Gần 1 tháng con bước vào năm học chính thức, nhìn con bơ phờ với những buổi học chính khóa, với lịch học thêm kín đặc, chị Thu vô cùng lo lắng. Hôm nào cũng vậy, sau 5 tiết học mệt mỏi ở trường, 12 giờ con về nhà ăn trưa, chợp mắt một lúc rồi lại đi học thêm ở trường. Sau cả ngày bù đầu với việc học, lẽ ra con phải được nghỉ ngơi thì chỉ kịp vội ăn chiếc bánh mì lót dạ, con đã phải đi đến lớp học thêm của những giáo viên giỏi để luyện thi. 9h tối về nhà, con uể oải ăn cơm khi dốc hết sức cho 3 ca học. Thế nhưng, chưa hết, con lại phải ngồi vào làm bài tập cho buổi học hôm sau. Ngày nào cũng vậy, con chỉ lên giường đi ngủ sau 23g30.
Tuổi 14, lẽ ra con hừng hực sức sống thì cả ngày kín mít lịch học như hút hết sinh khí của con. Thấy con ăn cơm cũng vội và lúc nào cũng thèm ngủ, chị Thu thương con đứt ruột. Muốn giục con đi ngủ sớm cũng khó vì con không thể không hoàn thành bài tập trước khi đến lớp. Nhiều hôm, gần sát giờ đi học, chị mới đánh thức con để con ngủ thêm một chút. Chị chuẩn bị sẵn chiếc bánh mì kẹp thịt để con ăn luôn trên đường đi học. Ở tuổi ăn tuổi ngủ nhưng đó là 2 thứ mà con thiếu nhất: Ăn vội và ngủ thiếu.
Với người lớn, đi làm cả ngày mệt mỏi thì cả buổi tối được nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng. Trong khi những đứa trẻ đi học cả ngày ở trường, tối lại phải đi học thêm, làm bài tập ở nhà, gần như không có thời gian nào nghỉ ngơi, giải trí khiến chị Thu thấy không ổn. Mới đầu năm học đã thế, nếu cứ đà này suốt năm lớp 9, chị Thu lo lắng con sẽ bị stress và không thể đủ sức cho hành trình dài tiếp theo.
Chị Thu quyết định cắt một số ca học thêm buổi tối và khuyến khích con chơi thể thao. Thế nên, giờ đây, thay vì buổi chiều con vội vàng, cuống quýt đi học thêm thì con rểnh rang đi chơi bóng rổ từ 17g30 chiều đến 19g. Chị nhận thấy, từ ngày chơi thể thao, tinh thần của con tốt lên rất nhiều. Con phấn chấn, vui vẻ, tràn đầy sức sống, khác hẳn với vẻ uể oải, mệt mỏi trước kia. “Tôi xác định, trước hết con phải có sức khỏe thì việc học mới đạt hiệu quả. Hơn nữa, việc khuyến khích con chơi thể thao khiến thay đổi hoàn toàn con người con. Tôi muốn nhìn thấy ở con là một đứa trẻ khỏe khoắn, năng động, hay nói hay cười chứ không phải là một đứa trẻ quá khổ vì học”, chị Thu chia sẻ.
Cũng có con học lớp 9 nhưng chị Trịnh Tuyết Mai (Đại Mỗ, Hà Nội) xác định cho con học trường tư để con đứng ngoài cuộc đua thi vào 10 căng thẳng ở Hà Nội. Dù con học giỏi tiếng Anh, đạt nhiều thành tích nhưng chị không cho con thi vào trường chuyên bởi điều chị sợ nhất là… con phải học nhiều. “Tôi hầu như không cho con đi học thêm. Dù lớp 9 nhưng tôi yêu cầu con phải đi ngủ từ 21g30. Điều tôi cần ở con là sức khỏe, tinh thần vui vẻ, nhẹ nhàng và con học vì niềm yêu thích chứ không phải học để đối phó với kỳ thi. Có không ít đứa trẻ quá căng thẳng vì việc học đã bị rối loạn tâm thần. Vì thế thể thao mới là môn chính mà tôi muốn con phải học.
Ngày nào con tôi cũng phải rèn luyện sức khỏe bằng việc chạy bộ, chơi bóng rổ. Tôi quan niệm, cuộc đời các con là hành trình dài phía trước chứ không phải chỉ là thành tích của những năm học phổ thông. Chính vì vậy các con phải thật khỏe về trí lực và thể lực”, chị Mai cho biết.