Vợ chồng chị Bình đều là nhân viên văn phòng, kinh tế gia đình không khá giả gì. Nhiều năm nay, ngoài giờ đi làm, vợ chồng chị nhận cắt may thuê quần áo tại nhà. Thời gian họ dành cho con cái rất ít. Tuy nhiên, nhiều năm nay, 2 đứa con chị (1 trai, 1 gái) rất ngoan. Các cháu tự giác trong việc học, có ý thức làm mọi việc nhà để phụ giúp cha mẹ. Vợ chồng chị luôn tự hào vì nuôi dạy các con tử tế, biết thương bố mẹ, chia sẻ các công việc với bố mẹ.
Đặc biệt, với cậu con trai cả - ngay từ nhỏ, cháu đã luôn khiến bố mẹ yên tâm. Cháu chăm chỉ học hành, thích chơi thể thao, nói năng lễ phép, nghe lời người lớn, tháo vát việc nhà, chăm sóc em gái rất khéo... Cháu luôn tự chủ trong các việc, nhất là việc học, bố mẹ không phải nhắc nhở, kiểm tra, giục giã. Kết quả học của cháu cũng thường nằm trong top 10 của lớp. Ông bà nội, ngoại và các dì luôn bảo số chị sướng vì có được thằng con trai như thế.
Cũng chính vì quá bận rộn và yên tâm về con nên chị Bình cho rằng, mình hầu như không có sự chuẩn bị về tâm lý khi con có sự thay đổi.
Năm ngoái, khi con lớn của chị vào cấp 3, cháu bảo phải đăng Ký học thêm môn Hóa, Toán vì muốn sau này thi khối B. Trước đó, cháu hầu như không đi học thêm. Vợ chồng chị đồng ý ngay, thậm chí còn động viên con cần thì học thêm cả Sinh, hoặc tiếng Anh nữa - bố mẹ sẵn sàng cân đối chi phí gia đình để đầu tư việc học cho con. Khi ấy, chị thấy con chỉ ừ hữ. Dần sau đó, chị Bình thấy con xin tiền ngày một nhiều hơn (phải gấp 2-3 lần so với trước đó) với nhiều lý do liên quan đến trường, lớp. Cháu cũng dần bỏ chơi thể thao, dần lười việc nhà, có dấu hiệu cáu gắt nhiều hơn với bố mẹ và em... Vợ chồng chị Bình lại thấy có thể đó là những thay đổi tất yếu ở con vì nó đi học nhiều hơn, mệt hơn, chuẩn bị áp lực thi đại học, rồi cái tuổi 16, 17 cũng có nhiều bất thường về tâm sinh lý...
Cho đến tối ấy, cuối tuần, con xin phép đi sinh nhật bạn. Chị dặn con về sớm, nhưng gần 11 giờ, vợ chồng nghỉ máy may, dọn dẹp xong nhà cửa vẫn chưa thấy con về.
Sốt ruột, chị Bình điện thoại, con không bắt máy. Chị đi ra đi vào phòng con rồi phát hiện máy tính vẫn đang nhấp nháy đèn. Tò mò, chị chạm vào, màn hình hiện ra. Chị thấy con đang mở Facebook cùng nhiều trang web khác. Rê rê con chuột, chị giật bắn người khi thấy câu hỏi “Hút thử cần sa?”. Cảm giác đầu tiên ập đến với chị là bủn rủn toàn thân, ngồi phịch xuống...
Trong số các trạng mạng, diễn đàn con chị Bình đang gia nhập, có nhiều chủ đề liên quan đến thú chơi lạ của giới trẻ Hà Nội như hút cỏ Mỹ, dùng nước vui, trà sữa, đông trùng, sô đa ngủ, tê giác mắt đỏ, muối tắm… Sau những phút giây choáng váng, do không hiểu hết về những nội dung trên, chị Bình đã vội lấy điện thoại ra chụp lại màn hình. |
(Còn nữa)
Năm 2016, tình trạng “Người nghiện ma túy đá, ma túy tổng hợp ngày càng tăng” cũng là nhận định của Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và xã hội tại Hội thảo diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về đổi mới công tác cai nghiện ma túy”. Mặc dù các cấp, ngành đã triển khai nhiều biện pháp phòng chống ma túy nói chung, cai nghiện ma túy nói riêng nhưng chưa đem lại kết quả mong muốn, tỷ lệ tái nghiện không giảm. |