pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ đơn thân Maya: "Tết được ở cạnh con luôn là quãng thời gian đẹp nhất"
Với mẹ đơn thân Maya, những ngày sinh con gái trên đất Mỹ vào giao thừa năm 2015 đã trở thành ký ức sâu đậm. 6 năm sau, con gái của cô ngày càng xinh đẹp, thông minh và đáng yêu. Nữ diễn viên 8X xem đó như là phần thưởng cho nỗ lực đi tìm niềm vui, tinh thần lạc quan và sự tích cực trong cuộc sống.
Gặp gỡ Maya những ngày đầu năm Tân Sửu 2021, cô hạnh phúc kể nhiều về con gái Bồ Câu - niềm tự hào của bà mẹ đơn thân.
Tết khó quên nhất: "Tết được ở cạnh con luôn là quãng thời gian đẹp nhất với Maya. Nhưng nhớ nhiều nhất có lẽ lúc Bồ Câu chào đời ở bên Mỹ, cũng là cái Tết đầu tiên xa nhà vào năm 2015. Cả cuộc đời này, Maya nghĩ đó là cái Tết đặc biệt khi mọi sự thay đổi đến cùng thời điểm. Một mình sinh con ở Mỹ trong thời điểm Tết, Maya nghĩ tích cực nhất rằng đây là giấc mơ của nhiều bà mẹ Việt Nam, để con có quốc tịch Mỹ và khi trưởng thành sẽ thuận lợi phát triển, học hành. Ít nhất là trong mỗi thời điểm khó khăn, Maya luôn tìm hướng suy nghĩ tích cực và thực tế nhất".
Tết ấu thơ đẹp nhất: "Là hình ảnh cả nhà Maya quây quần bên nồi bánh chưng. Lúc nhỏ, nhà mình hiếm khi gói bánh chưng vì điều kiện gia đình rất vất vả, nhà cửa chật chội, không có chỗ để nấu nướng. Đó là năm duy nhất cả nhà cùng gói, nấu bánh và là lúc mình cảm nhận được hương vị Tết miền Bắc, hiểu được cảm nhận của sự sum vầy. Cảm giác ấy rất sung sướng mà có bao nhiêu tiền cũng không mua được. Khi ấy, mình vẫn còn rất bé nhưng hình ảnh đó lại in sâu đến tận bây giờ".
Tết lạ lẫm nhất: "Đó là năm đầu tiên Maya vào Sài Gòn để lập nghiệp và sinh sống. Dù đến Tết vẫn về sum vầy với bố mẹ ở Hà Nội, nhưng đó là năm Maya cảm nhận không khí mọi người chuẩn bị đón năm mới ở miền Nam. Đó là thời điểm cận Tết Nguyên Đán 2010. Lúc ấy, Maya ra chợ mua 6 cây mai để làm quà gửi về Hà Nội tặng bố mẹ và người thân. Không hiểu sao 5 cây mai đẹp nhất lại dành tặng mọi người, riêng cây xấu nhất lại là của mình (cười).
Bù lại, Maya cảm thấy rất vui khi mọi người thích món quà ấy, cũng không uổng công mình ra chợ giữa thời tiết 'nắng như đổ lửa' của Sài Gòn để đi chọn cây. Tuy nhiên, đó cũng là năm mang lại rất nhiều lộc cho cả nhà. Gia đình Maya cũng mua được một mảnh đất và xây nhà cho mẹ".
Tết ý nghĩa nhất của con gái: "Nếu Tết 2015 có ý nghĩa khi là lúc bé Bồ Câu chào đời thì Tết năm 2018 lại là cột mốc con cảm giác được nhiều điều về năm mới. Đó là lúc mình cùng con gái đi chợ hoa, mặc áo dài chụp ảnh, xin chữ ông đồ… Đó là những cảm nhận đầu tiên của Bồ Câu về ngày Tết cổ truyền, bên cạnh việc mẹ hàng năm luôn có phong bao lì xì riêng cho bé".
- Cuộc sống của Maya dường như đã ổn, nhưng có bao giờ bạn nghĩ với con gái thì vẫn chưa đủ chữ "sum vầy"?
Nếu nói là chưa đủ với con, thì với bản thân mình cũng là chưa đủ. Chỉ là mình lúc này đã biết chấp nhận cuộc sống và mình hướng con gái đến nhiều điều tích cực. Thỉnh thoảng, Maya hỏi: "Bồ Câu ở với mẹ có vui không", bé trả lời: "Con vui lắm". Bé cũng không buồn khi ít ở cạnh bố, vì bé vẫn liên lạc với bố thường xuyên.
Có lẽ từ lúc mang bầu Bồ Câu, Maya chọn cách suy nghĩ tích cực nên bé phần nào ảnh hưởng. Bù lại, mình cho bé gần gũi với ông bà, họ hàng, và đó cũng là lý do mình chuyển ngược ra Hà Nội sống. Một phần vì Maya sẽ yên tâm lo công việc hơn khi bà cháu ở cạnh nhau.
- Bạn có kế hoạch gì cho con gái trong năm mới?
Đáng lẽ bé Bồ Câu đã được nhập học lớp 1 từ năm ngoái, nhưng vì dịch bệnh bùng phát nên hầu như bé chỉ học online tại nhà, rất khó để nắm bắt kiến thức. Năm nay, Bồ Câu sẽ trở lại trường, và đây là giai đoạn Maya tập trung, dồn sức cho con học. Mặc dù Bồ Câu đã tiếp xúc với ngoại ngữ từ năm 3 tuổi, nhưng con vào học chung lớp với các bạn đã học nhiều năm tại trường nên cũng áp lực để theo kịp với trình độ chung.
Tuy nhiên, Maya mừng vì con bắt nhịp nhanh. Học kỳ 1 vừa rồi, bé được khen học lực Khá, bắt đầu tiếp xúc dạn dĩ với mọi người, trao đổi nhiều với thầy cô nước ngoài. Vì bé sinh ra ở Mỹ, nên định hướng của Maya là sẽ cho con đi du học khi bé cứng cáp. Vì thế, lúc này mình đặt việc học của con lên hàng đầu để bé không bỡ ngỡ khi bước vào môi trường mới sau khi đi nước ngoài.
- Điều lo lắng nhất của Maya dành cho con gái lúc này là gì?
Thời điểm này, Maya hoàn toàn tin tưởng vào sự thông minh, nhanh nhẹn, khả năng ngôn ngữ của con. Điều lo nhất của Maya là con bắt đầu làm quen với môi trường 100% sử dụng tiếng Anh, nên không biết bao giờ Bồ Câu sẽ có những phản xạ nhanh nhẹn. Tuy nhiên, mình thấy con vẫn đang cải thiện từng ngày.
Hàng ngày sau khi đi học ở trường, Maya cho con gái đi học thêm tiếng Anh ở ngoài và có gia sư kèm riêng tại nhà. Nói chung, bé Bồ Câu học nguyên tuần. Dù cường độ học khá căng nhưng Bồ Câu là đứa trẻ chịu được áp lực. Khi Maya đặt cho con áp lực học, bé rất nghiêm túc thực hiện và vượt qua dễ dàng.
Ngay cả khi sau này con gái sang Mỹ du học, Maya nghĩ mình cũng sẽ cần ở cạnh con, quản thúc cho đến khi bé đủ trưởng thành và hiểu biết. Bồ Câu từ nhỏ đã khác những đứa trẻ cùng tuổi, mới 2 tuổi bé đã có suy nghĩ sẽ mua món đồ khác thay thế những thứ cũ. Thậm chí lúc Bồ Câu mới sinh ra, lá số tử vi còn chỉ sau này con sẽ tiêu tiền "siêu" hơn cả bố mẹ. Từ nhỏ bé đã bướng, nhưng ít nhất hiện tại con đã hiểu chuyện hơn và dần học cách lắng nghe suy nghĩ của mẹ.
- Maya có nghĩ với một đứa trẻ ở độ tuổi lên 6 như Bồ Câu, việc cho con học quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của bé?
Nhìn cường độ học của Bồ Câu như vậy nhưng phương pháp Maya hướng cho bé là vừa học vừa chơi, khiến bé rất thoải mái và tạo tâm lý thích đi học. Thậm chí, bé được chơi iPad dưới dạng những chương trình học và phát triển tư duy. Con của Maya chưa từng than thở chuyện học nhiều, thậm chí còn chủ động hỏi mẹ về lịch học vì cô bé rất mê chơi, nhưng lại được học nhiều thứ thông qua phương pháp dạy này.
Ngoài lịch học chính quy tại trường, Maya cũng cho bé tiếp xúc với thể thao là bóng rổ, làm quen với piano, nấu ăn, học thêm cả lớp nghệ sĩ trẻ, tư duy và sáng tạo…. Maya vừa tặng cho con gái chiếc đàn piano làm quà sinh nhật tròn 6 tuổi vì bé rất có năng khiếu ở lĩnh vực này. Maya để bé làm quen nhiều thứ vì muốn con có nguồn sống phong phú, cảm xúc tốt và tinh thần thoải mái, song song với việc phát triển về ngôn ngữ.
- Quan sát sự phát triển của Bồ Câu, bạn thấy con gái lúc này có tính cách khác gì so với khi còn bé?
Bồ Câu thay đổi nhiều lắm! Lúc nhỏ, Bồ Câu rất khó gần, hơi nhút nhát nhưng bây giờ bé lại giao tiếp tốt, thích kết bạn và tập làm quen với mạng xã hội. Nhiều lần khi Maya livestream thì bé gần như "cầm trịch", "cướp" cả phần nói của mẹ…, nói chung bé rất hoạt ngôn và thích giao tiếp. Maya trộm nghĩ sau này con gái sẽ phù hợp với môi trường kinh doanh (cười).
Về năng khiếu nghệ thuật, bé chỉ diễn tốt nhưng ca hát lại không phải thế mạnh, vì bé không thuộc bất kỳ bài hát nào.
- Với lịch học cho con dày như vậy, mỗi tháng Maya phải tốn khoản chi phí không nhỏ?
Nhiều đấy, nhưng hầu như các lớp học đều được mình trả hết một khoản trước đó. Ước chừng Maya tốn khoảng 60-80 triệu/tháng để cho con học ở nhiều môi trường khác nhau. Đây là thời điểm quan trọng vì là bước đầu con tiếp cận để vững vàng ngôn ngữ về sau, nên nếu có áp lực về tài chính thì mình cũng không quá lo lắng. Maya hướng đến tất cả vì con và những gì cần cho con lúc này. Sau này định hướng để bé sang Mỹ sinh sống thì căn bản từ bé của Bồ Câu cũng phải vững về tiếng Anh.
- Maya làm tất cả vì con, nhưng liệu bản thân bạn có cần một người đàn ông để dựa vào khi yếu đuối?
Thật sự, lúc cảm thấy buồn nhất, Maya chỉ dựa vào con gái. Nhiều lúc công việc hay những thứ xung quanh tác động khiến mình bận lòng, chỉ cần nghĩ đến việc con gái sắp đi học về, sẽ được nói chuyện với con thì cảm xúc tiêu cực sẽ biến mất. Maya không cần bất kỳ một người đàn ông nào giúp mình đứng vững, vì Maya tin những gì đã trải qua khiến mình mạnh mẽ và con gái là nguồn năng lượng mạnh hơn.
Maya vẫn hay đùa với con gái rằng sau này Bồ Câu lớn, đi chơi đâu cũng phải cho mẹ theo cùng (cười). Nhiều lúc nghĩ sau này con gái đi du học rồi, Maya và mẹ lại dành thời gian đi du lịch với nhau, thế cũng là đủ để mình cân bằng lại những cảm xúc tiêu cực.
- Sau những va vấp tình cảm, Maya nghĩ một người đàn ông thế nào sẽ phù hợp để bước vào cuộc sống của mình?
Để Maya chấp nhận, người đàn ông ấy phải cho mình cảm giác họ là người của gia đình. Ngay cả khi họ có điều kiện tốt mà thiếu đi "gia đình" trong suy nghĩ thì Maya "loại thẳng từ vòng gửi xe" (cười). Bên cạnh sự nghiệp, người ấy phải có lòng bao dung, là một người bố biết yêu con và thật sự yêu thương con gái mình hơn Maya.
Nếu không có được điều đó, Maya chấp nhận cuộc sống một mình. Lúc này, tôi lựa chọn sự an toàn, không vì cảm xúc thoáng qua mà khiến cuộc sống về sau của con cái không biết ra sao. Maya vẫn ước mơ có một đám cưới của riêng mình, thích cảm giác được làm cô dâu, mặc váy cưới. Nhưng nếu số phận đã là một bài toán khó thì cách giải lại nằm ở việc mình biết chấp nhận hay không.
- Cảm ơn những chia sẻ của Maya!