Mẹ của học sinh trường chuyên tiết lộ cách dạy con quản lý tài chính

N.Minh
07/11/2024 - 08:14
Mẹ của học sinh trường chuyên tiết lộ cách dạy con quản lý tài chính

Dạy con quản lý tài chính từ sớm sẽ giúp con có một nền tảng vững chắc cho tương lai

Quản lý tài chính là kỹ năng quan trọng mà cha mẹ cần chú trọng dạy con. Dạy con quản lý tài chính sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho con và giúp con có một nền tảng vững chắc cho tương lai.

Biết rõ giá trị của tiền bạc và cách quản lý tài chính từ sớm giúp trẻ hình thành thói quen tài chính lành mạnh và có khả năng quản lý tài chính tốt sau này.

Dạy con quản lý tài chính sớm, giúp con hiểu được giá trị của lao động

Chị Lê Thị Khánh Hiền (mẹ của em Hoàng Lê Hải Đăng - lớp 10H1, Trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam): "Tôi cho rằng việc dạy con quản lý tài chính không cần phải đợi đến một độ tuổi nhất định mà có thể bắt đầu từ khi con mới 3-4 tuổi. Khi con sớm được dạy kỹ năng quản lý tài chính thì ý thức sự nghiệp cũng sớm manh nha, sớm lĩnh ngộ khái niệm đầu tư. Lúc đó, con sẽ hiểu được giá trị của đồng tiền, có ý thức tiết kiệm và sử dụng đồng tiền một cách hiệu quá, tiến tới biết đầu tư để tiền lại sinh ra tiền.

Mẹ của học sinh trường chuyên tiết lộ cách dạy con quản lý tài chính- Ảnh 1.

Chị Lê Thị Khánh Hiền và con trai Hải Đăng

Ngày từ khi con còn bé, tôi đã dạy con nhận biết các mệnh giá tiền, dạy con hiểu được việc chúng ta dùng tiền để mua thức ăn, sách vở, quần áo, mua xe… Và việc bố mẹ phải đi làm vất vả thì mới có tiền để mua các vật dụng đó

Khi con lớn hơn một chút, tôi dạy con kỹ năng "cầm tiền". Con có thể giúp mẹ đi mua đồ ở siêu thị, tính toán làm sao để mua được món đồ với giá cả hợp lý nhất, so sánh với món đồ khác trong cùng kệ trưng bày. Việc này giúp con biết cân nhắc các khoản chi tiêu, biết dự phòng cho những khoản chi tiêu lâu dài.

Tiếp đến, tôi dạy con "kỹ năng kiếm tiền". Tôi khuyến khích con dần hình thành suy nghĩ có thể tự kiếm tiền và dùng tiền vào những việc có ích như là con vẽ tranh bán ở triển lãm và toàn bộ số tiền được gửi ủng hộ trẻ em vùng cao. Hoặc con có thể dùng tiền kiếm được của mình (từ phần thưởng học tập chẳng hạn) để mua những món đồ con yêu thích như lego, hoặc mua quà tặng sinh nhật bạn và các em…

Vài năm trước, tôi tạo điều kiện để con nâng cao kiến thức thức quản lý tài chính bằng cách cho con tham gia những khóa học về quản lý tài chính, đọc sách về chủ đề này như "Cha giàu, cha nghèo", "Dạy con làm giàu" của Robert Kiyosaki, "Bí mật người Do Thái dạy con làm giàu" của Mordecai Nadav hoặc tham gia các cuộc thi về khởi nghiệp, giả lập doanh nghiệp...

Ở giai đoạn này, tôi cũng khuyến khích để con mở một tài khoản cá nhân tại ngân hàng và tự quản lý tài khoản của mình dưới sự định hướng của bố mẹ

Với tôi, việc giáo dục quản lý tài chính cho con cũng là một cách để "giáo dục đạo đức, nhân cách", giúp con hiểu được giá trị của lao động, biết đầu tư và quản lý tài chính một cách hiệu quả, liêm chính và sinh lời".

Tạo các cơ hội cho con thực hành việc quản lý tài chính

Chị Trần Mai Anh (mẹ của em Nguyễn Trần Phước Dũng - Học sinh chuyên Lý Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội):

"Quản lý tài chính không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống hiện tại mà còn quyết định tương lai của trẻ. Trong gia đình tôi, quản lý tài chính được xem như một trong những kỹ năng sống thiết yếu mà tôi muốn truyền đạt cho con từ những năm còn nhỏ.

Mẹ của học sinh trường chuyên tiết lộ cách dạy con quản lý tài chính- Ảnh 2.

Chị Trần Mai Anh và con trai Phước Dũng

Tôi bắt đầu bằng cách giới thiệu cho con khái niệm cơ bản về tiền bạc. Tôi giải thích cho con về vai trò của tiền trong cuộc sống hàng ngày, từ việc mua sắm cho đến việc tiết kiệm, tích lũy, đầu tư. Gia đình tôi thường có những cuộc trò chuyện về giá trị của đồng tiền, cách tiền được kiếm ra, cách sử dụng và quản lý tiền một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giúp trẻ hiểu rõ hơn mà còn khơi gợi sự tò mò và mong muốn tìm hiểu về tài chính.

Ngoài ra, tôi cũng chủ động tạo ra các cơ hội cho con thực hành. Một trong những cách tôi thực hiện là cho con giữ tiền mừng tuổi Tết và cho con một khoản tiền nhỏ hàng tuần để con tự quyết định cách sử dụng. Tôi khuyến khích con phân chia số tiền này thành 3 phần: Một phần dành để chi tiêu cho những thứ thiết yếu như ăn uống, đi lại khi đến trường; một phần dành cho sở thích; phần còn lại để đóng góp cho các hoạt động từ thiện. Qua đây, con không chỉ học cách quản lý tài chính mà còn nhận thức được giá trị của việc chia sẻ và giúp đỡ người khác.

Tôi cũng khuyến khích con lập ngân sách cá nhân. Thay vì chỉ đơn giản cho con tiền tiêu vặt, tôi hướng dẫn con lập ra một kế hoạch chi tiêu hàng tháng và hướng dẫn con cách chi tiêu hợp lý cho từng khoản. Điều này giúp con suy nghĩ cẩn trọng về chi tiêu, giảm bớt chi tiêu lãng phí vào những tình huống không cần thiết.

Không chỉ dừng lại ở việc chi tiêu hợp lý, tôi còn luôn khuyến khích con tìm hiểu thêm về các khái niệm như doanh thu, chi phí, lợi nhuận, lãi suất, chứng khoán và tiền điện tử ở mức độ phù hợp với trình độ hiểu biết trong độ tuổi của con. Từ đó, giúp con có cái nhìn rộng hơn về thế giới tài chính xung quanh.

Bằng cách dạy con những khái niệm cơ bản về quản lý tài chính từ khi còn nhỏ, tôi hy vọng rằng qua từng ngày, con sẽ phát triển khả năng tự tin trong việc đưa ra quyết định tài chính và có khả năng quản lý tài chính tốt trong tương lai".

Dạy con cách tiêu tiền hiệu quả - đúng mục đích

Chị Nguyễn Hải Anh (mẹ em Nguyễn Thế Quang, Lớp 10 Hóa 1, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam): 

"Việc dạy con quản lý tài chính sớm rất quan trọng nhằm giúp con định hình đúng vai trò, hiểu được giá trị đồng tiền. Từ đó con có ý thức tiết kiệm, sử dụng đồng tiền một cách hiệu quả nhất.

Mẹ của học sinh trường chuyên tiết lộ cách dạy con quản lý tài chính- Ảnh 3.

Mẹ Nguyễn Hải Anh và con trai Thế Quang

Ngay từ bé, gia đình tôi đã dạy con biết tiệm kiệm tiền và biết chi tiêu có kế hoạch như tiết kiệm tiền mừng tuổi và lên kế hoạch để đến năm học mới mua đồ dùng và cặp sách hoặc kế hoạch mua đồ thể thao mà con yêu thích.

Khi con lớn dần, để dạy con cách tiêu tiền hiệu quả, đúng mục đích, tôi luôn tạo điều kiện để con có cơ hội quản lý, sử dụng một số tiền nhỏ. Từ đó, tôi hướng dẫn con cách đánh giá mức độ ưu tiên của các nhu cầu, biết nói không với nhu cầu không cần thiết, để sử dụng tiền đúng nhu cầu một cách hiệu quả nhất. Ngoài ra, tôi cũng khuyến khích con dần hình thành suy nghĩ có thể tự kiếm tiền một cách chính trực và dùng tiền đó vào việc có ích. Ví dụ, khi con nghỉ hè, tôi khuyến khích con dạy phụ đạo cho các em, tham gia trợ giảng cho cô giáo… Và con được tự quyết định việc chi tiêu số tiền con kiếm được cho các nhu cầu, sở thích của con dưới sự định hướng của bố mẹ...".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm