pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ đập nát điện thoại khi con vào phòng thi: Câu chuyện đằng sau khiến nhiều người suy nghĩ
Trong kỳ thi tuyển sinh đại học khốc liệt ở Trung Quốc, nhiều phụ huynh đưa con đến nơi xong không về nhà mà nán lại đợi con trước cổng trường. Có phóng viên phỏng vấn một người mẹ: "Chị muốn nói gì với con mình?". Câu trả lời của chị thật "kinh điển": "Nếu thi đỗ thì cống hiến cho quốc gia. Nếu trình độ "xoàng" thì về nhà lấy chồng. Thế nào cũng được, miễn con bình an vô sự là tốt rồi".
Ngược lại với chị là một người mẹ khác, khi con vào phòng thi, chị đã đập nát điện thoại và ngồi khóc bên ngoài. Chuyện gì đã xảy ra?
Có người kể về trải nghiệm của người mẹ này. Chị đã ly hôn và có một công việc bình thường, kiếm được hơn 3.000 nhân dân tệ (gần 10 triệu đồng) mỗi tháng và một mình nuôi con trai.
Để cải thiện điểm số của con, chị đã tiết kiệm thức ăn và mọi nhu cầu khác, đăng ký cho con tham gia nhiều trường luyện thi khác nhau. Bà mẹ cũng tự nấu ăn cho con dù có vất vả và mệt mỏi đến đâu để con có một chế độ dinh dưỡng cân bằng. Trong lòng chị, chỉ cần con trai thi đậu một trường đại học thuộc nhóm 985 hoặc 211 (Các dự án xây dựng các trường Đại học trọng điểm của Trung Quốc) là chị có thể tự hào.
Điều không ngờ tới là sự đầu tư nghiêm túc của mẹ lại khiến cậu con trai không bằng lòng, còn có phần nổi loạn, không muốn giao tiếp với mẹ. Cho dù em có đi luyện thi bao nhiêu cũng không thấy hiệu quả, điểm vẫn ở mức trung bình.
Với thành tích tầm thường như vậy, rất khó để vào một trường top 2 chứ đừng nói các trường trọng điểm. Bà mẹ gay gắt chỉ trích con trai: "Sau này con sẽ thành người vô dụng, ra trường sẽ không tìm được việc làm tốt, chỉ có thể quét đường". Cậu con trai không nói lại mà trừng mắt nhìn khiến người mẹ càng đau lòng.
Bà mẹ cho rằng, vì điều kiện hạn hẹp nên chị đã rất khắt khe với bản thân, mấy năm nay không mua quần áo. Tủ lạnh có đầy thịt, sườn nhưng chị cũng không nỡ ăn một miếng, để lại toàn bộ cho con trai. Người con cũng thấy sự khó khăn của mẹ và đề nghị không học thêm vì nghĩ rằng điều đó sẽ vô ích, cậu muốn tự học.
Nhưng lời nói của con lại khiến người mẹ càng lo lắng, cảm thấy con trai không cố gắng tiến bộ, chỉ muốn kiếm cớ để thoái thác việc học. Vì lý do này mà hai mẹ con nhiều lần cãi vã, quan hệ ngày càng xấu đi.
Khi trường chụp ảnh tốt nghiệp, các học sinh khác đều hào hứng với nụ cười trên môi, chỉ có con trai chị là không chụp tấm nào, còn nói chán lắm, không muốn đi học. Con sắp thi đại học, phụ huynh của các học sinh khác đặt khách sạn gần phòng thi để các con được nghỉ trưa, người mẹ này không có tiền, trong túi chỉ có vài trăm tệ. Chị để dành, mua bánh bao thịt bò cho con.
Ngày thi, cha của cậu bé này có đến. Được biết ông có điều kiện rất tốt, thu nhập hàng năm hàng trăm nghìn tệ, có nhà lầu và xe hơi, đã tái hôn và có một đứa con. Ông bố cho rằng, dù không đặt phòng cũng có thể cho con trai nghỉ ngơi trên xe vào buổi trưa. Để động viên con thi đại học, ông mua một chiếc điện thoại di động mới giá trị hơn hơn 7.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 20 triệu đồng).
Vốn đã có quan hệ không tốt với chồng cũ, khi nhìn thấy chiếc điện thoại di động, người mẹ tức giận đến mức đập nát nó vì cho rằng điều đó sẽ khiến con trai mất tập trung và ảnh hưởng đến kỳ thi tuyển sinh đại học. Thấy điện thoại tan nát, cậu con trai gục xuống, vừa khóc vừa dỗi mẹ: "Con sẽ làm bài thi không tốt, cố tình bị điểm 0, mẹ hài lòng rồi chứ?".
Nói đến đây, nhìn ánh mắt thất thần của mẹ, cậu con trai cố bình tĩnh lại và xuống nước: "Mẹ yên tâm, con sẽ thi thật tốt, nhưng có thể con sẽ không đạt điểm cao. Với năng lực của con, đôi khi mẹ phải chấp nhận số phận của mình".
Nhìn con bước vào phòng thi, người mẹ òa lên khóc. Chị đã linh cảm trước cái kết nhưng không hiểu mình đã làm sai điều gì.
Nhiều cư dân mạng đã để lại bình luận phía dưới câu chuyện, chỉ trích gay gắt người mẹ quá độc đoán. Chị muốn con đi theo con đường đã vạch sẵn nhưng lại mặc kệ suy nghĩ của con trai. Đôi khi, phụ huynh phải chấp nhận thực tế là chỉ có một số ít học sinh được vào các trường đại học trọng điểm. Hãy nhìn vào năng lực con mình để kỳ vọng sao cho phù hợp.
Cuộc sống của hầu hết mọi người đều bình thường: Vào một trường đại học bình thường, hoặc học cao đẳng, học nghề, kinh doanh... Bất kể con đường nào, đều có những điểm sáng của nó. Sự quý giá của cuộc sống nằm ở chỗ mỗi người không ai giống ai như thế. Chấp nhận khả năng của con cái và sự đa dạng của cuộc sống là điều bắt buộc đối với các bậc cha mẹ.
Có quá nhiều người trong cuộc sống đã trở nên giống như người mẹ này. Họ không ăn không tiêu, dành hết tiền cho con cái, lấy việc vào các trường đại học trọng điểm là mục tiêu duy nhất. Kiểu suy nghĩ phiến diện này chắc chắn sẽ gây ra căng thẳng trong mối quan hệ giữa mẹ và con, cái mất rõ ràng nhiều hơn cái được.
Ở một góc độ khác, cũng cần nhận ra một thực tế rằng, chúng ta rất bình thường, tại sao lại đòi hỏi con mình phải xuất chúng?
Là cha mẹ, hãy khám phá điểm mạnh của con, hướng con đến sự tích cực và học cách tôn trọng cho dù con có phát triển như thế nào trong tương lai. Con đã rất nỗ lực trong học tập, cha mẹ thông minh không tạo áp lực mà giải tỏa áp lực cho con.
Cũng giống như người mẹ ở đầu bài viết, cô ấy có thái độ tốt, bất kể con làm nghề nghiệp gì hay chỉ ở nhà lo chuyện gia đình, cô ấy đều vui vẻ chấp nhận. Khi đó, tinh thần của trẻ sẽ được thư giãn và bạn cũng có thể cảm thấy hạnh phúc.