pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ bầu mắc cảm cúm tuyệt đối không tự ý làm điều này
Bệnh cúm là một trong những bệnh khó tránh nhất đối với phụ nữ mang thai. Bệnh cúm mùa thường tiến triển lành tính, nhưng biến chứng nặng vẫn có thể xảy ra ở người bị suy giảm miễn dịch. Các mẹ khi mang bầu thường có nhiều thay đổi về nội tiết, hệ thống miễn dịch bị suy giảm so với người bình thường khiến sức đề kháng của cơ thể trước bệnh tật cũng bị yếu đi.
Khi mắc cúm, thời gian khỏi bệnh của các mẹ bầu thường bị kéo dài. Trung bình đối với người bình thường, bệnh cúm thường kéo dài từ 3 - 4 ngày nhưng đối với phụ nữ mang thai có thể lâu hơn vài ngày. Bệnh cúm tiến triển nặng có thể gây viêm phổi cho thai phụ.
Phụ nữ mắc cúm tuyệt đối không tự ý mua thuốc uống
Các mẹ bầu bị cúm không nên chủ quan trước tình trạng bệnh, nên đi khám để được bác sĩ tư vấn kê đơn thuốc và các biện pháp chăm sóc thai kỳ thích hợp. Tình trạng bệnh kéo dài gây mệt mỏi cho thai phụ và ảnh hưởng sức khỏe về lâu dài.
Có nhiều trường hợp mẹ bầu tự ý mua thuốc về uống mà không qua thăm khám. Điều này cực kỳ nguy hiểm. Khi đi khám, bác sĩ sẽ tùy thuộc vào tiền sử bệnh, tình trạng của bà bầu, thai kỳ đã được bao nhiêu tháng... và nhiều yếu tố khác để quyết định nên cho mẹ bầu sử dụng loại thuốc nào với liều lượng ra sao.
Một số loại thuốc điều trị các triệu chứng của cúm có thể gây nguy hiểm với phụ nữ mang thai 3 tháng đầu, có thể gây dị tật bẩm sinh trên ruột của trẻ (hẹp ruột non, nứt bụng) như Tamiflu, Flumadine, Relenza, hoặc Symmetrel, Aspirin, các loại sirô chống cúm, cảm lạnh và ho chứa guaifenesin và dextromethorphan.
Khi bị cúm, mẹ bầu cần liên hệ với bác sĩ ngay lập tức nếu các triệu chứng của mẹ không cải thiện hoặc nếu chúng trở nên trầm trọng như: khó thở, đau họng nhiều, ho khạc đàm xanh, sốt cao dai dẳng và tức ngực.
Nên phòng ngừa cảm cúm khi mang thai như thế nào?
- Tiêm phòng vắc xin cúm. Tiêm chủng ngừa bệnh cúm là an toàn trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ, từ vài tuần đầu tiên đến ngày dự sinh bởi vắc xin ngừa cúm không gây nguy cơ cho mẹ và bé.
- Tránh xa bất cứ ai có triệu chứng cảm cúm.
- Để tránh bị nhiễm virus gây cảm cúm, các mẹ bầu nên rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước ấm.
- Ngủ đầy đủ, ăn nhiều trái cây và rau củ, tập thể dục đều đặn, phù hợp.
Một số cách trị cảm cúm an toàn
Dùng tỏi trị cảm cúm
Tỏi nếu dùng thường xuyên có tác dụng phòng ngừa và điều trị cảm cúm rất tốt. Tỏi chưa chế biến có tác dụng chống nấm, chống vi khuẩn và vi-rút. Tỏi lại rất an toàn với phụ nữ đang trong thời kỳ bầu bí nên tỏi được khuyên dùng trong các trường hợp cảm cúm ở mẹ bầu. Cũng nên lưu ý rằng, tỏi có thể làm tăng sự chảy máu nên những người đang dùng thuốc cầm máu cần thận trọng nếu muốn thêm tỏi vào chế độ ăn uống.
Uống lá kinh giới, tía tô
Theo Đông y thì lá kinh giới có vị cay, tính ấm, có tác dụng làm ra mồ hôi, lợi tiểu, chữa nóng sốt, cảm gió, chữa bệnh dị ứng, sao đen để cầm huyết. Khi bị cúm mẹ bầu có thể sử dụng lá kinh giới để chữa khỏi. Bạn lấy lá kinh giới, tía tô mỗi thứ 15g, cam thảo 2,5g. Đem nấu đun sôi lấy nước uống. Hai vị thuốc này sẽ nhanh chóng giúp mẹ bầu chữa khỏi cảm cúm nhanh nhất.
Sử dụng nước chanh
Nước chanh có hiệu quả tốt trong việc làm giảm đau rát cổ họng và giảm dịch nhầy. Các mẹ bầu có thể uống một cốc nước ấm pha nửa quả chanh và mật ong.
Ăn cháo trứng nóng
Nếu bị cảm cúm nhẹ, mẹ bầu chỉ cần ăn cháo trứng, đặc biệt cháo phải nóng và có nhiều hành tía tô sao cho khi ăn xong cơ thể toát ra mồ hôi giúp mẹ bầu cảm thấy dễ chịu hơn. Món ăn này vừa bổ dưỡng vừa chữa khỏi cảm cúm mà không ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe khi mang thai.
Sử dụng muối ăn
Muối ăn được khuyên dùng trong các trường hợp mẹ bầu bị cảm cúm vì đây là một chất để xúc miệng tuyệt vời và có thể giảm ho. Các mẹ bầu có thể dùng nước ấm và thêm một chút nghệ để tăng cường hiệu quả chống viêm nhiễm. Muối còn được pha với nước ấm để rửa mũi. Việc rửa mũi thường xuyên cũng giúp điều trị các bệnh viêm xoang.