pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ già đổi tính, trở nên khó chiều
Chị Thanh Tâm yêu quý!
Tôi là con một nên vợ chồng tôi sống cùng bố mẹ đẻ của tôi. Được cái nhà tôi rộng, hai bên bố mẹ lại kết thân với nhau nên thỉnh thoảng, bố mẹ chồng tôi lên chơi cả tuần. Sau khi bố tôi mất, tính tình của mẹ thay đổi khác thường.
Đa phần là bà lặng lẽ vào ra, ăn uống, khiến tim tôi cứ quặn lại vì thương xót mẹ. Nhưng cũng có lúc mẹ bỗng dưng nổi cáu, mắng chửi con cháu, vứt đồ đạc lung tung. Vợ chồng tôi và các con đều yêu chiều bà, luôn vui vẻ thu dọn "bãi chiến trường" của bà.
Nhưng tôi không thể yên tâm mỗi khi đi làm vì có cảm giác mẹ ở nhà có thể làm điều gì dại dột. Tôi đã lắp camera trong nhà để có thể quan sát mẹ mọi lúc.
Tôi cũng đã tìm người giúp việc để có người ở bên mẹ trong lúc chúng tôi đi làm, đi học nhưng bà không hợp tác với người lạ, cứ la hét suốt nên chúng tôi đành phải cho họ nghỉ làm và không dám nghĩ đến chuyện tiếp tục tìm người.
Vợ chồng tôi đã tính đến chuyện tìm một nhà dưỡng lão tốt để gửi mẹ vào đó. Mẹ của bạn gái thân nhất của tôi cũng sống trong nhà dưỡng lão vì cả 2 con đều định cư ở nước ngoài. Mỗi lần bạn về thăm mẹ đều rớt nước mắt vì tuy bà sống phòng riêng nhưng tường ngăn cách các phòng chỉ cao khoảng 1,5m, tiếng ồn, mùi của các phòng khác vẫn ảnh hưởng, như bạn tôi nói "chả khác nào nuôi nhốt".
Chúng tôi đang chưa biết nên làm gì tốt hơn cho mẹ. Mong chị dành thời gian gợi ý thêm cho chúng tôi nhé!
Nguyễn Thị Hồng (Bắc Ninh)
Chị Hồng thân mến!
Việc mất đi người bạn đời ở "tuổi xế chiều" là một cú sốc khó vượt qua với nhiều người. Mẹ chị chưa thể quen và chấp nhận việc bố chị ra đi, bà thay đổi tâm tính, trở nên xa cách, khó chiều hơn. Có lẽ hãy bắt đầu với việc tìm được người đúng tần số chia sẻ với mẹ chị.
Ví dụ, những người bạn thân thiết của ông bà, những người hàng xóm gần gũi có thể gặp gỡ nhau thường xuyên, đến nhà nhau chơi hoặc đi du lịch với nhau. Mẹ chị sẽ được nói những câu chuyện có bà trong đó, có thể chia sẻ với những nỗi buồn đau, mất mát của bạn bè, có thể nhắc những kỷ niệm về bố chị một cách thoải mái, thân tình.
Hãy xem bố chị có những tâm nguyện gì muốn thực hiện thì hãy cùng mẹ chị làm nốt. Làm được những điều người đã mất mong muốn cũng chính là một cách chấp nhận sự ra đi mãi mãi của họ.
Vào những dịp kỷ niệm như sinh nhật bố, ngày cưới của bố mẹ, cả nhà nên quây quần bên nhau, nhắc lại những kỷ niệm vui vẻ, đáng nhớ với bố thật nhiều để bà cảm thấy an ủi vì con cháu luôn nhớ đến bố, đến ông.
Có thể tìm một người họ hàng quen thân đến sống cùng mẹ chị, điều đó khiến mẹ chị dễ chấp nhận sự có mặt của người khác ngoài con cháu ở bên cạnh.
Chị có thể đăng ký các gói massage, các lớp tập thể dục phù hợp độ tuổi của mẹ, thậm chí nuôi chó, mèo để giảm thời gian bà ở một mình, tăng cường sức khoẻ thể chất cho mẹ, tạo sự quan tâm, chăm sóc mới cho mẹ, giúp mẹ có lực chống chọi với nỗi cô đơn khi bố qua đời.
Cuối tuần, anh chị có thể cùng mẹ đến thăm những nhà bảo trợ xã hội, các bệnh viện có bệnh nhân nặng, để mẹ đồng cảm với những cảnh đời khó khăn, xoa dịu nỗi đau trong lòng mẹ. Mong mẹ chị sớm vượt qua trải nghiệm đau thương của bà, sống vui, sống khỏe.