pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ chồng bắt con dâu mang bầu ăn 5 quả trứng ngỗng 1 tuần, đến lúc đi khám mới hối hận
Ảnh minh họa
Phụ nữ trong thời kỳ mang thai cần ăn đủ các chất dinh dưỡng để thai nhi phát triển khoẻ mạnh. Tuy nhiên vì nghe theo lời đồn mà một số mẹ bầu có cách ăn uống khá cực đoan, nhiều khi dẫn đến hậu quả khôn lường. Chị Liên (30 tuổi, sống tại Hải Phòng) vừa chia sẻ câu chuyện của bản thân trong thời kỳ bầu bí khiến các mẹ vô cùng lo lắng.
Cụ thể, do nghe tin ăn trứng ngỗng giúp con thông minh nên mẹ chồng chị Liên mua rất nhiều trứng về, 1 tuần ép con dâu ăn 5 quả. Vì ăn quá nhiều nên bà mẹ trẻ dần sợ món trứng, nhưng không ăn thì lại làm mất lòng mẹ chồng.
Sau một thời gian, chị Liên đi khám thì phát hiện bản thân tăng cân quá nhiều trong khi thai nhi bị thiếu hụt chất dinh dưỡng. Bác sĩ giải thích lý do là bởi chế độ ăn uống không cân bằng. Với bất kì thực phẩm nào cũng vậy, chỉ nên ăn đủ số lượng ở mức cho phép thì mới phát huy được hiệu quả của nó.
Nghe vậy, người mẹ chồng rất hối hận, từ đó về sau không dám ép con ăn nữa.
Ăn trứng ngỗng có bổ như lời đồn không?
So với trứng gà, trứng ngỗng có hàm lượng dinh dưỡng thấp hơn. Mặt khác, một thành phần chứa nhiều trong trứng ngỗng đó là cholesterol và lipid, đây là những chất không tốt cho sức khỏe và hệ tim mạch. Nếu sử dụng nhiều, phụ nữ mang thai có nguy cơ bị thừa cân, béo phì, rối loạn lipid máu, cao huyết áp,…
Rất nhiều người xem trứng ngỗng là quý vì hiếm thấy trên thị trường so với các loại trứng khác. Tuy nhiên, vì đa số người nuôi ngỗng với mục đích lấy thịt, không phải để lấy trứng nên chúng không phổ biến như trứng các loại gia cầm khác.
Thực tế, rất nhiều người vì lý do hiếm nên đã nhầm tưởng những giá trị dinh dưỡng của nó, đặc biệt là với sức khỏe cho các bà bầu. Sự thực là các vitamin có trong trứng ngỗng không đầy đủ như trứng gà. Do đó, thay vì cố gắng tìm được trứng ngỗng để ăn thì bạn có thể dùng trứng gà để thay thế.
Càng ăn nhiều trứng ngỗng, con càng thông minh?
Hiện nay, chưa thấy có một đánh giá hay nghiên cứu khoa học nào khoảng định mỗi liên quan giữa việc ăn trứng ngỗng trong giai đoạn mang thai sẽ thúc đẩy sự phát triển tốt ở thai nhi cũng như có tác dụng làm cho trẻ sau khi sinh ra được thông minh hơn.
Trên thực tế, đã ghi nhận nhiều trường hợp phụ nữ mang thai bị béo phì vì đã lạm dụng thái quá thực phẩm giàu lipid như trứng ngỗng. Mỗi loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng khác nhau, vì vậy các bà bầu cần ăn đa dạng các loại thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày để bổ sung các chất dinh dưỡng cho nhau và không nên ăn quá 3 lần/tuần. Phụ nữ mang thai không nên lạm dụng ăn trứng ngỗng, vì giá thành đắt, khó ăn và khó tiêu.
Bà bầu nên ăn trứng ngỗng thế nào để đảm bảo sức khoẻ?
- Thai phụ không nên ăn trứng ngỗng quá 3 lần/tuần. Mẹ cần lưu ý nên bổ sung đa dạng các chất dinh dưỡng khác để tốt cho hai mẹ con, không chỉ cung cấp một nguồn dinh dưỡng cố định.
- Trong suốt giai đoạn thai kỳ, mẹ bầu cần đặc biệt chú ý vấn đề ăn chín, uống sôi. Do vậy, bạn có thể chế biến trứng ngỗng bằng cách luộc, chiên, hấp, kho vì nếu trứng ngỗng chưa chín kỹ khi bà bầu ăn trứng ngỗng sẽ khiến cho vi khuẩn sinh sôi xâm nhập vào cơ thể không tốt cho sức khỏe của cả hai mẹ con.
- Việc bà bầu ăn trứng ngỗng vào buổi sáng bằng cách luộc trứng ngỗng hoặc hấp chín sẽ giúp bạn cải thiện được trí nhớ. Trứng ngỗng có thành phần dinh dưỡng sắt. Thành phần sắt là nguyên tố quan trọng khi bà bầu ăn trứng ngỗng, vì nó giúp cho mẹ bầu được bổ sung lượng máu cần thiết để phòng ngừa hội chứng thiếu máu do thiếu sắt.
- Cũng tương tự như trứng gà, mẹ bầu có thể tận dụng lòng trắng trứng ngỗng để làm mặt nạ để dưỡng da. Trong trứng ngỗng có chứa thành phần albumin giúp cho da tăng độ đàn hồi, hỗ trợ trị một số vấn đề kém sắc cho da như là mụn, sạm nám.