pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ đau đầu vì hành động của con học lớp 1, hội phụ huynh lại khen: Rất sáng tạo, đừng ngăn cấm
Đâu phải chỉ mỗi việc học chữ, có con sắp vào lớp 1 cũng đồng nghĩa với việc phụ huynh đối mặt với đủ vấn đề khác cần giải quyết. Trên các diễn đàn, chuyện bố mẹ kêu trời vì con mất đồ dùng học tập như cơm bữa, con vừa học vừa ngủ, con không tập trung,… đã thành chuyện "thường ngày ở huyện".
Một bà mẹ khác mới đây lại đau đầu vì con hay... vẽ bậy. Tất cả phiếu bài tập của cô giáo cho về nhà đều được con ký họa đủ hình thù. Chưa kể mặt trước là bài tập, mặt sau vẽ đầy khủng long, quái vật. "Đi học suốt ngày cô nhắc sách vở không sạch sẽ", chị nói. Đính kèm với đó là một "tác phẩm" vẽ hình bông hoa mặt cười của con.
Phụ huynh này cho biết thêm, ngày nào chị cũng nhắc, cũng dặn dò con mà vở nào cũng toàn hình vẽ.
Ngay khi đăng tải, bài viết của chị đã thu hút nhiều sự chú ý và đồng cảm từ các bậc phụ huynh. Nhiều người cho rằng, hành động vẽ bậy của đứa trẻ rất sáng tạo. Một số phụ huynh còn tranh thủ khoe luôn những bức hình vẽ bậy của con mình. Một số bình luận như sau:
- "Trước con mình học lớp 2 hay lớp 3 cũng vậy. Sách tiếng Việt trang nào có hình là vẽ thêm hết vào, mà toàn đao kiếm...";
- "Con sáng tạo, tư duy và hài hước đó. Mẹ cho con phát huy nhé";
- "Bé sáng tạo quá, con mình còn chả nghĩ ra cái gì mà vẽ".
Nhiều ý kiến cho rằng, việc trẻ nhỏ hiếu động, thích vẽ vời là chuyện rất bình thường. Thay vì cấm đoán hay trách phạt khi con vẽ không đúng nơi đúng chỗ, bố mẹ nên cho con một quyển vở tập vẽ và chỉ những nơi thích hợp để con có thể thỏa sức sáng tạo. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể cho con tham gia các lớp học năng khiếu để nâng cao khả năng.
Một phụ huynh "hiến kế" dựa trên kinh nghiệm từ chính con mình: "Bé nhà mình lớp 2 rồi mà vẫn vẽ như vậy đấy. Bạn mua 1 quyển vẽ riêng cho con, bảo con vẽ vào đấy khi rảnh. Trước mình cũng cấm mà mấy đứa trẻ càng cấm càng muốn làm nên cứ cho con thoải mái, ghi tên bìa sách "bí mật của con" là trẻ hứng thú ngay".
Đừng cấm đoán, hãy hiểu con
Nhiều người cho rằng, khi trẻ nghịch ngợm là trẻ đang sáng tạo, khi trẻ vẽ bậy là trẻ biểu hiện suy nghĩ một cách tự do bằng những nét vẽ của mình. Do đó nếu bố mẹ tôn trọng mầm mống sáng tạo, tôn trọng cái tôi của con thì trẻ sẽ phát triển cả thể chất, tâm hồn lẫn trí óc.
Tuy nhiên, bố mẹ cần hướng dẫn để con biết nơi nào là phù hợp để vẽ. Hãy nhẹ nhàng khuyên bảo con, đừng trách mắng. Chúng ta phải làm từng bước một, bước đầu tiên là yêu cầu con không vẽ vào sách giáo khoa. Bước thứ hai là không vẽ trong giờ học.
Đừng quên khen ngợi sự cố gắng của trẻ. Chẳng hạn nếu trước đây con vẽ mười lần trong sách giáo khoa, ngày mai con vẽ ít hơn một lần, hãy khen, thưởng cho con đã nỗ lực thay đổi. Phần thưởng này nhất định phải là thứ gì đó liên quan đến lĩnh vực mà con thích, chẳng hạn như một hộp bút chì màu.
Là giáo viên tiểu học ở Hà Nội, cô Lương Ngọc Anh cho rằng, trong quá trình dạy học, cô cũng gặp nhiều học sinh vẽ trong sách vở. Có những lý do khác nhau như có bạn thì chưa ý thức được việc giữ gìn sách vở cẩn thận, có bạn thì coi đó là sáng tạo. Vì vậy, bố mẹ cần hỏi con lý do vì sao để hiểu con.
Nếu con nghĩ vẽ thêm vào sách vở để sáng tạo, thì bố mẹ nên mua cho con cuốn vở khác, dặn con vẽ vời vào đó. Nếu con vẽ linh tinh không bởi lí do gì cả, bố mẹ cần giảng cho con hiểu là mỗi loại sách, vở có nhiệm vụ, công dụng khác nhau.
"Có thể giải thích và kể con nghe câu chuyện mình tưởng tượng ra: Bạn vở hôm nay rất buồn vì bị vẽ bậy lên. Bạn vở khóc vì quần áo của bạn bị bôi xấu lem nhem bẩn hết cả. Nếu con là bạn vở, con cảm thấy thế nào? Chắc con cũng không muốn quần áo mình bị người khác làm bẩn đâu nhỉ? Vậy nên con đừng vẽ bậy vào bạn vở nữa nhé. Mẹ tặng cho con người bạn mới, là vở vẽ A4. Bạn ấy rất thích được con vẽ lên, sáng tạo lên đó", cô Ngọc Anh gợi ý.
Mục đích cuối cùng là làm sao để giáo dục con cách yêu mến, trân trọng, bảo quản giữ gìn sách vở nói chung nhưng vẫn không thui chột sự sáng tạo hay khả năng của mình.