Máy rửa bát ra đời từ người phụ nữ mê gốm sứ

18/01/2017 - 09:20
Chiếc máy rửa bát đầu tiên xuất hiện trên thị trường do 1 phụ nữ có sở thích sưu tầm đồ gốm sứ phát minh. Đó là bà Josephine Cochrane ở Ashtabula, Ohio, Hoa Kỳ.

Josephine Cochrane sinh ngày 8/3/1839 tại Ashtabula, Ohio, Hoa Kỳ. Sau khi mẹ qua đời, Cochrane sống với cha, ông John Garis, là một một kỹ sư thủy lực. Có lẽ, những năm tháng sống với cha đã truyền cho Josephine tình yêu về ngành cơ khí.

Năm 19 tuổi, bà kết hôn với chàng trai William Cochran, 27 tuổi, hoạt động trong giới chính trị. Sau đó, vợ chồng trở về quê nhà, mở cửa hàng đồ khô cùng một vài khoản đầu tư khác nên có cuộc sống khá dư dả và thoải mái.

Dù còn trẻ và chịu nhiều trói buộc của các chuẩn mực xã hội khi ấy nhưng Josephine  có một tinh thần tự do phóng khoáng và sự độc lập tự chủ. Bà dùng họ của chồng mình, nhưng thêm chữ ‘e’ vào cuối (Cochrane) như một cách để thể hiện cái tôi bản thân.

1.JPG
Chân dung bà Josephine Cochrane.

Cuộc sống sung túc khiến Cochrane không phải lo lắng chuyện nấu nướng, rửa bát, giặt giũ… bởi bà có đủ điều kiện thuê người giúp việc. Song nhiều lúc, họ cũng khá bất cẩn khi để bát đũa, đặc biệt là đồ gốm sứ đắt tiền - thứ mà Cochrane vô cùng yêu thích bị sứt mẻ. Quá tức giận, nhiều lúc bà tự hỏi, tại sao không có một vật dụng gì giúp làm sạch chén bát bẩn mà không làm hỏng hay vỡ chúng.

Một lần, khi bọt xà phòng bám lên khuỷu tay, trong khoảnh khắc, bà nghĩ rằng, nếu không có ai làm ra máy rửa bát, tại sao bà không tự làm để giải phóng cho mình? Bị thôi thúc bởi ý tưởng đó, bà ngay lập tức tìm tài liệu và trong vòng nửa giờ đã phác thảo sơ lược về cấu tạo mà chiếc máy rửa bát cần có.

Đầu tiên, bà đo số lượng đĩa. Sau đó, bà tạo nên các ngăn sao cho phù hợp và để vừa bát, cốc hay đĩa. Các khoang được đặt vào bên trong một bánh xe nằm phẳng trong một cái nồi hơi. Động cơ làm quay bánh xe trong khi nước xà phòng nóng phun lên từ đáy nồi hơi và trút xuống đĩa.

Trước Cochrane, Joel Houghton - người Mỹ đã sáng chế ra thiết bị rửa bát chạy bằng sức cơ học chưa sử dụng điện năng vào năm 1850. Điều oái oăm là dùng nó thậm chí còn mất sức hơn cả tự rửa bát lấy bằng tay. Sau đó, một người đàn ông đã cải tiến chiếc máy để quay tay đỡ mệt hơn nhưng vẫn khá mất công.

Phát minh của Cochrane là sự cải tiến vượt bậc khi sử dụng áp lực dòng nước để rửa sạch thay vì quay tay. Nó cũng tập trung vào việc rửa bát an toàn hơn nhờ sử dụng nước nóng với nhiệt độ cao hơn mức bàn tay con người có thể chịu được. Bát đĩa được xếp vào khay được thiết kế vừa khít do đó giảm rủi ro bị sứt mẻ. Các bạn gái của Cochrane rất ấn tượng với phát minh này của bà và gọi nó là ‘máy rửa chén Cochrane’.

2.JPG
 Chiếc máy rửa bát do bà Cochrane chế tạo ra.

Những khách hàng đầu tiên của Cochrane không phải là các bà nội trợ bởi phụ nữ khi ấy vẫn trói buộc mình trong căn bếp. Cochrane quyết định đến khách sạn Palmer House ở Chicago (Mỹ) để giới thiệu về máy rửa bát của mình và đã tạo được sự chú ý. Với thành công bước đầu, bà tiếp tục đi giới thiệu sản phẩm của mình những nơi khác.

Chẳng mấy chốc, ‘máy rửa chén Cochrane’ trở nên nổi tiếng, Cochrane đã nhận được rất nhiều đơn hàng từ các nhà hàng và khách sạn tại bang Illinois. Bà nhận bằng sáng chế cho thiết kế của mình vào ngày 28/12/1886 rồi đưa vào sản xuất.

Sự xuất hiện của chiếc máy tại triển lãm World's Columbian tại Chicago vào năm 1893 đã giúp nó giành được giải thưởng cao nhất cho ‘thiết kế cơ khí tốt nhất, bền nhất và phù hợp với công việc nhất’. Từ đó danh tiếng của sản phẩm lan rộng.

Có thể nói, Cochrane chính là phụ nữ đầu tiên có thể xâm nhập vào thế giới đàn ông ở hội chợ và giành được giải thưởng đã thay đổi luôn cả quy định truyền thống của nó. Kể từ sau đó, người ta không còn tách rời phát minh của đàn ông và phụ nữ nữa.

Thành công đó giúp bà thành lập nhà máy ở ngôi trường bị bỏ hoang. Khách hàng của Cochrane chủ yếu các doanh nghiệp và tổ chức như nhà hàng, bệnh viện, trường học, những nơi chấp nhận được một chiếc máy còn khá cồng kềnh. Chiếc máy rửa bát này cũng dần len lỏi vào các hộ gia đình thu nhập cao, song vẫn không quá phổ biến. Phải sau chiến tranh thế giới thứ II, từ những năm 1950, khi các tiện ích trong sinh hoạt hàng ngày mới thực sự bùng nổ, Cochrane đã thành lập một công ty chuyên sản xuất máy rửa bát với thương hiệu KitchenAid nổi tiếng được mọi người biết đến.

3.jpg
 Hình bà Josephin Cochrane lên con tem của Romania năm 2013.

Chiếc máy rửa bát ra đời giúp giải phóng thời gian và sức lao động của người phụ nữ, cho phép họ tham gia vào lực lượng lao động và đấu tranh cho bình đẳng trong xã hội. Vì vậy, theo cách riêng của mình, Josephin Cochrane được xem là một trong những người đóng góp cho phong trào đấu tranh giải phóng phụ nữ và phong trào nữ quyền.

Cochran qua đời năm 1913 nhưng tinh thần kinh doanh của bà rất đáng khâm phục. Trước khi mất, bà vẫn tự mình đi bán máy. Năm 1916, công ty của bà đã được Hobart mua lại và ngày nay thuộc sở hữu của tập đoàn Whirlpool.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm