Chị Hường bức xúc chia sẻ trên facebook:
Kết thúc năm lớp 1, cu cậu học giỏi nhất lớp với 2 điểm 10 Toán, Tiếng Việt (cả lớp có 11 bạn), đạt điểm tuyệt đối Nghe, nói, đọc, viết môn Tiếng Anh (cả lớp có 3 bạn), đạt Top 10% cuộc thi Kangaroo Toán quốc tế (hs duy nhất trong khối 1). Không tính những khả năng khác của bạn ấy bên ngoài vì sợ mang tiếng là... khoe.
Bi kịch là vì hoàn cảnh nên bạn ấy không đi học thêm. Thế nên, dù đứng số 1 của lớp nhưng bạn ấy không được lọt vào top 25 bạn hoàn thành xuất sắc nội dung học tập.
Lý do mà cô giáo đưa ra rất đơn giản: Âm nhạc của con chỉ ở mức Hoàn thành.
Thực tế thì con thuộc tất cả các bài hát trong quyển âm nhạc lớp 1, từng trong đội văn nghệ của lớp biểu diễn âm nhạc.
Con không cần thành tích, nhưng con cần sự công bằng!!!
Chị Hường chia sẻ, chị không phải là người mẹ mắc bệnh thành tích, không cần con mang giấy khen về để khoe với người nọ, người kia. Thế nhưng, suốt năm lớp 1 đồng hành cùng con, chị thấy con có một sự nỗ lực rất lớn. Chưa vào lớp 1, con đã đọc truyện vanh vách, con làm toán thông thạo trong phạm vi 10, 100, con chị có niềm đam mê với tiếng Anh khi có thể đọc trơn tru, thành thạo.
Suốt cả năm lớp 1, dù kiến thức của con nổi trội nhưng con không chủ quan mà vẫn tiếp tục học theo niềm đam mê của mình. Tư duy Toán của con khá tốt. Ở cuộc thi Toán Kangaroo quốc tế, dù mức độ 1 dành cho học sinh lớp 1 và 2, con vẫn đạt Top 10%. Hiện tại, dù vừa kết thúc lớp 1 nhưng con đã tự học hết chương trình tiếng Anh lớp 5, nghe nói tiếng Anh khá thành thạo.
Theo chị Hường, con trai chị là một cậu bé có niềm đam mê học tập và rất nghe lời cô, ngoan ngoãn chấp hành mọi nội quy ở lớp, ở trường. “Với những nỗ lực của con, với những thành tích rất rõ ràng như trên nhưng con không được lọt vào top 25 bạn hoàn thành xuất sắc nội dung học tập và rèn luyện. Tôi không đồng ý với việc cô giáo đánh giá môn âm nhạc của con chỉ ở mức hoàn thành nên con chỉ được khen từng mặt là có thành tích nổi trội về Toán và Tiếng Việt. Bởi, thực tế, con thuộc tất cả các bài hát trong quyển âm nhạc lớp 1, từng trong đội văn nghệ của lớp biểu diễn âm nhạc ở trường. Nếu so 25 bạn ở mức hoàn thành xuất sắc kia, tôi không rõ con tôi kém các bạn ở môn âm nhạc thế nào? Hay 25 bạn kia được đánh giá hoàn thành tốt đều được học thanh nhạc, đều được đào tạo ở môi trường chuyên nghiệp?”, chị bức xúc.
Chị Hường cũng cho biết, nếu môn học nào như Âm nhạc, Mỹ thuật, Đạo đức… cũng đánh giá “tuyệt đối” như trên thì chắc chắn số học sinh ở lớp, ở trường đạt Hoàn thành xuất sắc nội dung môn học chỉ… đếm trên đầu ngón tay chứ không phải là con số "khổng lồ" 50%.
Quan điểm của chị Hường khi có ý kiến về việc này là “không phải con cần thành tích vì con hoàn toàn tự tin với kiến thức của mình. Tuy nhiên, con cần sự công bằng. Nếu con biết nỗ lực của con không được ghi nhận, nếu con biết con bị “đánh tụt hạng” vì một lý do “tế nhị” thì con sẽ mất niềm tin vào cô giáo, mất niềm tin vào trường học. Một đứa trẻ lớp 1 không đáng bị đối xử bất công như vậy”.
* Chị Hường đề nghị không tiết lộ tên trường của con