Mẹ 8X gõ cửa từng trường mầm non xin được phát hiện sớm trẻ tự kỷ

01/04/2019 - 10:02
Nhân Ngày Thế giới nhận thức chứng tự kỷ (2/4), mời bạn gặp gỡ chị Trần Thị Ngọc Anh và hành trình thành lập Sunshine Kids - Trung tâm tư vấn và can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ, tăng động, chậm phát triển, chậm nói, khiếm khuyết về trí não…
 "Ngay khi mình chia sẻ ý định sẽ thôi việc ở FPT, không chỉ sếp mà các đồng nghiệp cũng thấy tiếc, vì để được vị trí như ngày hôm nay, mình đã phải nỗ lực rất nhiều. Mẹ mình cũng vậy, bà luôn muốn con gái có một công việc ổn định, để chăm sóc gia đình. Có chị ở cơ quan thốt lên "Em ơi, em đã suy nghĩ kỹ chưa? Thà em nghỉ việc để đi làm ở một công ty tốt hơn thì chị không ý kiến gì. Đằng này, em lại phải làm ở một lĩnh vực mới, mạo hiểm quá. Chị thấy không ổn chút nào. Nhưng là người đã từng trải qua những giai đoạn khó khăn nhất khi đồng hành với con, mình biết, chặng đường phía trước, dẫu có nhiều chông gai, nhưng mình sẽ làm được nhiều việc ý nghĩa cho các gia đình có con bị khuyết thiếu", chị Ngọc Anh tâm sự.
 
 
ngoc-anh-sunshine-1.jpg
Vượt qua nhiều khó khăn, Ngọc Anh quyết tâm xây dựng Trung tâm tư vấn và can thiệp sớm cho trẻ khuyết thiếu
Đó cũng là động lực để Ngọc Anh xây dựng Trung tâm tư vấn và can thiệp sớm Tia nắng nhỏ - Sunshine Kids.
 
Bước chân vào thế giới của trẻ khuyết thiếu
 
Năm 2012, chị Ngọc Anh sinh bé thứ hai, một cô bé luôn nghịch và hiếu động hơn bất kỳ bạn nhỏ nào cùng độ tuổi. Nhận thấy con có vấn đề, Ngọc Anh đưa con đi khắp nơi, từ các bệnh viện đến các trung tâm để kiểm tra. Dù kết luận chỉ là con bị hiếu động quá mức nhưng điều này cũng khiến bà mẹ 8x đứng ngồi không yên và bắt đầu gặp gỡ các chuyên gia, nghiên cứu tìm hiểu qua sách vở, qua các giáo trình phát triển giáo dục đặc biệt, để đồng hành cùng con.
 
“Có tìm hiểu mới thấy, các bé bị hiếu động, tăng động, hay nặng hơn là bị tự kỷ, bị down, chậm phát triển trí não… có rất nhiều. Nếu có một môi trường can thiệp kịp thời và đúng phương pháp, chắc chắn các bé sẽ tiến bộ hơn rất nhiều”, Ngọc Anh cho biết.
 
 
ngoc-anh-sunshine-2.jpg
Ngọc Anh cho biết, càng phát hiện và can thiệp sớm, bé càng tiến bộ nhanh

 

Sau hơn 3 năm nghiên cứu, học tập, trau dồi kiến thức liên quan đến trẻ khuyết thiếu, năm 2016, Ngọc Anh cùng cô em, là một giáo viên chuyên ngành giáo dục đặc biệt mở trung tâm tư vấn và can thiệp sớm can thiệp phát triển các kỹ năng và kết hợp với trường mầm non tạo môi trường hòa nhập cho trẻ nhỏ.
 
Khi trung tâm mới đi vào hoạt động, Ngọc Anh thường đi đến các trường mầm non trong khu vực để kiểm tra miễn phí cho các bé và tư vấn cho phụ huynh. “Lúc đó ngại lắm, vì mình đang làm việc ở một vị trí được nhiều người yêu quý, tôn trọng, mà giờ phải đi đến từng nơi xin xỏ, thậm chí cả năn nỉ nữa. Nhưng nghĩ, chỉ cần được phát hiện sớm thôi, các con sẽ có cơ hội phát triển bình thường, mình lại tiếp tục cố gắng”, Ngọc Anh nhớ lại.
 
Để phát hiện ra một em bé bị thiếu khuyết thì không khó, nhưng cái khó là những người có chuyên môn thường ngại không nói vì sợ mất lòng phụ huynh. Hơn nữa, nhiều trường hợp gia đình không thừa nhận vấn đề bé đang gặp phải, nên để bé vượt qua ngưỡng 2 tuổi, lúc ấy can thiệp khó khăn và mất thời gian hơn rất nhiều.
 
 
ngoc-anh-sunshine-5.jpg
Trung tâm thường xuyên có các hoạt động trao đổi, chia sẻ chuyên môn với phụ huynh

 

Chính vì vậy, Ngọc Anh và người em đồng hành sáng lập trung tâm ngay từ những ngày đầu đã xác định, mình cần phải luôn phải đồng hành cùng phụ huynh, tâm sự, chia sẻ, để khi đến với trung tâm, họ biết con mình đang ở mức độ nào và cần phải can thiệp thế nào cho hiệu quả.
 
Điều đặc biệt ở trung tâm Tia nắng nhỏ là ngoài giáo trình riêng để can thiệp, bù đắp cho phần thiếu khuyết riêng của từng bé, còn hướng tới một giáo trình mở, với hệ thống camera trực tiếp phát ra ngoài, để gia đình các bé có thể xem, học theo và về tương tác với con.
 
Sẽ khó, nếu không dành tình thương cho trẻ
 
“Thành lập một trung tâm cho trẻ bình thường đã khó, còn với một trung tâm tư vấn và can thiệp sớm dành cho các bé có vấn đề về trí não, hành vi thì còn khó khăn gấp nhiều lần. Nếu không có tình thương với trẻ, thì bạn khó có thể kiên trì đi tiếp được”, Ngọc Anh chia sẻ với PNVN.
 
Giờ học của những đứa trẻ "đặc biệt" tại trung tâm cũng có vô số điều đặc biệt, ấy là có cả tiếng gào thét của các bạn nhỏ; có bé do tức giận đã lao vào đạp, cắn cô giáo. Chính vì vậy, với mỗi bé học tại đây, cô đều phải hiểu được điểm yêu, điểm ghét, điểm mạnh, điểm yếu để hiểu được bé đang gặp khó khăn và thiếu hụt những gì. Bên cạnh đó, do mỗi bé có một biểu hiện, tình trạng khác nhau nên cũng chẳng có giáo trình nào có thể áp dụng chung được cho tất cả, nên cô lại phải nương theo từng bạn, để có phương pháp dạy phù hợp.
 
 
ngoc-anh-sunshine-21.jpg
Sunshine Kids còn đến các trường mầm non kết nối, xin cho các bé vào học để tạo môi trường hòa nhập 

 

Nhưng những tiến bộ của bé, thì không thể định lượng bằng thời gian và chắc chắn nhìn thấy ngay được. Ngọc Anh ví dụ, việc giành đồ chơi với bạn, là một phản xạ tự nhiên, bình thường của bất kỳ em bé nào nhưng với những bạn tự kỷ, đó là một thành tích lớn lao, mà đôi khi, phải dạy ròng rã cả năm trời bé mới làm được. Nếu như ở các lớp bình thường khác, cô giáo có thể nhìn thấy bé phát triển, tiến bộ hàng ngày, thì với những bạn ở Tia nắng nhỏ, chỉ cần cô dạy 10, bé hiểu được 0,5 là đã mừng lắm rồi.
 
Khó ở học sinh đã vậy nhưng còn khó vô vàn ở cả từ phía các bậc phụ huynh. Đứng ở góc độ cha mẹ các bé, đưa con đi học, đặt biết bao hy vọng con sẽ nhanh chóng tiến bộ nhưng kết quả thì phải tinh ý mới nhận ra được chắc mình cũng sốt ruột, xót tiền, xót con lắm. Chính vì vậy, Ngọc Anh và các cô giáo trong trung tâm luôn phải nhẹ nhàng động viên và mang tài liệu, giáo án chuyên môn ra chia sẻ, đồng thời tổ chức các buổi trò chuyện, hội thảo để phụ huynh biết được đặc điểm của trẻ khuyết thiếu và không cảm thấy nản, mất hy vọng khi đồng hành cùng con.  
 
 
ngoc-anh-sunshine-4.jpg
Ngọc Anh cho biết, thái độ của mọi người với trẻ khuyết thiếu đã cởi mở hơn nhiều 

 

Khó khăn còn đến từ các “đối thủ cạnh tranh khác”, khi họ đóng vai có con em bị khuyết thiếu, đến trung tâm để xem giáo trình, các giờ dạy học của Tia nắng nhỏ. Ban đầu, các cô giáo trong trung tâm cũng trăn trở, vì sợ bị mất “bản quyền”. Nhưng với Ngọc Anh, mình làm thật, làm từ tâm thì không ai làm theo được, bởi điều quan trọng nhất là không ai có thể ăn trộm được tình yêu thương của mình dành cho các bé.
 
Cùng với việc giáo dục đặc biệt, can thiệp sớm cho tự kỷ, tăng động, châm phát triển, chậm nói, khiếm khuyết về trí não, trung tâm Tia nắng nhỏ - Sunshine Kids còn kết hợp với các trường mầm non, tạo môi trường hòa nhập cho các bé. Đây cũng là điều Ngọc Anh rất tâm huyết, vì nếu được học trong môi trường hòa nhập, các bé sẽ có cơ hội tiến bộ hơn nhiều.
 
Lúc đầu, không phải trường nào cũng chấp nhận, nhưng cứ kiên trì gặp gỡ, thuyết phục, chia sẻ điểm mạnh, điểm yếu của từng bé, dần dần, các trường cũng cởi mở hơn và chấp nhận đón các bé vào học hòa nhập. Với những bạn lớn hơn, trung tâm sẽ liên hệ để gửi vào các trung tâm bảo trợ xã hội để bé được dạy kỹ năng, được làm việc.
 
Quan niệm thời gian của các bé là "vàng", Trần Thị Ngọc Anh không nghĩ gì quá lớn lao, mà bắt đầu từ những việc làm cụ thể nhất, là biến những giờ học tại trung tâm thật hiệu quả, xứng đáng với học phí của phụ huynh bỏ ra để đang mang đến những tia hy vọng đến cho những em bé đặc biệt và gia đình.
 

Trần Thị Ngọc Anh, đồng sáng lập và là giám đốc điều hành Trung tâm can thiệp sớm Sunshine Kids, với 2 cơ sở tại: số 15 Nguyễn Hoàng, Mỹ Đình 2 và nhà HH2A, Linh Đàm, Hà Nội.

 Kinh nghiệm khởi nghiệp của Ngọc Anh trong lĩnh vực giáo dục sớm: 

- Phải có chuyên môn, liên tục cập nhật kiến thức, kỹ năng, để hiểu được trẻ, đặc biệt là những đặc tính riêng của trẻ khuyết thiếu

- Làm gì cũng phải xuất phát từ tình yêu thương dành cho trẻ

- Tạo môi trường cho giáo viên cống hiến.

- Thay vì quảng bá, giới thiệu trung tâm, hãy tận tâm mang đến cho bé và phụ huynh cảm giác yên tâm và tin tưởng. Đó mới là cách marketing hiệu quả và bền vững nhất.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm