pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ bầu tăng cân trong thai kỳ thế nào là hợp lý?
Cân nặng luôn là vấn đề muôn thuở của phái đẹp. Với những chị em mang thai, vấn đề cân nặng lại càng trở nên quan trọng hơn vì mức cân nặng mẹ bầu có thể liên quan trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi cũng như sức khỏe mẹ. Mẹ bầu tăng cân ít, thai nhi có nguy cơ suy dinh dưỡng, nhưng nếu tăng cân nhiều khi mang thai, mẹ lại có nguy cơ bị tiểu đường thai kỳ cũng như thai lớn khó sinh. Vậy tăng cân khi mang thai như thế nào là hợp lý?
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), sự tăng cân trong thai kỳ được ước tính dựa vào chỉ số khối lượng cơ thể BMI ( Body mass index) của người mẹ trước khi mang thai. Công thức tính BMI như sau:
Chỉ số BMI = cân nặng (kg) / [chiều cao x chiều cao] (m)
Nếu: - BMI khoảng 18,5 – 24,9: Mức tăng cân lý tưởng của người mẹ là 10 – 12 kg.
- BMI: <18,5: Mức tăng cân nên đạt khoảng 25% so với cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 12,7 – 18,3 kg.
- BMI từ 25 trở lên (Mẹ bầu thừa cân trước khi mang thai): Mức tăng cân lý tưởng là 15% cân nặng trước khi mang thai, thông thường là 7-11,3 kg.
Trường hợp người mẹ mang song thai: nên tăng khoảng 16-20,5 kg.
Cân nặng tăng lên của mẹ có thể chia ra các giai đoạn như sau:
- 3 tháng đầu (quý I): tăng 1 kg
- 3 tháng giữa (quý II): tăng 4 - 5 kg
- 3 tháng cuối (quý III): tăng 5 - 6 kg
Một số lưu ý giúp mẹ theo dõi cân nặng khi mang thai
Khi mang thai, mẹ bầu cần theo dõi cân nặng đều đặn hàng tháng và liên hệ bác sĩ để được tư vấn nếu mẹ thấy dấu hiệu tăng giảm cân nặng bất thường. Theo Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Thị Yến - Khoa sản phụ khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng, ở tháng thứ 4 của thai kỳ, thai phụ thường tăng khoảng 1,5 – 2kg mỗi tháng, nếu tăng ít hơn 1kg hay quá 3kg mỗi tháng mẹ cần đến gặp bác sĩ ngay vì tăng cân quá nhiều hay quá ít đều ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Tăng cân hơn so với khuyến cáo trong khi mang thai có thể dẫn đến nguy cơ mắc các vấn đề rối loạn huyết áp, tiền sản giật, đái tháo đường, tăng tỉ lệ sinh mổ... Những biến chứng này có thể dẫn đến sinh non... Tăng cân quá ít cũng có thể gây ra tình trạng thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai suy dinh dưỡng, tăng tỉ lệ sinh non...
Để tăng cân hợp lý, mẹ bầu cần làm gì?
Để đạt được mức cân nặng hợp lý khi mang thai, mẹ bầu nên áp dụng một chế độ dinh dưỡng đầy đủ và lành mạnh. Khẩu phần ăn hàng ngày của mẹ nên đầy đủ các nhóm chất: tinh bột, đạm, béo, vitamin và khoáng chất. Phụ nữ mang thai nên bổ sung nhiều rau xanh và trái cây mỗi ngày.
Ngoài ra, mẹ bầu có thể ăn thêm những loại hạt, các loại ngũ cốc nguyên cám vào những bữa phụ trong ngày để cung cấp thêm dưỡng chất cho sự phát triển của em bé trong bụng. Đặc biệt thai phụ nên lựa chọn các loại thực phẩm dinh dưỡng, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; cần tránh xa những thực phẩm nhiều dầu mỡ, nước ngọt, thức ăn vặt...
Bảng tăng cân của mẹ bầu theo từng tam cá nguyệt sau đây sẽ giúp chị em biết rõ mức tăng cân nặng tiêu chuẩn khi mang thai cũng như nhu cầu năng lượng qua từng giai đoạn. Các mẹ có thể tham khảo nhé:
Nên nhớ "ăn cho 2 người" không có nghĩa là mẹ ăn nhiều gấp đôi. Nhiều chuyên gia còn khuyến cáo, 3 tháng đầu mẹ vẫn có thể ăn uống bình thường. Trong 3 tháng tiếp theo mẹ nạp thêm khoảng 300Kcalo mỗi ngày và 450 Kcalo mỗi ngày cho 3 tháng cuối.
Thai phụ cũng cần có nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc, tránh căng thẳng, lo lắng. Ngoài ra, cũng cần hạn chế các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá và những gia vị cay nóng. Mẹ bầu nên duy trì tập thể dục 150 phút/tuần hoặc 30 phút/ngày với các hoạt động tập thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ... để cơ thể khỏe khoắn hơn.