pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam: Mở rộng khối đại đoàn kết
Hàng ngàn người dân tỉnh Kiến Phong míttinh và làm lễ thượng cờ chào mừng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Nguồn: TTXVN
Ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc Thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ, hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ, bè lũ tay sai.
Để Mặt trận không ngừng phát huy vai trò, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên quan tâm theo dõi, chỉ đạo công tác Mặt trận.
Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ III năm 1960 của Đảng nêu rõ: "Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đoàn kết các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sỹ yêu nước và tán thành chủ nghĩa xã hội, nhờ đó đã động viên mọi lực lượng yêu nước và tiến bộ của dân tộc để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà."
Ở miền Nam, từ cao trào đấu tranh của nhân dân miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Từ đây, cách mạng miền Nam có danh nghĩa chính thức, phương hướng và mục tiêu cách mạng được công khai, rõ ràng để tập hợp lực lượng. Mặt trận thực sự trở thành đại diện chân chính duy nhất của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Tháng 1/1959, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam họp Hội nghị lần thứ 15.
Trên cơ sở phân tích tình hình, xác định mâu thuẫn của xã hội Việt Nam và miền Nam Việt Nam từ sau Hiệp định Geneva, Hội nghị chủ trương có một mặt trận riêng ở miền Nam, coi đây là một trong những nội dung cơ bản của Nghị quyết 15.
Tháng 9/1960, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng được triệu tập, đã hoàn chỉnh những nội dung cơ bản về đường lối và phương pháp cách mạng ở miền Nam.
Đại hội chủ trương thành lập Trung ương Cục ở miền Nam để giúp Trung ương Đảng, Bộ Chính trị chỉ đạo phong trào cách mạng miền Nam.
Để tập hợp rộng rãi lực lượng cách mạng, phát huy cao độ sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, nêu cao chủ nghĩa yêu nước, Đại hội III của Đảng cũng chủ trương phải xây dựng tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất ở miền Nam.
Ngày 20/12/1960, tại vùng giải phóng ở xã Tân Lập, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập gồm đại biểu các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo, các nhân sỹ yêu nước ở miền Nam, không phân biệt xu hướng chính trị, đã thông qua bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm, là Cương lĩnh cho phong trào cách mạng của nhân dân, định hướng cơ bản là đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân với mục tiêu đấu tranh: "Phải hòa bình! Phải độc lập! Phải dân chủ! Phải cơm no, áo ấm! Phải hòa bình, thống nhất Tổ quốc!" nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ.
Chương trình hành động 10 điểm được xác định rõ các nội dung: đánh đổ chế độ thuộc địa trá hình của đế quốc Mỹ và chính quyền độc tài Ngô Đình Diệm, tay sai của Mỹ, thành lập chính quyền liên minh dân tộc, dân chủ; thực hiện chế độ dân chủ rộng rãi và tiến bộ; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, thực hiện cải thiện dân sinh; thực hiện giảm tô, tiến tới giải quyết vấn đề ruộng đất cho nông dân, giúp người cày có ruộng; xây dựng nền văn hóa giáo dục dân tộc, dân chủ; xây dựng một quân đội bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ nhân dân; thực hiện dân tộc bình đẳng, nam nữ bình quyền, bảo hộ quyền lợi chính đáng của ngoại kiều và kiều bào; thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, trung lập; lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc; chống chiến tranh xâm lược, tích cực bảo vệ hòa bình thế giới.
Chương trình 10 điểm của Mặt trận đã giải quyết một cách đúng đắn những vấn đề cơ bản của cách mạng miền Nam. Chính vì vậy, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã có sức thu hút mạnh mẽ các tầng lớp nhân dân trong vùng giải phóng và các đô thị lớn.
Ngày 16/2/1962 tại Tân Biên (Tây Ninh), Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam lần thứ I đã cử ra Ủy ban Trung ương chính thức gồm 52 đại biểu.
Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, một trí thức yêu nước nổi tiếng ở miền Nam được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, kêu gọi: "Tất cả hãy đứng lên, tất cả hãy đoàn kết lại: "Hãy xiết chặt hàng ngũ để chiến đấu dưới ngọn cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng đánh đổ ách thống trị của đế quốc Mỹ và Ngô Đình Diệm."
Bên cạnh Ủy ban Trung ương, khắp các huyện, tỉnh đều tổ chức thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng các cấp.
Ủy ban Mặt trận địa phương được tổ chức ở bốn cấp: khu, tỉnh, huyện, xã. Đến tháng 10/1962, hầu hết các tỉnh, thành đều có Ủy ban Mặt trận, trong số 41 tỉnh, thành từ vĩ tuyến 17 đến mũi Cà Mau, có 38 tỉnh, thành có Ủy ban Mặt trận ra mắt nhân dân.
Ở nhiều địa phương, các tổ chức thành viên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng cũng ra đời, được xây dựng, phát triển nhanh, có ảnh hưởng rộng rãi.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là ngọn cờ công khai đoàn kết, tập hợp, tổ chức, lãnh đạo các hoạt động đấu tranh trên cả ba mặt trận: quân sự, chính trị, ngoại giao.
Trong quá trình hoạt động, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đã kịp thời đề ra nhiều chủ trương, chính sách nhằm không ngừng mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân.
Đại hội lần thứ I (tháng 3/1962) quyết định nhiều chính sách lớn về đối nội, đối ngoại như: vấn đề hòa bình, trung lập, dân tộc, ruộng đất, trí thức, tư sản, tôn giáo, ngoại kiều, chính sách đối với binh lính và ngụy quyền miền Nam… tạo điều kiện đoàn kết rộng rãi nhất, sẵn sàng bắt tay với những ai tán thành chống Mỹ, cứu nước và thống nhất đất nước.
Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam không những có uy tín trong nước mà còn có vị thế trên trường quốc tế.
Trong Hội nghị nhân dân ba nước Đông Dương, tháng 3/1965, Mặt trận là đại biểu chính thức của nhân dân miền Nam Việt Nam.
Ngày 20/4/1968, trong khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam ra đời với bản Cương lĩnh thích hợp nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị nhưng chưa tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày 6/6/1969, Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam Việt Nam đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng Cố vấn.
Từ khi ra đời, Mặt trận đã làm một phần chức năng của chính quyền dân chủ nhân dân.
Sau khi có Chính phủ Cách mạng lâm thời, Mặt trận giữ vai trò trụ cột và làm hậu thuẫn cho chính quyền cách mạng, không ngừng đẩy mạnh hoạt động trên cả ba mặt quân sự, chính trị, ngoại giao, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 2/1977, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam hợp nhất với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành một tổ chức duy nhất lấy tên là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Từ ngày thành lập đến ngày toàn thắng 30/4/1975 là một chặng đường đấu tranh gian khổ nhưng hết sức vẻ vang của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.
Sứ mệnh của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam là tập hợp lực lượng nhân dân miền Nam với sự chi viện của miền Bắc xã hội chủ nghĩa để hoàn thành sự nghiệp cách mạng dân tộc dân chủ.
Mặt trận đã kế thừa những kinh nghiệm của quá trình cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, vận dụng sáng tạo vào cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, qua đó góp phần quan trọng cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.