Mẹ con nơm nớp lo âu khi sống trong nhà cổ gần 200 tuổi chờ sập

27/05/2018 - 12:22
Trời nắng gần 40 độ C nhưng trong ngôi nhà cổ gần 200 tuổi, chị Bùi Thị Thành (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội) vẫn để đầy xô chậu, thậm chí ngay sát bàn thờ cũng kê sẵn nồi để… hứng nước mưa.
ch-thnh-nh-c-4.jpg
Ngay sát bàn thờ cũng phải để đồ hứng nước mưa vì nhà dột.

 

Nắng cũng để sẵn đồ… hứng mưa

Chị Bùi Thị Thành (thôn Cam Lâm, xã Đường Lâm) giải thích, phải để sẵn đồ như vậy vì dạo này thường xuyên bất ngờ có mưa lớn. “Nếu để đến lúc mưa mới mang đồ ra hứng thì chạy không kịp!”.

Sống trong nhà cổ gần 200 năm tuổi nhưng cứ lúc mưa là như thể đang ở ngoài trời, đặc biệt là hai buồng ở hai đầu nhà, cứ mưa là dột, xoong chậu hứng mưa “thường trực” quanh năm suốt tháng.

thanh.jpg
Khu vực cứ mưa lớn là nước từ trên mái trút xuống, từ ngoài tạt vào khiến nhiều hôm chị Thành và hàng xóm phải tát nước vài tiếng đồng hồ.
 

Có những hôm mưa lớn, nước từ trên mái trút xuống, nước từ ngoài tạt vào khiến cho chị Thành vừa tìm cách tát nước ra vừa khóc, nước mắt hòa nước mưa vì… khổ quá. Có thời điểm mưa lớn kéo dài, chị và một người hàng xóm phải căng mình tát nước tận vài tiếng đồng hồ.

 

Nhà chỉ có hai mẹ con, chị đã phải kê thêm một chiếc giường ở gian giữa để ngủ, vì đây là gian dột ít nhất. Nói là dột ít nhất, nhưng thực ra, cũng phải căng bạt trên trần để hứng mưa. 

ch-thnh-nh-c-5.jpg
Khu vực để bếp cũng mưa là dột, xoong chậu kê khắp nơi... chờ hứng nước mưa.
 

Gian đầu hồi, chị kê bếp gas làm chỗ đun nấu, nhưng nếu có mưa thì nước cũng nhỏ tong tỏng xuống ngay nơi đặt bếp.

Nhà chị Thành thuộc diện nhà cổ, đã thông báo sẽ được trùng tu để bảo tồn từ năm 2014. Song, đến nay, sau 4 năm, nhà ngày càng xuống cấp mà hỏi thì nhận được câu trả lời “chưa có kinh phí”.

ch-thnh-nh-c-2.jpg
Ngay cả đầu giường dù đã chăng bạt vẫn phải có chậu để sẵn vì mưa là dột.
 

Gần đây nhất, tháng 2/2018, chị Thành lại nhận thông báo sẽ được sửa nhà vào tháng 6 năm nay, nhưng đó mới chỉ là “thông báo miệng”, đến thời điểm này vẫn chưa có gì khẳng định chắc chắn đến thời điểm đó nhà sẽ được sửa.

 

“Thuộc diện hộ nghèo, nếu không vướng nhà cổ, chắc chắn mẹ con chị Thành sẽ được hỗ trợ xây nhà, như một số hộ khác trong thôn, nhà còn kiên cố hơn nhà chị Thành vẫn được đầu tư xây mới”, hàng xóm nhà chị Thành nói.

 

Cửa không bao giờ khóa

Mẹ con chị Thành mòn mỏi chờ được sửa nhà vì nếu tự phá nhà cổ để xây nhà cấp 4 thì ít nhất cũng cần hơn trăm triệu đồng. Nhà chị chưa làm sổ đỏ nên không thể vay vốn. “Nếu có được vay, tôi cũng không dám vay vì không biết trông vào đâu để trả nợ. Nhà có hai mẹ con, tôi bị thoái hóa khớp gối, chùn hai đốt sống lưng, con trai 19 tuổi không giúp được gì vì khi 5 tuổi, cháu ngã vào hố vôi bị co rút hết chân. Tôi làm ruộng chỉ đủ ăn là may rồi, gặt xong, tôi còn đang không biết sẽ chuyển lúa về nhà bằng cách nào”, chị Thành rơm rớm nước mắt chia sẻ.

ch-thnh-nh-c-1.jpg
Hệ thống cửa đã hỏng toàn bộ, đây là cánh cửa quanh năm đóng vì mở ra là... đổ.
 

Năm 2017, mưa lớn, chị Thành phải nhờ người kích cột chống trong buồng vì sợ nhà đổ. “Tiếng là nhà mình, nhưng giờ muốn sửa chữa gì cũng phải xin phép, nếu họ đồng ý mới được sửa. Tôi cũng từng xin ý kiến cho trổ cửa trong buồng cho thoáng nhưng cũng không được đồng ý”.

ch-thnh-nh-c-6.jpg
Tường mộc và đắp bằng bùn, trấu đã xuống cấp, vết nứt ngang dọc khắp nhà.
 

Hiện tại, toàn bộ các bức tường mộc, được đắp bằng bã trấu, bùn đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, vết nứt ngang dọc chăng khắp nhà, mái ngói xô lệch... “Hệ thống cửa nhà đã hỏng toàn bộ, đóng cũng như không, cánh giữa không có cối nên không dám mở. Cháu ngoại đến chơi, tôi phải luôn mồm dặn không được động vào cửa vì mở ra là đổ. Các cháu cũng chưa một lần dám ngủ lại nhà bà ngoại vì sợ cửa hổng hếch suốt ngày, cánh nào mở được thì đêm cũng chỉ khép hờ”, chị Thành nói.

ch-thnh-nh-c.jpg
Hệ thống cửa không bao giờ... khóa.
 

Chị Thành kể: "Mẹ đẻ tôi thương con cũng từng giục “Con xem có ai mua đất ruộng thì bán bớt mấy sào để sửa nhà!”, nhưng làm gì có ai mua. Tôi cũng muốn giữ nhà nên cố chờ, nhưng sắp tới nếu vẫn không được sửa, chắc tôi sẽ phải nhận hỗ trợ từ nhà hảo tâm, rồi vay mượn thêm để tự sửa theo ý mình". “Để thế này còn là cái nhà, giờ mà dỡ xuống là gãy hết, thành củi hết!”, chị Thành buồn rầu nói.

 

ch-thnh-nh-c-7.jpg
Toàn cảnh ngôi nhà của chị Thành
 

Hiện tại, làng cổ Đường Lâm có hơn 900 gia đình sống trong cảnh “khóc dở mếu dở” vì nhà cổ. Từ khi làng cổ Đường Lâm được công nhận là Di tích cấp quốc gia, sau 12 năm, mới có 17/956 ngôi nhà được trùng tu, sửa chữa. Chính vì trùng tu phải bảo tồn nguyên yếu tố gốc của di tích nên khiến người dân sống trong nhà của mình mà như nhà… đi mượn, nhà sắp sập đe dọa đến tính mạng vẫn phải cố… bám trụ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm