pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mất tự do vì mẹ chồng can thiệp quá sâu vào cuộc sống riêng

Ảnh minh họa
Trong các câu chuyện với bạn bè, chị đã nghe nhiều chuyện mẹ chồng kiểm soát cuộc sống vợ chồng con trai nhưng khi nó xảy ra với mình, chị mới thấy điều đó ảnh hưởng đến tình cảm của mọi người trong nhà thế nào, nhất là với chị, cô gái vừa bước chân vào một gia đình mới.
Sau khi kết hôn, anh chị sống cùng với mẹ chồng, một người phụ nữ rất để ý chi tiết và kiểm soát. Trong suốt thời gian qua, chị thường xuyên cảm thấy gò bó. Mẹ chồng không chỉ can thiệp vào cách nuôi con mà còn quản lý chi tiêu và đời sống riêng tư của vợ chồng chị.
Chị chia sẻ: "Mẹ chồng tôi luôn có ý kiến về mọi thứ, từ việc cho con ăn đến cách chúng tôi sắp xếp thời gian riêng tư. Mỗi khi tôi quyết định điều gì, mẹ lại gọi ra nói chuyện, đưa ra phương án giải quyết luôn. Tôi cảm thấy như mình không còn tự do".
Chị sợ nhất sự phớt lờ, thờ ơ từ chồng. Anh yêu và kính trọng mẹ, thường xuyên đứng về phía mẹ, khiến chị cảm thấy cô lập và tổn thương. "Tôi muốn anh ấy nhìn nhận, có ý kiến công bằng, nhưng anh lại luôn lo lắng về cảm xúc của mẹ", chị chia sẻ.
"Tôi cảm thấy như mình phải chiến đấu từng ngày để có được một không gian riêng cho gia đình nhỏ của mình. Mỗi lần tôi và chồng có ý kiến khác nhau về cách nuôi dạy con, mẹ lại can thiệp, bênh vực chồng tôi. Tôi không muốn cãi vã, nhưng tôi cũng không thể chấp nhận việc mẹ chồng luôn cho rằng mình và con trai đúng".
Chị lo lắng về tương lai, nếu vợ chồng chị dọn ra ở riêng, liệu mẹ chồng có hiểu và chấp nhận? Liệu điều đó có làm cho chồng chị phải khó xử trong "cuộc chiến" giữa hai người phụ nữ mà anh yêu thương? Nếu làm vậy, tình cảm gia đình chị có rạn nứt?
Vấn đề chính trong tình huống này là sự xung đột vai trò cùng với việc thiếu ranh giới giữa các thành viên trong gia đình. Mẹ chồng, với vai trò là người chăm sóc và bảo vệ con trai, dễ dàng rơi vào trạng thái kiểm soát. Mâu thuẫn thế hệ là một yếu tố quan trọng. Mẹ chồng có thể có quan điểm và cách nuôi dạy con cái khác với những gì con dâu mong muốn, dẫn đến sự không đồng nhất trong việc quản lý gia đình và nuôi dạy con cái. Vì vậy, chị cảm thấy mình bị đẩy ra ngoài. Sự thiếu ranh giới giữa mẹ chồng và con dâu không chỉ làm tổn thương tâm lý của chị mà còn ảnh hưởng đến mối quan hệ của chị với chồng.
Để giải quyết tình huống này, việc thiết lập ranh giới rõ ràng giữa các thành viên trong gia đình là rất quan trọng. Chị và chồng cần thảo luận để xác định các quy tắc trong việc nuôi dạy con cái, quản lý chi tiêu và cả đời sống riêng tư. Tạo ra một không gian tự do cho cả hai vợ chồng sẽ giúp cải thiện mối quan hệ.
Giao tiếp cởi mở cũng là một yếu tố không thể thiếu. Chị nên có cuộc trò chuyện chân thành với chồng về cảm xúc của mình, nhấn mạnh rằng việc bảo vệ mối quan hệ hôn nhân cần sự đồng lòng từ cả hai. Chị cũng nên trao đổi, chia sẻ với mẹ chồng cách nuôi dạy con cái giờ có nhiều thay đổi, cả nhà cần thống nhất quan điểm và cha mẹ phải là người chịu trách nhiệm chính. Chị có thể mời mẹ tham gia các hoạt động hoặc hội thảo về nuôi dạy trẻ để mở rộng quan điểm.
Cuối cùng, nếu cảm thấy không thể cải thiện tình hình, chị có thể cân nhắc việc dọn ra ở riêng. Đây là một quyết định lớn nhưng nó sẽ giúp cải thiện mối quan hệ gia đình và sức khỏe tâm lý của chị. Giải quyết vấn đề này không phải là dễ dàng nhưng với sự kiên nhẫn và giao tiếp cởi mở, chị có thể tìm ra cách tốt nhất cho bản thân và gia đình.