pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ đảm khéo nấu, con chưa có răng mà ăn thô ngon lành
Bước vào thời kỳ ăn dặm, mẹ bỉm nào cũng đau đầu nghĩ cách để sáng tạo 1001 món ăn cho con. Thế nên, khi nhìn vào thực đơn ăn dặm mà chị Lê Thị Hà Phương (28 tuổi, sống ở Hải Phòng) làm cho con trai thì ai cũng phải trầm trồ, thán phục vì các món quá ngon mắt, được trang trí khéo léo, tỉ mỉ, đẹp tới nỗi chẳng nỡ ăn.
Hiện tại, em bé Tiền nhà chị Phương đã được 10 tháng tuổi, dù chưa có chiếc răng nào nhưng trộm vía cậu bé đã ăn thô rất tốt. Tiền ăn được tất cả mọi thứ từ thịt heo, thịt bò, cá, tôm, cua, ếch, lươn, các loại rau củ quả thậm chí cả mướp đắng. Cũng có những hôm bé chán ăn bỏ bữa, ăn không ngoan, ném đồ ăn nhưng chị Phương hiểu và luôn kiên nhẫn vì biết chẳng có hành trình ăn dặm nào là không nước mắt. Và chị Phương đã, đang và sẽ luôn cố gắng để hành trình ăn dặm của hai mẹ con thật nhiều niềm vui.
Gia đình nhỏ của chị Phương.
Chia sẻ về phương pháp cho con ăn dặm, bà mẹ 1 con trải lòng: ''Con được mình cho ăn kết hợp giữa ăn dặm tự chỉ huy (BLW) và mẹ đút cháo từ 6 tháng. Phương pháp BLW giúp con cảm nhận được rõ ràng hương vị của từng món ăn đồng thời giúp mẹ nhận biết được con thích ăn gì, không thích ăn gì. Vì còn nhiều bỡ ngỡ, nên từ lúc con 5 tháng mình đã dành thời gian tìm hiểu, đọc sách và tham khảo kinh nghiệm của các mẹ khác. Quan điểm của mình là không quá quan trọng việc tăng cân của con. Mình chỉ cần con khoẻ mạnh và phát triển đúng lứa tuổi.
Thời gian đầu khi mới tập ăn BLW, Tiền còn chưa biết bốc thức ăn, mình vẫn phải hỗ trợ để đồ ăn vào tay và hướng vào miệng con. Trộm vía sau gần 3 tuần, con đã tự bốc và cầm chắc thức ăn trong tay, thậm chí còn chuyền từ tay nọ qua tay kia, thả hai tay ngậm đồ ăn trong miệng sau đó lại cầm đồ ăn giơ lên quan sát.
Mình cho con ăn BLW chủ yếu để con tự khám phá mùi vị đồ ăn và tập kỹ năng vận động tinh là chính. Thời gian đầu khi ăn kết hợp 2 phương pháp trong 1 cữ, thì mình cho con ăn 15 phút BLW. Sau đó khi thấy con có biểu hiện chán ăn, ném đồ ăn, hoặc đập bàn là mình dọn và thông báo với con sẽ chuyển qua ăn cháo - tổng thời gian ăn cả hai phương pháp đều không quá 30 phút.
Những món ăn chị Phương nấu đều rất ngon mắt
Những ngày đầu tiên tập đút thìa con cũng chưa biết nuốt, cứ vừa ăn vừa thổi hoặc nhè đồ ăn. Nhưng trộm vía từ ngày thứ 10 trở đi con đã nuốt thành thạo.
Là một bà mẹ cầu toàn, mình cảm nhận được thế nào là tốt nhất cho con, muốn con được ăn nhiều món, khám phá được nhiều món nhất có thể và dần dần, qua quá trình ăn, mình càng hiểu con hơn, về tính cách, sở thích của con nữa. Trong suy nghĩ của mình, tuổi thơ của con trôi qua rất nhanh nên mình muốn cho con có những tháng ngày trọn vẹn nhất có mẹ đồng hành cùng. Tiền bạc lúc nào cũng có thể kiếm được, nhưng tuổi thơ của con đã qua đi thì không trở lại''.
Món ăn đẹp và đầy màu sắc
Dưới đây là những kiến thức chị Phương lượm lặt và tích luỹ được trong quá trình tìm hiểu về ăn dặm cho Tiền, các mẹ tham khảo sẽ không sợ bị mua thừa hoặc thiếu, mong sẽ giúp ích được cho nhiều mẹ. Hãy cùng nhau xây dựng cho con một cơ thể khỏe mạnh, một tâm trí sáng suốt ngay từ nhỏ nhằm hướng đến năng lượng yêu thương và bình an trong tương lai.
Đầu tiên là chuẩn bị về mặt kiến thức
Mình bắt đầu đọc và học về ăn dặm cho con từ khi Tiền được gần 5 tháng. Mình tranh thủ đọc sách khi con ngủ và nhờ những cuốn sách hay mà mình đã tự tin hơn để đồng hành cùng con trên chặng đường sắp tới. Những kiến thức mình chia sẻ phần nhiều đều từ trong sách.
Các món ăn thay đổi liên tục để bé không nhàm chán.
Dưới đây là một số đầu sách hay cho các mẹ tham khảo:
- Sổ tay ăn dặm của mẹ
- Ăn dặm kiểu Nhật
- Ăn dặm không phải là cuộc chiến
- Baby - Led Weaning - Phương pháp ăn dặm Bé Chỉ Huy
Em bé Tiền ăn dặm theo phương pháp nào?
- Dự định của mình là cho con ăn kết hợp ăn dặm kiểu Nhật và BLW. Trong tương lai sẽ chuyển qua ăn BLW hoàn toàn.
Nhìn ảnh ai cũng thốt lên “đúng là mẹ nhà người ta”
- Lý do mình chọn 2 phương pháp này: Ăn dặm kiểu Nhật trải qua các giai đoạn từ mịn đến thô, khởi đầu là đút muỗng và sau đó bé có thể tự xúc ăn. Còn BLW thì bé được ngồi ăn chủ động, tự quyết định và tiếp xúc với thức ăn thô ngay từ đầu, tạo điều kiện cho con phát huy tính tự lập tự chịu trách nhiệm với quyết định của bản thân từ khi còn bé. Mỗi phương pháp đều có ưu - nhược điểm riêng nhưng mình mong muốn con sớm tự ăn và trải nghiệm bữa ăn một cách vui vẻ chứ không phải bị bắt ép ăn. Mình cũng mong muốn con được trải qua nhiều kiểu ăn khác nhau, các cấp độ ăn uống khác nhau từ dễ đến khó, thử các mùi vị khác nhau bắt đầu từ những hạt cơm đơn giản nhất.
Những đồ dùng cần chuẩn bị cho con ăn dặm
- Ghế ăn dặm: giúp con ngồi thẳng lưng, có tư thế chuẩn, thuận tiện để thực hiện việc ăn uống. Con được thiết lập thói quen ăn uống lành mạnh, tập trung khi ăn: Ngồi vào ghế là ăn, không đi rong, xem tivi hay điện thoại khi ăn. Và quan trọng nhất là khi ngồi ngay ngắn hệ tiêu hoá của con sẽ hoạt động tốt hơn, giảm các nguy cơ tai nạn trong khi ăn như hóc, sặc.
- Khay ăn dặm: Mới đầu con ăn theo phương pháp BLW thì mẹ sẽ mời từng món nên các mẹ mua sau cũng được. Khi qua tới 7-8 tháng con sẽ ăn nhiều hơn, cũng có nhiều đồ nóng hơn thì mẹ rất rất cần 1 chiếc khay Silicon chất lượng một chút nhé.
Cách trang trí món ăn cũng là một điểm cộng.
- Yếm: Mình mua cho con yếm silicon có máng hứng thức ăn rơi vãi.
- Bát, đĩa, cốc, thìa, khay trữ đông.
- Dụng cụ chế biến: Một bộ nồi chảo có xửng hấp riêng, dao thớt riêng vì con còn nhỏ, đồ ăn chưa nhiều; Nước rửa chén bát; Dao lượn sóng: Nếu cho con ăn BLW thì rất cần. Ngoài việc để tạo hình bắt mắt thì còn để bé cầm đồ ăn đỡ bị trơn trượt, có điểm bám hơn; Rây; Khuôn các loại kéo cắt thức ăn; Hộp đựng nước Dashi và đồ ăn kiểu Nhật; Máy xay; Nồi nấu cháo chậm.
- Đồ ăn của con thì mình ưu tiên dùng các sản phẩm dành riêng cho bé hoặc thực phẩm hữu cơ Organic.
Nhìn món nào cũng ngon chẳng nỡ ăn.
- Đồ khô: Gạo trắng; Yến mạch, quinoa và hạt kê hữu cơ Markal; Một số hạt khác: Đậu lăng, Đậu gà, Đậu xanh, Đậu đen, Đậu đỏ, Kỳ tử, táo đỏ. Đây đều là những loại hạt bé có thể ăn được từ 6m ; Bột năng hữu cơ, bột pudding, gelatin hữu cơ, hoa đậu biếc khô,...; Các loại bột ướp tự nhiên: nghệ, sả, điều, hành tây, tỏi, gừng,...; Các loại bột rau củ sấy lạnh: bó xôi, bí đỏ, cải xoăn Kale, khoai lang tím, đậu hà lan, măng tây, chùm ngây...
Mẹo hay: Hoặc các mẹ có thể mua full combo các loại hạt, đậu hữu cơ kèm hũ và kệ bao gồm đầy đủ các nguyên liệu dùng để chế biến ăn dặm cho bé phù hợp với từng phương pháp.
- Dầu ăn: Với dầu Olive, các mẹ lưu ý chọn loại dầu Olive siêu nguyên chất (Olive Oil Extra Virgin) cho bé; Dầu óc chó mình mua loại Kunella của Đức vì chứa hàm lượng OMEGA 3 cao. Các mẹ lưu ý không sử dụng dầu óc chó khi đang nấu ở nhiệt độ cao vì sẽ làm mất đi nhiều dưỡng chất trong dầu. Mặt khác dầu óc chó khi bị đun nóng sẽ tạo vị đắng rất khó ăn; Phô mai: Nên chọn loại phô mai tách muối cho bé.
Kinh nghiệm bà mẹ trẻ rút ra sau một thời gian cho con ăn dặm
- Lượng ăn trong giai đoạn 5-6 tháng: bắt đầu từ 5g và tăng dần.
- Giai đoạn đầu con chỉ mới tập nuốt không cần quá quan trọng về việc bổ sung đủ ba nhóm chất Vàng - Xanh - Đỏ (Năng lượng - Vitamin - Đạm); chỉ cần chọn 2-4 loại rau củ cho bé tập ăn (cải bó xôi, bí đỏ, bắp cải, cà rốt...) là được.
- Các bậc cha mẹ thường được bảo rằng phải cho bé tập ăn một món mới liên tục vài ngày liền để đảm bảo không có phản ứng xấu với món đó, trước khi bổ sung thêm món khác. Trừ khi gia đình có tiền sử dị ứng, nếu không bạn không cần phải làm theo lời khuyên này khi bạn áp dụng phương pháp BLW.
- Trà và nước không nên dùng để cho con trôi cơm, hãy cố gắng để cho con tự nhai và nuốt, tin tưởng vào con, không nên sợ con ọe.
- Hoa quả ngọt nên dễ khiến con ghét rau, không cần thiết ăn hoa quả khi ăn dặm kiểu Nhật.
- Giai đoạn này ăn dặm không phải là nguồn dinh dưỡng chính, miễn sao con vui mẹ vui là được.
Hy vọng những thông tin trên của chị Phương sẽ giúp ích cho bố mẹ nào đang trên hành trình cho con ăn dặm. Mong các em bé sẽ có những phút giây vui vẻ và tận hưởng niềm vui ăn uống nhé!