Mẹ âm thầm 'cài bẫy' để con gặp thất bại

18/09/2018 - 13:05
Làm cha mẹ, chúng ta thường mong con thành công. Nhưng, với tôi, đôi khi thất bại lại quý hơn cả thành công, vì thất bại có thể dạy cho con tôi nhiều bài học ý nghĩa.
Con trai tôi năm nay học lớp 7. Từ nhỏ, cháu đã sớm thể hiện năng khiếu ngoại ngữ. Mới 13 tuổi, cháu đã đọc xong bộ truyện Harry Potter nổi tiếng nguyên bản tiếng Anh. Cháu cũng có thể giao tiếp thành thạo với người nước ngoài và tự học theo sách giáo khoa mà học sinh cùng tuổi ở Anh đang học.
 
Lần đó, có một nhóm các bà mẹ đăng tin gom nhóm cho con mình cùng nâng cao trình độ tiếng Anh. Hình thức hoạt động của nhóm là định kỳ tổ chức cho các con gặp nhau, cùng thảo luận về một chủ đề nào đó bằng tiếng Anh. Điều kiện là các con phải vượt qua được kỳ sát hạch đầu vào để đảm bảo các bạn trong nhóm có trình độ tiếng Anh như nhau.
 
Tôi biết, khả năng của con hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn đó nên đã đăng ký cho con thi tuyển. Hết thời gian làm bài, tôi quay lại đón con thì không ngờ, nhận được cái lắc đầu của một mẹ trong nhóm, cũng là giáo viên dạy tiếng Anh. “Tình hình là con còn hơi yếu tiếng Anh. Đây mới chỉ là đề của học sinh lớp 4 bản ngữ. Sau 1 giờ, con mới chỉ làm hết 30 câu hỏi trong khi lẽ ra con phải làm đúng 80% của 70 câu. Mẹ cho con về luyện thêm, khi nào giỏi thì quay lại với nhóm”.
240_f_218730164_dv1xihvbvxi78usg0pwqpajz0jvzej3i.jpg
Ảnh minh họa

 

Thật sự lúc đó tôi biết ngay đã có chuyện gì “sai sai” xảy ra. Đứng bên cạnh tôi, con trai mặt mày hoảng hốt, dường như đã chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ bị tôi trút cơn giận. Mặc dù muốn thanh minh, nói rõ trình độ của con cho người mẹ đó hiểu và xin cho con một cơ hội thử thách khác nhưng, tôi vẫn vui vẻ chào người mẹ đó ra về, và còn nói to để con nghe thấy: “Dạ, cảm ơn chị! Quả thật là con em vẫn còn phải học tập thêm. Ở nhà, con có thể giỏi trong mắt mẹ nhưng bên ngoài, vẫn còn nhiều bạn giỏi hơn con. Nhất định, con sẽ chăm chỉ học để ngày nào đó có đủ trình độ tham gia cùng các bạn trong nhóm”.
 
Trên đường về, tôi bình tĩnh hỏi con: “Có phải đề quá khó nên con không thể làm hết bài không?”. Con tôi rụt rè đáp: “Phần lớn là dễ mẹ ạ, chỉ có duy nhất 1-2 câu hỏi là có từ mới với con. Nhưng, con canh giờ làm bài không đúng. Con vừa làm, vừa nghĩ ngợi vẩn vơ vì tưởng từ từ rồi làm cũng được. Không ngờ thời gian trôi thật nhanh, mẹ ạ!”.
 
Lúc đó, tôi đã nói với con: “Vậy đó, thất bại hôm nay cho thấy rằng, muốn làm bài thi đạt điểm tốt, ngoài kiến thức ra học sinh còn cần có chiến thuật, kỹ năng làm bài. Con đã quên mất rằng, con đang trong giờ kiểm tra chứ không phải như tự học ở nhà, muốn sao cũng được. Ngoài ra, việc con chưa thể hiểu hết câu hỏi cho thấy con vẫn cần phải học thêm nữa. Kiến thức là vô hạn, mình học không bao giờ là đủ”. Tôi cũng nói với con, con đừng buồn vì thất bại mà cần rút ra bài học gì bổ ích cho mình.
 
Con tôi im lặng, cho thấy con đã hiểu điều tôi nói. Sau lần đó, tôi mua cho con một chiếc đồng hồ đếm ngược. Tôi nói con thi thoảng, hãy tự đặt cho mình một thử thách, như là phải hoàn thành một khối lượng bài trong khoảng thời gian nhất định. Khi đồng hồ báo hết giờ, con sẽ đếm xem mình làm được bao nhiêu phần trăm bài rồi tìm hiểu xem mình còn vướng mắc ở đâu. Điều này rất có lợi cho những kỳ thi quan trọng sau này.
 
c700x420.jpg
Ảnh minh họa

 

Mùa hè năm nay, tôi đăng ký cho con học cờ vua. Cuối khóa, lớp học tổ chức cho các con thi đấu giao lưu. Khi biết “đối thủ” của con là các em học sinh lớp 5, con thất vọng nói với tôi: “Con mà phải chơi cờ với bọn nhóc con hả mẹ. Con thích đấu cờ với người lớn hơn”. Tôi lại khuyên con cứ bình tĩnh và hứa nếu con thấy trình độ các em học sinh yếu thì sẽ nói với thầy để đổi người đấu cờ với con. Mặt khác, tôi âm thầm gọi cho thầy giáo, mong thầy hãy sắp xếp một bạn chơi cờ thật khá, đủ để đánh bại con tôi. Thầy giáo hiểu ý, hôm sau đã xếp chính con trai thầy chơi cờ với con. Kết quả con tôi thua trắng 3 ván liền.
 
Lúc về, thấy mặt mày con buồn thiu, tôi biết con đã “trúng kế thất bại” của mình nhưng vẫn tỏ ra bình thản hỏi thăm con. Nghe con kể xong, tôi nói con vẫn là học viên đang học chơi cờ, thì việc đánh chưa giỏi cũng là bình thường.
 
Nhưng, qua đây tôi muốn con hiểu rằng, đừng bao giờ đánh giá người khác qua tuổi tác, vẻ bề ngoài rồi cho rằng họ kém cỏi hơn mình. Em học sinh đánh cờ với con, tuy nhỏ tuổi nhưng thực ra chơi cờ rất tốt. Em đã chơi cờ được nhiều năm và hiện còn đang ở trong đội tuyển cờ của thành phố. “Con thấy không, thực sự năng lực không đợi tuổi. Chỉ cần con cố gắng, chăm chỉ luyện tập thì dù còn nhỏ, con đã có thể đạt được trình độ cao hơn lứa tuổi của con”.
 
Lần thứ hai, con tôi lại im lặng.
 
Cứ như thế, chưa bao giờ tôi la mắng, thất vọng khi con thất bại. Thay vào đó, tôi muốn con hiểu rằng, thất bại không hoàn toàn xấu mà đều có giá trị của nó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm