pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ có thể vô tình đẩy con nổi loạn
Ảnh minh họa
Con hí hửng khi nghĩ đến việc mình làm bài thi tốt thì chắc chắn mẹ không có cớ gì để thất hứa với con. Vậy mà, con vừa ngỏ lời là tối nay sang ngủ nhà bạn Minh Anh, cô bạn thân chơi với con từ nhỏ, mẹ tỏ ra không thoải mái chút nào. "Sao con không bảo bạn đến nhà mình?". Khi con trả lời rằng lần trước bạn đã ngủ nhà mình rồi, lần này con muốn ngủ nhà bạn vì con thích không gian nhà bạn, mẹ lại "vặn vẹo" con: "Bố mẹ của bạn có nhà không? Mẹ muốn gọi điện nói chuyện với họ!".
Nghe con nói là bố mẹ của bạn có nhà nhưng mẹ không tin. Mẹ cho rằng, chắc chắn bố mẹ của bạn đi vắng nên con mới hào hứng đến nhà của bạn thế. Mẹ còn cho rằng, chắc chắn con hẹn hò với bạn trai ở đấy nên mới nằng nặc như thế. Mẹ vẫn quyết định gọi cho bố mẹ của bạn và khi biết họ thực sự ở nhà, khi nghe họ đảm bảo rằng sẽ quản lý con, mẹ đành chấp nhận cho con đi.
Thế nhưng chưa hết, khi con chuẩn bị đồ thì mẹ lại ra "quấy quả": Mẹ mà biết con hẹn bạn trai thì mẹ không để yên đâu nhé! Con vẫn đang tuổi ăn tuổi học, con mà "dính" vào bạn trai thì hỏng cả tương lai".
Chia tay mẹ, con thở phào nhẹ nhõm vì sẽ có một buổi tối tự do. Thế nhưng, con đã nhầm. Con vẫn bị mẹ làm phiền liên tục. Thỉnh thoảng, mẹ lại gọi video call để kiểm tra con. Mẹ có biết con cảm thấy thế nào khi bị mẹ kiểm tra nhiều như thế không? Con có phải đứa trẻ đua đòi, lêu lổng, hư hỏng không mà mẹ lo lắng nhiều đến vậy? Mẹ có biết, chính sự lo lắng thái quá của mẹ có thể khiến con dễ nổi loạn, con sẽ có những hành vi chống đối không?
Chẳng cần so sánh đâu xa, bố mẹ bạn Minh Anh có cách cư xử hoàn toàn khác. Mẹ có nhớ lần trước khi Minh Anh đến nhà mình ngủ, bố mẹ bạn ấy không cần gọi điện cho mẹ để "nhờ vả trông nom" mà chỉ gọi điện xin phép cho bạn ấy sang ngủ nhà mình. Đến lúc về, bố mẹ bạn ấy cũng không gọi điện để kiểm tra. Bố mẹ bạn ấy luôn tin tưởng con gái mình. Thỉnh thoảng, bố mẹ bạn ấy đi vắng, họ vẫn cho phép con gái mời bạn bè đến nhà chơi. Minh Anh nói, chính vì bố mẹ luôn tin bạn ấy nên bạn ấy không bao giờ làm gì khiến họ mất lòng tin.
Còn mẹ thì luôn gán ghép những gì xấu nhất cho con, hay nghi ngờ, bảo vệ quá mức cần thiết và kiểm soát con quá đà. Điều này khiến hố sâu ngăn cách giữa con và mẹ ngày càng thêm rộng. Mẹ có biết, nỗi lo một ngày nào đó con gái sẽ đâm ra hư hỏng gieo rắc tâm trạng sợ hãi lên mẹ sẽ hình thành tâm lý nổi loạn ở con. Nếu con không làm gì sai nhưng mẹ suốt ngày đối xử với con như thể con không đáng tin thì con sẽ dễ làm những việc sai như mẹ nghĩ. Nếu được mẹ tin tưởng thì con sẽ luôn cố gắng để không phụ lòng tin của mẹ.
Mẹ hãy thể hiện sự tin tưởng vào con bằng cách: Chấp nhận cách chọn bạn của con, để con hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc làm bài tập ở nhà, để con ở nhà một mình... Làm như thế, con sẽ chứng tỏ với mẹ đã sẵn sàng đón nhận nghĩa vụ đi kèm với quyền lợi mới. Mẹ hãy cố hết sức tin tưởng con và đừng lãng phí thời gian ngồi nghi ngờ mẹ nhé!