Mẹ 9x chia sẻ bí kíp thiết kế phòng cho con giúp bé phát triển toàn diện

Thảo Hương
11/11/2022 - 09:40
Mẹ 9x chia sẻ bí kíp thiết kế phòng cho con giúp bé phát triển toàn diện
Phòng riêng là nơi để bé học tập, vui chơi và giúp con phát triển các kỹ năng khác.

Lên ý tưởng và thiết kế phòng riêng cho bé là một công việc khá thú vị nhưng cũng mất rất nhiều công sức. Từ tone màu ra sao, đồ đạc thế nào đến việc sắp xếp bài trí các vật dụng cho phù hợp với diện tích phòng... khiến nhiều bậc phụ huynh phải trăn trở trong khoảng thời gian dài. Với chị Ngô Trang, mẹ của em bé Amia (3 tuổi), hiện đang sống tại Mỹ thì việc sáng tạo không gian riêng cho con là cực kỳ quan trọng. 

Cô bé Amia ngủ ở phòng riêng từ 4 tháng tuổi, trước đó chị Trang đặt cũi của bé trong phòng ngủ của hai vợ chồng. Bé ngủ xuyên đêm từ lúc tầm 2-3 tháng tuổi nên lúc 4 tháng con đã được ngủ ở phòng riêng. Phòng ngủ của bé lúc đầu cực kỳ đơn giản, chỉ có 1 cái cũi, camera quan sát và 1 kệ đồ chơi, nhà ở bên Mỹ thiết kế nơi để đồ khuất trong tường (gọi là tủ closet) nên tủ quần áo và tã cũng như đồ dùng nằm ở bên trong đó có cửa đóng lại. Tiêu chí quan trọng nhất khi làm phòng cho con của chị Trang là sự an toàn cho con khi ngủ và khi chơi. 

Khu vực chơi trong phòng bé Amia.

"Do nhà nhỏ không có phòng chơi riêng nên mình gộp chung lại làm một. Dự định sau này đổi nhà lớn hơn mình sẽ tách ra. Việc lên ý tưởng trang trí chồng mình để mình thỏa mãn làm theo ý mình nên anh không có ý kiến gì cả, tại biết mình có niềm vui trang trí phòng cho con kiểu như là sở thích, chồng mình sẽ phụ sắp xếp kệ bắt dây chằng vào tường, lắp camera, lắp cũi, khoá che lại các ổ cắm điện... những việc như vậy", chị Trang tâm sự. 

Sau khi con lớn hơn thì chị Trang đã thay đổi sắp xếp lại giường ngủ cho bé. Hiện tại, bé Amia có một chiếc giường 2 tầng, tầng trên để ngủ, tầng dưới để con chơi bán hàng nấu ăn hoặc làm chỗ đọc sách. Một điều đặc biệt bà mẹ trẻ chia sẻ thì đây cũng là nơi giúp bé lấy lại bình tĩnh và cân bằng cảm xúc khi có sự nhõng nhẽo không đồng tình với ba mẹ.

Cô bé Amia rất thích không gian riêng của mình.

"Mọi người hay gọi là khủng hoảng tuổi lên 2,3, thực ra là bé đang bối rối với cảm xúc nên giai đoạn này mình rất chú trọng trong việc giúp bé xác định được cảm xúc của bản thân và cách tháo gỡ vượt qua và giải pháp cho vấn đề. Nên góc này là góc mình kêu bé vào đó ngồi làm những cái yêu thích như vẽ tô để lấy lại bình tĩnh, rồi sẽ nói chuyện với nhau. 

Bé nhà mình rất mê phòng riêng này, thường cuối tuần thì có hôm bé sẽ ngủ chung bên phòng mình, hai vợ chồng mình cũng thích như vậy, để được ôm ấp con đó mà, vì bé lớn nhanh quá, có những khoảng thời gian qua rồi không thể có lại được. Phòng này là chỗ ngủ, chơi, đọc sách và có bàn để ngồi tô vẽ nữa. Chúng mình rất quan trọng sự an toàn khi ngủ cho bé nên rất đồng tình với việc ngủ riêng với loại nệm cứng, không mền gối cho đến 2 tuổi. 

Mẹ bỉm chia sẻ bí kíp thiết kế phòng cho con giúp bé phát triển toàn diện - Ảnh 3.

Bé có thể thoải mái thỏa sức sáng tạo ở gian phòng này.

Thêm nữa là giúp con có được sự tự lập, sau khi đọc sách kể chuyện buổi tối, bé sẽ tự đưa mình vào giấc ngủ, sáng dậy sẽ chơi với đồ chơi hoặc chạy qua phòng ba mẹ réo gọi thức dậy. Việc ngủ riêng đảm bảo giấc ngủ cho cả con và ba mẹ, nuôi con nhỏ rất cực và bên này thì thường là 2 vợ chồng tự quán xuyến tự làm hết mọi việc, vì ông bà vẫn chưa nghỉ hưu không tiếp giúp được nhiều, nên việc hình thành thói quen ăn ngủ tốt cho con là điều rất cần thiết và cũng tốt cho sự phát triển của bé. 

Việc này bên lề nhưng thực chất là một phần thực tế của hôn nhân, con cái ngủ riêng ba mẹ có thời gian với nhau hơn, con thường đi ngủ sớm nên sau khi con ngủ là thời gian vợ chồng thư giãn xem phim, không phải nằm kề bên dỗ con ngủ hay là giữ con thức khuya đến tận giờ mình đi ngủ", chị Trang bật mí.

Mẹ bỉm chia sẻ bí kíp thiết kế phòng cho con giúp bé phát triển toàn diện - Ảnh 4.

Cô bé hào hứng chơi đàn ở chiếc giường nhỏ của mình.

Theo bà mẹ trẻ chia sẻ, chi phí làm phòng có tăng dần theo giai đoạn như khi đổi giường lớn hoặc có thêm bộ sưu tập đồ chơi gỗ. Còn những trang trí đơn giản thôi nên không tốn nhiều.

Về việc dọn đồ chơi của bé, chị Trang cho biết chị để con được thỏa thích lựa chọn đồ chơi và cách chơi, bồi dưỡng tạo môi trường cho sự sáng tạo nên khi bé chơi đồ chơi sẽ ở mọi nơi trong phòng. Có những lúc bé Amia sẽ xếp búp bê gỗ dọc cả theo giường ngủ, sáng đến chiều bé sẽ chơi đủ thứ, như là cạnh cửa sổ để lấy nắng chơi với màu sắc. Chị Trang sẽ chơi cùng và nhắc con mỗi ngày để hình thành thói quen, là cất món này rồi mới được lấy tiếp món khác. Cuối ngày trước khi đọc sách đi ngủ sẽ là thời gian 2 mẹ con cùng nhau dọn sơ sơ vì sáng mai bé lại chơi tiếp.

Mẹ bỉm chia sẻ bí kíp thiết kế phòng cho con giúp bé phát triển toàn diện - Ảnh 5.

Đồ chơi thông minh trong phòng giúp bé phát triển toán diện.

"Mình hướng dẫn đơn giản là con làm theo được hết, thường khi cuối tuần mình có thời gian sẽ bài trí sắp xếp lại nhìn cho đẹp mắt hơn, mình thích ngồi xếp hình cất lại từng mảnh ghép lắm, nó là thời gian thư giãn của mình nữa đó. Mình cũng cất bớt đồ chơi và thay đổi món sau vài tuần chứ không để quá nhiều ở ngoài, những đồ chơi bé không có hứng thú thì mình có thanh lý lại trên cộng đồng đồ chơi gỗ bên này. Phòng có một quy định mà mình nhắc đi nhắc lại mỗi ngày, đó là không được mang đồ chơi ra khỏi phòng, bé hiện tại thực hành rất tốt với quy định này nên cũng rất đỡ việc bừa bộn", bà mẹ trẻ tâm sự thêm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm