pnvnonline@phunuvietnam.vn
Gợi ý mâm cỗ cúng Rằm đơn giản nhưng đẹp như tranh vẽ
Năm nào cũng vậy, cứ đến Rằm tháng Giêng là chị Tô Hưng Giang (Hà Nội) lại chuẩn bị những món ăn ngon, hấp dẫn để thể hiện tấm lòng thành kính dâng lên tổ tiên.
Năm nay, chị Hưng Giang làm không quá nhiều món nhưng món nào cũng được bày biện đẹp mắt.
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng của chị Hưng Giang gồm có các món:
- Bánh ít nhân tôm thịt (hình quả cà chua)
- Bánh chưng
- Giò lụa
- Gỏi gà rau răm (tỏi cho vào sau khi hạ lễ)
- Quả đậu luộc tạo hình hoa tulip bằng cà chua bi.
- Đậu phụ xào ớt chuông
- Cơm cuộn hình hoa (màu tím từ cây cẩm tím)
- Canh miến gà
Mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng đẹp như tranh vẽ của chị Giang
Các bạn có thể tham khảo cách làm một số món chính trong mâm cỗ cúng Rằm tháng Giêng của chị Tô Hưng Giang dưới đây:
BÁNH ÍT TRẦN NHÂN TÔM THỊT
Bánh ít trần nhân tôm thịt, vỏ làm từ bột nếp và gấc. Núm màu xanh của rau ngót.
Nguyên liệu:
- Bột nếp: 300gr - Gấc tươi: 200gr - Tôm tươi: 100gr - Thịt lợn xay: 100gr (thịt nạc vai có chút mỡ) - Tôm khô: 50gr - Đậu xanh cà vỏ: 150gr
- Các loại gia vị khác: hành lá, rau mùi, hành tím, bột nêm, đường, nước mắm, hạt tiêu, ớt...
Cách làm:
- Đậu xanh ngâm vo thật sạch, ngâm nước 2-3h, vớt ra trộn với chút muối tinh và hấp chín tán nhuyễn hoặc xay nhỏ mịn.
- Tôm tươi bóc vỏ, băm nhỏ.
Tôm khô dùng để rắc lên mặt bánh (có thể bỏ qua phần này nếu không có nguyên liệu): Tôm khô ngâm nước ấm rửa sạch, vớt ra để ráo. Cho vào máy xay thịt xay bông lên. Phi thơm chút tỏi băm nhỏ, cho phần tôm xay vào đảo nhanh tay và để lửa thật nhỏ tránh cho tôm bị cháy.
- Hành củ bóc vỏ băm nhỏ, càng nhiều hành củ càng thơm. Hành lá thái nhỏ cho vào bát con, đun sôi dầu đổ dầu vào bát hành lá gọi là mỡ hành lát cho lên trên mặt bánh.
- Phần nhân bánh: Phi thơm hành tím và chút tỏi băm, đổ phần thịt xay vào đảo cho săn, tiếp đến là tôm, nêm nếm gia vị cho vừa ăn, thêm vào chút hạt tiêu bắc xay nhỏ cho thơm. Để nhỏ lửa rồi đổ hết phần đỗ xanh hấp chín tán nhuyễn ở trên vào, thêm hành lá thái nhỏ, đảo cho đều tắt bếp để nguội vo thành các viên nhỏ khoảng 30gr. Mọi người có thể sáng tạo cho thêm mộc nhĩ ngâm nở thái nhỏ hoặc nấm hương vào phần nhân ăn cho lạ miệng.
- Phần vỏ bánh: Ruột gấc ngâm với rượu cho thơm và đỏ, thêm nước ấm vào trộn đều, lọc lấy phần thịt bỏ phần hạt. Rây lại một lần cho mịn, thu được khoảng 100gr ruột. Đổ bột nếp vào bát to, thêm vào 1/2 thìa cà phê muối, 1 thìa ăn phở dầu ăn, đổ phần thịt gấc đã rây ở trên, thêm một ít nước ấm vào nhào đến khi bột dẻo mịn không dính tay, bọc màng bọc thực phẩm để bột nghỉ 15 phút đem chia thành các viên bột khoảng 50gr.
- Vo viên bánh: Ấn dẹt viên bột, đặt nhân đậu xanh tôm thịt vào giữa, vo tròn, ấn dẹt, dùng phần thân của cây tăm tròn (hoặc đường gân của cây dao) khía đều tạo thành các múi của quả cà chua. Tạo phần núm bằng bột nếp nhào với nước ép của rau ngót để tạo màu xanh, hoặc có thể thay thế bằng bột trà xanh, màu thực phẩm...
- Hấp bánh: Tạo hình xong đặt xửng hấp lên bếp, lót giấy nến, đặt bánh vào hấp chín, để bánh cách xa nhau để khi bánh chín không bị dính vào nhau. Phải để bánh nguội hẳn mới cho ra đĩa.
- Khi ăn rắc thêm hành khô, tôm chấy, mỡ hành, rưới thêm nước mắm chua ngọt, rau thơm và ăn kèm củ quả muối chua. Rau củ quả muối chua có thể được làm như sau: Thái nhỏ cà rốt, su hào, rắc chút muối tinh đợi tiết ra nước chắt phần nước đó đi rồi trộn với chút gia vị, dấm ăn,đường, tỏi, ớt nêm nếm cho vừa miệng, trộn đều tan các gia vị cất vào ngăn mát tủ lạnh đến khi mang ra ăn rất giòn.
GỎI GÀ RAU RĂM
Nguyên liệu:
- 1/2 con gà luộc - Một mớ rau răm - 1/2 củ hành tây
- Gia vị: tỏi, ớt, hạt tiêu, nước mắm, đường, chanh, dấm.
Cách làm:
- Gà xé nhỏ. Rau răm nhặt lấy phần ngọn, thái rối.
- Hành tây xắt mỏng, ngâm vào bát nước đá có pha chút dấm và đường cho hành được giòn và bớt hăng.
- Vớt ra vắt qua hoặc để ráo nước.
- Cách pha nước trộn gỏi: 5 thìa canh nước đun sôi để nguội 2 thìa canh đường 3 thìa canh nước mắm khuấy cho tan đường 2 thìa canh nước cốt chanh 1 thìa cà phê tỏi băm 1/2 thìa cà phê ớt băm tuỳ độ cay 1/2 thìa cà phê hạt tiêu.
- Xếp thịt gà, hành tây, rau răm vào bát, cho từ từ phần nước trộn vào, không nên đổ hết một lần, nêm nếm đến khi vừa miệng thì dừng lại.
CƠM CUỘN SUSHI HÌNH BÔNG HOA
Nguyên liệu:
- Gạo tẻ ngon: 1,5 bát ăn cơm.
- Tạo màu cho cơm: màu tím từ cây lá cẩm tím.
- Lá rong biển dùng để cuộn cơm
- Trứng gà: 2 quả Cơm trắng đã nấu chín khoảng 1,5 bát ăn cơm.
Cách làm:
- Cây lá cẩm tím rửa sạch, để ráo. Đổ hai bát con nước vào nồi, cho cây lá cẩm đun sôi lấy nước cốt, để nguội. Vo gạo thật sạch, ngâm gạo với nước cây lá cẩm đã để nguội. Để khoảng 2-3 tiếng gạo đã nhuộm màu tím là được.
- Cho cả nước lá cẩm và gạo vào nồi nấu như nấu cơm bình thường. Cơm chín thì xới cơm vào bát to, trộn cơm với 1 thìa cà phê dầu mè, 1 thìa cà phê giấm ăn, 1 xíu muối, 1/2 thìa cà phê đường, trộn thật đều các nguyên liệu với nhau dùng màng bọc thực phẩm bọc lại.
- Sơ chế phần nhuỵ hoa: Đánh tan hai quả trứng, dùng gạc sạch thấm dầu ăn lau qua một lần chảo, đổ trứng vào láng mỏng rán cho chín rồi lật ra đĩa. Đợi nguội cuộn tròn thái mỏng để làm nhuỵ hoa.
- Một lá rong biển to đem cắt thành 4 miếng vuông nhỏ bằng nhau. Làm bao nhiêu cắt bấy nhiêu.
- Làm bông hoa 6 cánh màu tím bằng cơm. Một nhuỵ hoa vàng. Đặt miếng rong biển vuông ra mặt phẳng, cho 1 thìa canh ăn phở cơm tím vào dàn đều, chừa lại một ít để đính lại. Cuộn to khoảng 1cm-1,5cm. Phần mép miết vài hạt cơm để đính lại cho chắc.
- Tương tự làm nhuỵ hoa: Đặt miếng rong biển vuông ra mặt phẳng, cho trứng thái sợi vào giữa và cuộn nhỏ lại như trên.
- Sau khi cuộn xong 6 cánh hoa thì bắt đầu ghép các cánh hoa: Lấy một tấm rong biển to cắt làm đôi, trải một nửa miếng rong biển lên tấm mành tre dùng để cuộn cơm sau đó cho khoảng 3 thìa canh cơm trắng đã trộn dầu mè, muối, đường, dấm ăn... như phần cơm tím, dàn đều thành lớp cơm mỏng, ấn nhẹ tạo liên kết. Nhớ để trừ ra phần mép khoảng 1cm để gắn.
Xếp tất cả các cánh hoa đã cuộn lại đặt lên phần cơm vừa dàn mỏng, cố gắng cho màu vàng vào giữa để làm nhuỵ hoa. Từ từ cuộn cơm lại, phần gần mép dùng nước đun sôi để nguội gắn lại cho chắc. Nắn lại cho tròn, đều. Dùng dao thật sắc, bôi qua lớp dầu ăn rồi cắt sushi thành những khoanh tròn đều nhau khoảng 1,5-2cm. Bày các cuộn sushi ra đĩa.
CANH MIẾN TIM CẬT
Nguyên liệu: 1 nắm miến, tim gà, mề gà, gan gà, rau răm
Cách làm:
- Miến rửa sạch, ngâm với nước ấm một lúc cho mềm rồi vớt ra để ráo.
- Mề gà bóp với muối rửa sạch, thái miếng vừa ăn. Tim bổ đôi. Gan gà rửa sạch thái miếng nhỏ.
- Hành khô thái nhỏ, phi thơm với chút dầu ăn trong nồi. Cho tim, gan, mề vào xào, nêm chút muối. Xào chín thì cho ra bát.
- Vẫn trong nồi đó, thêm nước, đun sôi, nêm nếm gia vị hơi nhạt một chút vì tim gan mề đã mặn. Thả miến vào, sau đó thả tim gan mề vào, nấu 1 lúc miến chín thì thả rau răm thái nhỏ. Tắt bếp, cho miến ra bát.
ĐỖ LUỘC - ĐẬU XÀO ỚT CHUÔNG
- Đỗ nhặt sạch luộc chín. Xếp ra đĩa. Tỉa ít cà chua bi làm hoa tulip cho đẹp mắt.
- Đậu thái miếng nhỏ bằng ngón tay út rồi rán chín. Ớt chuông xanh và vàng cũng thái miếng cỡ ngón tay út. Đun nóng chút dầu ăn trong chảo rồi cho ớt chuông vào xào gần chín thì cho đậu rán vào xào cùng, nêm nếm ít xì dầu, muối cho vừa miệng rồi tắt bếp. Xếp lên đĩa.
BÁNH CHƯNG, GIÒ LỤA
- Bánh chưng bóc lá, dùng lạt cắt miếng. Xếp lên đĩa. Cắt ít giò lụa hình bông hoa lên trang trí ở bánh chưng cho đẹp mắt.
- Giò lụa cắt miếng xếp lên đĩa.
Chúc các bạn thành công!