Đi uống cà phê không mang CMND bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội
Những ngày qua, vụ việc hai cô gái trẻ tên Nguyễn Thị Tuyết Nhung (21 tuổi, quê Tiền Giang) và Ngô Thị Kiều (16 tuổi, quê Đồng Nai) bị đưa vào Trung tâm Hỗ trợ Xã hội TP. HCM (TTHTXH) trong lúc đi uống cà phê với bạn vì không mang theo giấy tờ tuỳ thân đã khiến dư luận đặc biệt chú ý.
Cụ thể sự việc trên như sau: Khoảng 15h ngày 18/9, chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung và bạn Ngô Thị Kiều từ quận 2 (TPHCM) xuống quán của người quen tại khu phố 5, phường Tam Bình (quận Thủ Đức, TPHCM) uống cà phê.
Đến 16h, lực lượng công an phường Tam Bình đi tuần tra kiểm tra hành chính các hộ kinh doanh trên địa bàn. Tổ công tác yêu cầu những người trong quán, trong đó có Nhung và Kiều xuất trình giấy tờ tùy thân. Do hai cô gái không có bất kỳ giấy tờ nào nên bị mời về trụ sở.
Đến gần 20h, công an phường phối hợp cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội lập hồ sơ đưa hai cô gái vào TTHTXH, theo diện người… vô gia cư.
Trả lời báo chí về vụ việc trên, Chủ tịch UBND phường Tam Bình Lê Nguyễn Trọng Quốc cho biết, nhằm thực hiện kế hoạch phòng ngừa kéo giảm phạm pháp hình sự trên địa bàn, công an phường kiểm tra hành chính quán cà phê MU trên đường D (khu dân cư chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức) vào chiều 18/9.
"Dù công an phường yêu cầu hai đương sự gọi điện nhờ người nhà mang các loại giấy tờ đến để làm thủ tục bảo lãnh về nhưng họ không hợp tác, không gọi cho ai", ông Quốc nói và khẳng định tổ công tác làm đúng, không gây khó dễ cho hai cô gái.
Đến 19h45, không thấy người nhà mang giấy tờ đến bảo lãnh, công an phường đã phối hợp với cán bộ chuyên trách phòng chống tệ nạn xã hội lập hồ sơ, đưa 2 cô gái trẻ vào TTHTXH theo diện vô gia cư (theo Quyết định số 29/2017/QĐ-UBND ngày 19/7/2017 của UBND TP. HCM).
Trao đổi với PV PNVN liên quan đến việc chị Nhung bị đưa vào TTHTXH, bà Lê Thị Mỹ Nghĩa (54 tuổi, mẹ của chị Nhung) chia sẻ: “Cơ quan chức năng nói con gái tôi không hợp tác là chưa đúng. Nếu Nhung không gọi về thông báo thì tôi làm sao biết cháu ở đâu, cần những giấy tờ gì để đem đến. Ngay ngày bị đưa về phường (18/9), khoảng 17h54, Nhung có điện thọai về báo cho tôi là cháu đang bị giữ tại công an phường Tam Bình. Do bận công việc nên tôi phải chờ làm xong rồi mới về nhà lấy giấy tờ đến bảo lãnh con. Đến 18h30 cùng ngày, Nhung lại báo là đã bị đưa về TTHTXH vì được cho là người vô gia cư”.
Sau đó, bà Nghĩa liền đem CMND của bà, của chị Nhung và sổ hộ khẩu gia đình và các giấy tờ khác đến trình bày với cán bộ TTHTXH để xác nhận chị Nhung không vô gia cư nhưng cán bộ trung tâm từ chối giải quyết vì chưa đúng thủ tục. Cán bộ trung tâm yêu cầu bà phải về quê xin giấy xác nhận của chính quyền địa phương về trường hợp của chị Nhung thì mới được bảo lãnh cho con về.
Bà Nghĩa bức xúc nói thêm: “Sau đó, tôi lật đật về quê ngay buổi tối rồi ngủ qua đêm để sáng ra xã xin giấy xác nhận nơi cư trú cho Nhung. Tuy nhiên, sau khi cung cấp đầy đủ các giấy tờ được yêu cầu thì cán bộ trung tâm lại trả lời tôi là phải chờ… họp để có quyết định xử lý trường hợp của cháu. Mãi đến chiều 27/9, hai cháu mới được cho về dù tôi và mẹ cháu Kiều đã hoàn thành thủ tục từ lâu”.
Ngày nhận được tin Nhung bị tạm giữ, bà Nghĩa lo lắng đến độ bị tụt huyết áp, phải vào viện truyền nước. Nghĩ đến con gái đang chờ đợi để được ra ngoài, bà cố gượng dậy chạy đôn chạy đáo hoàn thành thủ tục. “Chồng tôi mất sớm, một mình tôi đi làm phụ bếp nuôi con nhỏ và cha mẹ già. Cháu Nhung phải nghỉ học khi đang học lớp 10 để phụ tôi chăm ông bà đang bị bệnh. Mới lên Sài Gòn lạ nước lạ cái, con bé rất sợ hãi khi vì bị đưa vào TTHTXH chỉ vì quên CMND ở nhà. Tuy được ra về nhưng Nhung chỉ muốn về quê vì sợ không biết luật, ra đường bị bắt giữ”.
“Cứ cho là lực lượng chức năng thấy hai cô gái trẻ, ăn mặc hơi thoáng nên nghi ngờ chúng làm nghề không đàng hoàng thì cũng cần có chứng cứ cụ thể. Không thể tự tiện bắt tụi nhỏ vào trung tâm hỗ trợ xã hội như vậy”, mẹ chị Nhung bức xúc.
Có dấu hiệu giữ người trái pháp luật?
Luật sư Trần Văn Hiếu, văn phòng Luật Người nghèo nhận định: “Theo tôi thì chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ, chỉ cần vài cuộc điện thoại về địa phương, cơ quan chức năng phường Tam Bình có thể biết gốc gác, lí lịch hai cô gái trên. Hoặc chúng ta có thể dựa vào dấu vân tay để tìm kiếm lí lịch đương sự. Trước khi có quyết định đưa họ vào TTHTXH, chính quyền địa phương nên làm rõ lời khai của họ là đúng hay sai sự thật? Họ có phải người vô gia cư hay không bằng nhiều biện pháp, chứ không thể chỉ dựa vào việc không có chứng minh nhân dân làm cơ sở để kết luận như vậy”.
Theo luật sư Hiếu, trong trường hợp phường nghĩ 2 cô gái này làm nghề bán dâm thì cũng phải bắt được quả tang và không xuất trình hay chứng minh được nhân thân thì mới đưa vào trung tâm xã hội được. Ở trường hợp của chị Nguyễn Thị Tuyết Nhung và chị Ngô Thị Kiều, các quyết định của phường Tam Bình có dấu hiệu lạm quyền, thậm chí còn là hành vi tạm giữ người trái pháp luật.
“Riêng trường hợp của Ngô Thị Kiều, cô gái này mới được 16 tuổi thì cần có sự đồng ý hay giám sát của người giám hộ hợp pháp khi làm việc với cơ quan chức năng. Việc phường Tam Bình cho Kiều ký giấy đồng ý vào TTHTXH là không hợp lệ, cần lưu ý khi xử lý những đối tượng thuộc diện trẻ vị thành niên như vậy. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần xử lý linh hoạt, hợp tình hợp lí hơn để Kiều và Nhung có thể về nhà khi đã đầy đủ thủ tục”, luật sư Hiếu nói.
Theo Điều 2, Quyết định số 29 của UBND TP HCM có hiệu lực từ ngày 1/8 về quản lý người ăn xin không có nơi cư trú ổn định, người sinh sống nơi công cộng không có nơi cư trú ổn định. - Người sinh sống nơi công cộng là người thực hiện hoạt động sinh hoạt thường ngày như tắm, giặt, ăn ngủ nơi công cộng. - Nơi công cộng là vỉa hè, lòng lề đường, gầm cầu, quảng trường, công viên, nơi vui chơi giải trí, nhà ga, trạm xe buýt, bến xe, bến tàu, chợ và những nơi công cộng khác. - Người không có nơi cư trú ổn định là không xác định được nơi đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú hoặc có nhưng không sinh sống tại đó và thường xuyên đi lang thang, không một nơi ở cố định. |