Mặt trận cần quan tâm tới việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các thành viên

28/05/2019 - 23:38
Chiều 28/5, tại Hà Nội, bà Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ, Trưởng Ban chỉ đạo triển khai Kết luận 62-KL/TW, đã làm việc với Đảng đoàn MTTQ Việt Nam về kết quả 10 năm thực hiện Kết luận 62-KL/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Tham dự buổi làm việc, về phía đoàn công tác có bà Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; ông Lê Quốc Phong, Ủy viên dự khuyết TƯ Đảng, Bí thư thứ nhất TƯ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cùng các thành viên trong đoàn công tác.

 

61711090_546285129238830_8648834837194473472_n.jpg
Toàn cảnh buổi làm việc

 

Phía Đảng đoàn MTTQ Việt Nam có ông Trần Thanh Mẫn, Bí thư TƯ Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Hầu A Lềnh, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Bí thư Đảng đoàn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký UBTƯ MTTQ Việt Nam; các Ủy viên Đảng đoàn, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam: Ngô Sách Thực, Nguyễn Hữu Dũng, Phùng Khánh Tài.

Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội đổi mới phương thức hoạt động

Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 62-KL/TW của Đảng đoàn MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hầu A Lềnh cho biết, qua 10 năm triển khai, số lượng Ủy viên Ủy ban MTTQ các cấp ngày càng tăng và chất lượng cá nhân tiêu biểu đại diện các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo, Người Việt Nam ở nước ngoài, chuyên gia trên các lĩnh vực thể hiện được tính tiêu biểu, đại diện, thiết thực. Tổng số Ủy viên Ủy ban các cấp là 422.977 người, số lượng tổ chức thành viên ở cấp Trung ương tăng thêm 2, cấp tỉnh tăng thêm 307, cấp huyện tăng thêm 772.

Tuy nhiên, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng thẳng thắn cho rằng phương thức vận động, tập hợp xây dựng khối đoàn kết toàn dân hiện nay chưa theo kịp yêu cầu mới; các cuộc vận động, phong trào thi đua có nơi còn hình thức, chưa hiệu quả; vai trò đại diện, bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân và giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận có mặt còn hạn chế. Năng lực cán bộ và điều kiện hoạt động của Mặt trận một số nơi còn bất cập, cán bộ Mặt trận ở một số nơi còn băn khoăn trong sắp xếp vị trí…

 

61059113_2227216170694968_486610083715743744_n.jpg
Bí thư TƯ Đảng, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc

 

Chủ tịch Trần Thanh Mẫn cũng cho rằng thách thức với Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong giai đoạn hiện nay là việc thay đổi giai tầng cả về số lượng, chất lượng; những tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường, tác động của biến đổi khí hậu, tác động của mạng xã hội đòi hỏi cán bộ Mặt trận phải tích cực thích nghi với tình hình mới.

“Phải có sự phân công, phân nhiệm rõ ràng trên cơ sở hiệp thương thống nhất hành động, chỉ có như vậy thì việc triển khai các phong trào, các cuộc vận động mới huy động được sự hưởng ứng tích cực của quần chúng nhân dân”, Chủ tịch Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Mặt trận là trung tâm của khối đại đoàn kết

Ghi nhận những kết quả nổi bật của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội trong việc thực hiện Kết luận 62-KL/TW, bà Trương Thị Mai cho rằng, thông qua 6 nội dung của Kết luận, MTTQ và các đoàn thể đã tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, từ đó góp phần nâng cao nhận thức, hành động của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác Mặt trận. Từ đó góp phần củng cố vai trò, vị trí của Mặt trận trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng và tạo sự đồng thuận, sự tham gia của nhân dân trong qúa trình phát triển đất nước.

Theo bà Trương Thị Mai, thời quan qua, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội đã tích cực tham gia hoạt động giám sát, phản biện xã hội; triển khai hiệu quả các mô hình tự quản, các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động lớn và chủ trì thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở với nhiều kết quả tích cực và huy động được sự vào cuộc của quần chúng nhân dân, góp phần tích cực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền và quá trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, hội nhập quốc tế ở địa phương.

61126922_414390162744849_6353771087792177152_n.jpg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ Trương Thị Mai 

 

 “Như vậy có thể nói cả 3 vấn đề, một là mục tiêu dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh có sự tham gia rất lớn của Mặt trận. Thứ hai là vai trò cầu nối giữa Đảng, nhà nước với nhân dân, lòng tin của Nhân dân với Đảng ngày càng được củng cố. Thứ ba là tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân trong các mục tiêu chung để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, bà Trương Thị Mai chỉ rõ.

Để Kết luận 62-KL/TW ngày càng phát huy hiệu quả và gắn với thực tiễn ở cơ sở, bà Trương Thị Mai đề nghị , phải có cơ chế để các tổ chức thành viên và các tổ chức nói chung trên cả nước tham gia đóng góp cho hoạt động của Mặt trận. Đặc biệt là phải huy động sự tham gia của các cá nhân tiêu biểu, các hội quần chúng.

“Những người đến với Mặt trận phải tiêu biểu, có tinh thần yêu nước nồng nàn và có đóng góp tích cực cho công tác Mặt trận. Đây chính là nguồn sinh lực mới thông qua những con người cụ thể, sức mạnh của Mặt trận chính là hiệp thương, thống nhất hành động để giải quyết những vấn đề phát sinh. Nếu Mặt trận phát huy được đội ngũ này thì vai trò, vị thế của Mặt trận ngày càng được củng cố”, bà Trương Thị Mai gợi mở.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm