh của họ một cách phổ biến (ruy băng hồng, bông hoa hồng, dải khăn màu hồng...). Đây là cách nhìn cũ mang tính khuôn mẫu và tạo ra bất bình đẳng giới, làm hạn chế quyền và cơ hội lựa chọn của mỗi người chỉ vì giới tính của họ! Những người tiên phong trong giáo dục và bình đẳng giới ở Thụy Điển khẳng định.

Để thay đổi điều đó, từ năm 2011, một số trường mầm non ở Thụy Điển áp dụng biện pháp dạy trẻ với những khái niệm “phi giới tính”, trong đó có nhiều thay đổi liên quan đến màu sắc. Giáo viên không định hướng bé trai thì nên chơi xe tải và mặc áo màu xanh, bé gái thì chơi đồ xinh xắn có màu hồng… Khuôn viên nhà trường, phòng học, các loại đồ chơi, tính chất trò chơi, các loại sách… đều lẫn lộn các màu với hàm ý dành cho tất cả mọi người, không phân biệt nam hay nữ, bé thấy thích gì đều có thể lựa chọn… Nội dung “phi giới tính” cũng được quán triệt tới các phụ huynh tạo sự nhất quán. Sau vài học kỳ, ở những lớp học này, trẻ thoải mái với các lựa chọn của chính mình.

Tại Mỹ, cách đây 6 năm, các nhà nghiên cứu cũng tiến hành thí nghiệm với những em bé 1 tuổi các cặp đồ vật như vòng, hộp… hoàn toàn giống nhau, nhưng 1 cái màu hồng và cái kia là màu khác. Kết quả, màu hồng không chiếm ưu thế trong lựa chọn của những đứa trẻ. Nhưng lên 2 tuổi, các bé gái bắt đầu chọn màu hồng nhiều hơn. Với các bé trai, khi lên 4 tuổi- giai đoạn được cho là trẻ biết phân biệt đực/cái, khi cha mẹ/giáo viên… nói chuyện, trẻ đều nghe được, ghi nhớ và nhận diện được sự khác biệt về màu sắc và giới tính theo quy định dành cho mỗi giới, bắt đầu có xu hướng từ chối, không lựa chọn những đồ vật có màu hồng…

Để thay đổi cách nói chuyện, giảm thiểu những tác động áp đặt màu sắc theo giới tính từ người lớn lên trẻ em, tại Mỹ có chiến dịch “Hãy để đồ chơi là đồ chơi” (Let toys be toys), khuyến khích các nhà sản xuất, bán lẻ không sản xuất, phân loại đồ chơi ở các quầy hàng theo màu sắc và chủng loại kiểu dành riêng cho bé trai, dành riêng cho bé gái... Một số công ty, tiêu biểu như Toy R Us, đã có những catalogue sản phẩm có hình bé gái chơi bóng và không gắn với màu hồng, các bé trai không gắn với màu xanh, tham gia vào các hoạt động nấu ăn mang theo thông điệp “Không nhất thiết con gái thì phải chơi búp bê với màu hồng, con trai thì chơi ô tô với màu xanh!”.

Nhà hoạt động xã hội Cao Thị Hồ Thủy cho biết: “Khi tôi tham gia vào cuộc khảo sát trực tuyến mới đây tìm hiểu quan niệm của thanh niên Việt Nam về nam tính, nữ tính, kết quả, những khuôn mẫu, định kiến giới vẫn còn ăn sâu kể cả trong người rất trẻ. Nguyên nhân phần nhiều là môi trường gia đình, văn hóa và giáo dục. Chẳng hạn, bên cạnh việc ông bà, cha mẹ luôn bảo con gái thì phải khéo léo, an phận, phải biết nấu ăn, con trai thì phải mạnh mẽ, quyết đoán… thì khi trẻ em trai nói “Con thích mặc màu hồng”, người lớn sẽ bảo “Không được, màu hồng là của con gái”. Người lớn định hướng như vậy dần trở thành những khuôn mẫu, định kiến về giới trong suy nghĩ, cách hành xử của trẻ sau này. Đây là 1 phần gốc rễ của sự phân biệt đối xử dựa trên cơ sở giới, là nguyên nhân gây ra bất bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới”.
 
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm