Dạy con học tiếng Anh trước tiếng Việt
Đồng hành cùng con từ những ngày mang thai, chị Mỹ Hạnh cho biết đó là quãng thời gian thử thách sự kiên nhẫn và bản lĩnh của bố mẹ. Phải mất một thời gian dài con mới có thể hiểu và thể hiện những điều con được học, được nghe.
Đến 22 tháng tuổi, Bảo Châu bắt đầu biết nói và những từ tiếng Anh được bé bật ra trước tiếng Việt. Ở thời điểm 33 tháng tuổi, Bảo Châu có thể đọc mà không cần nhìn vào hình ảnh.
Hiện tại, Bảo Châu 40 tháng tuổi đã có thể giao tiếp với mẹ hoàn toàn bằng tiếng Anh. Số lượng từ vựng Bảo Châu ghi nhớ ước khoảng 4.000 từ về nhiều chủ đề khác nhau. Thậm chí, bé có thể nhớ và đọc chính xác những từ nối, từ khó mà người lớn đôi khi cũng phải bó tay như: Double-decker bus (xe buýt hai tầng), Articulated bus (xe khách nối toa), Icebreaker Ship (tàu phá băng), Compact Ladder Truck (xe thang cứu hỏa), Switcher Locomotive (đầu kéo động cơ…
Khả năng quan sát và ghi nhớ của Bảo Châu cũng rất tốt. Thay vì những tên gọi chung của vật như car (ô tô), vehicle (phương tiện),… bé dễ dàng phân biệt và gọi tên các loại xe khác nhau như Delivery truck (xe giao hàng) hay Taxi truck (taxi tải). Không chỉ vậy, đối với các con số, Bảo Châu có thể đếm từ 1 đến 1.000 bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt.
Đặc biệt, Bảo Châu thường khiến người lớn cảm thấy bất ngờ về khả năng liên tưởng của bé. Khi vào thang máy, nhìn thấy trên nút đóng (close) có hình tam giác xoay ngược vào nhau, Bảo Châu nghĩ ngay đến “Butterfly” (con bướm). Còn những họa tiết hình tia trên cống thoát nước được bé liên tưởng đến “Sun” (mặt trời).
Ông Nachson Lahav, giáo viên tiếng Anh của Bảo Châu cho biết: “Bảo Châu là một đứa trẻ thông minh. Với tính cách và khả năng nhận thức tình huống nhanh nhạy nên Châu có khả năng rất tốt trong việc học và sử dụng tiếng Anh”. |
Nhận thức rõ về sự phát triển vượt bậc của trẻ trong giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi, chị Mỹ Hạnh đã tìm đọc nhiều phương pháp giáo dục sớm cho con. Song thay vì áp dụng máy móc một phương pháp cụ thể, chị Mỹ Hạnh đã chắt lọc những điều hay, điều phù hợp nhất để dạy con.
Chia sẻ về lý do lựa chọn dạy con học tiếng Anh trước tiếng Việt, chị Mỹ Hạnh cho biết con còn một quãng thời gian rất dài để học và sử dụng tiếng Việt. Chính vậy, chị Hạnh muốn kích thích và phát triển tiếng Anh cho con trước.
Khi dạy con học, chị Mỹ Hạnh áp dụng phương pháp giáo dục tự nhiên theo trình tự Nghe - Nói - Đọc - Viết. Chị thường xuyên cho con nghe những bản nhạc, bài thơ, truyện kể bằng tiếng Anh để kích thích thính giác của con. Bên cạnh đó, mỗi ngày chị đều dành thời gian để trò chuyện với con nhằm mục đích cho con làm quen và có những phản xạ đối với ngôn ngữ.
Chị Mỹ Hạnh kết hợp giữa dạy tĩnh và dạy động trong quá trình giáo dục con. Đối với dạy tĩnh, chị Mỹ Hạnh sử dụng Flash card, sách, truyện, đồ chơi, vật dụng trong nhà để giúp con học. Việc dùng hình ảnh để dạy trẻ là phổ biến, song việc này dễ dẫn đến tình trạng trẻ học vẹt. Tức là, trẻ chỉ nhớ hình ảnh cái váy đọc là “skirt”, nhưng khi nhìn chữ “skirt” lại không biết đây là cái váy.
Chính vậy, khi dạy con bằng Flash card, chị Mỹ Hạnh chú trọng dạy cả hình ảnh và chữ viết cho con. Chị Hạnh nhận định: “Đối với trẻ con, chữ viết cũng là một dạng hình ảnh và trẻ sẽ có những cách ghi nhớ riêng. Việc kết hợp học qua hình ảnh và mặt chữ là cần thiết trong việc giáo dục trẻ”.
Với dạy động, chị Mỹ Hạnh thường dùng YouTuBe để cùng xem, cùng học với con. Những kênh YouTuBe có nhiều chủ đề, video có hình ảnh kèm chữ là lựa chọn hàng đầu của chị Hạnh. Cách giáo dục này không chỉ giúp trẻ cảm thấy hứng thú, ghi nhớ dễ dàng mà còn giúp trẻ cải thiện phát âm và ngữ điệu.
Không giống nhiều phụ huynh, chị Mỹ Hạnh không gò ép con học trong một khung thời gian nhất định. Thay vào đó, Bảo Châu được mẹ dạy tiếng Anh mọi lúc, mọi nơi, trong mọi tình huống. Khi dừng đèn đỏ, chị Hạnh sẽ chỉ vào đèn tín hiệu giao thông và nói với con: “Red light, Stop. Green light, Go” (Đèn đỏ thì dừng, đèn xanh thì đi). Những lần sau, khi đến ngã tư, con sẽ lập tức có những phản xạ khi thấy đèn xanh, đèn đỏ.
Bên cạnh đó, chị Mỹ Hạnh sử dụng nhất quán một ngôn ngữ khi dạy con, hoặc tiếng Anh, hoặc tiếng Việt. Việc kết hợp ngôn ngữ khi dạy, hay hỏi trẻ: “Con hổ trong tiếng Anh là gì?”, “Quả táo trong tiếng Anh đọc thế nào?” sẽ làm mất đi khả năng tư duy và phản xạ với tiếng Anh của trẻ.
Con là ưu tiên hàng đầu
Với quan điểm không có đứa trẻ nào giống nhau hoàn toàn. Theo chị Mỹ Hạnh, bố mẹ không nên so sánh con với những đứa trẻ khác. Bố mẹ cần loại bỏ suy nghĩ ‘con nhà người ta học gì thì con mình học nấy’. Việc làm này sẽ gây áp lực và khiến trẻ cảm thấy tự ti, chán nản.
Để con cảm thấy hứng thú khi học tiếng Anh, bố mẹ không nên áp đặt con theo một khuôn mẫu nhất định. Thay vào đó, bố mẹ phải hiểu năng lực và sở thích của con, dựa vào đó để áp dụng những phương pháp phù hợp.
Đặc biệt, bố mẹ nên chấp nhận tất cả những suy nghĩ và liên tưởng của con. Khi con gọi chiếc điện thoại là hình chữ nhật, trần nhà là bầu trời, hay chữ M là số 3, bố mẹ hãy đồng ý với con. Cứ để con được thỏa sức tưởng tượng, sáng tạo rồi dạy con cách phân biệt khi nhận thức của con phát triển hơn.
Trong quá trình phát triển của con, bố mẹ là những người đồng hành quan trọng nhất. Chính vậy, bố mẹ không nên giao trọn việc dạy tiếng Anh cho thầy cô giáo. Bố mẹ cần phải biết con đang học cái gì và học như thế nào để có thể hỗ trợ, tạo điều kiện cho con phát triển.
Bố mẹ có thể sử dụng các ứng dụng học tiếng Anh trên điện thoại, hoặc thông qua YouTuBe để học cùng con. Điều này không chỉ giúp con học tiếng Anh mà còn giúp bố mẹ cải thiện khả năng ngoại ngữ của chính mình. Con sẽ cảm thấy tự tin và hào hứng hơn khi có bạn cùng học, gắn kết tình cảm gắn bó giữa bố mẹ và con cái.
Hiện nay, nhiều phụ huynh do bận rộn công việc không dành nhiều thời gian để giáo dục con, theo chị Mỹ Hạnh điều này là không nên. Bởi trong giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi, trẻ sẽ sao chép hành vi của bố mẹ. Nếu không tác động đúng cách, trẻ sẽ dễ bị lạc hướng. “Con chính là ưu tiên hàng đầu và bố mẹ cần dành nhiều thời gian để chăm sóc”.
* Nguyễn Mỹ Hạnh: “Thời gian trôi qua không bao giờ trở lại, nên dù bận đến đâu cha mẹ cũng phải dành thời gian cho con, hỗ trợ phát triển toàn diện về nhận thức và tâm sinh lý cho con”. |