Mẹ Hưng Yên mang tam thai, khóc hết nước mắt khi nhìn ảnh siêu âm 11 tuần

Bình An
06/04/2021 - 12:00
Mẹ Hưng Yên mang tam thai, khóc hết nước mắt khi nhìn ảnh siêu âm 11 tuần
Trong suốt quãng thời gian mang tam thai, chị Tỉnh liên tục phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe của 4 mẹ con.

27 tuổi, chị Nguyễn Tỉnh cùng chồng là anh Trần Đoàn (Sinh năm 1989) ở Hưng Yên đã trải qua hành trình 5 năm dài đằng đẵng tìm kiếm con ở khắp các bệnh viện, phòng khám Đông y. Những ngày tháng khó khăn ấy tuy có lúc khiến vợ chồng to tiếng, nóng nảy song cả hai chưa một lần có suy nghĩ buông bỏ.

Bằng sự tiến bộ của y học hiện đại và chính sự cố gắng của hai vợ chồng, cuối cùng sau nửa thập kỷ mong ngóng, đôi vợ chồng trẻ đã được làm bố mẹ. Nhìn ba em bé Bi, Bon, Bông chào đời khỏe mạnh họ thấy bao khó khăn, mệt nhọc trước đó như tan biến hết, nhường chỗ lại cho yêu thương và hạnh phúc.

Ba em bé Bi, Bon, Bông chào đời khỏe mạnh vào những ngày cuối tháng 3/2021.

Vợ chồng chị Tỉnh kết hôn đến nay cũng đã được 5 năm. Thời điểm vừa cưới được khoảng 9 tháng, mong mãi mà không có tin vui nên anh chị đưa nhau đi khám, bác sĩ kết luận chồng của chị bị tinh trùng yếu, dị dạng, không thể mang thai tự nhiên.

Bởi quá mong con nên suốt quãng thời gian đó ai mách gì, vợ chồng chị cũng nghe theo, vừa uống thuốc theo đơn của bác sĩ vừa kết hợp cả các phương pháp Đông Y song tất cả đều trở về con số 0 tròn trĩnh.

Tháng 6/2020, vợ chồng chị Tỉnh bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm con yêu bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Chị kể: “Hồi lên Hà Nội để làm thụ tinh, vợ chồng mình hồi hộp lắm nhưng chúng mình đều trấn tĩnh bản thân và không dám kỳ vọng quá nhiều vào lần đầu tiên vì sợ nếu thất bại sẽ khiến cả hai thất vọng, hụt hẫng. May mắn mình đã có thai ngay lần chuyển phôi đầu tiên”.

Mang đa thai, chị Tỉnh tăng từ 75kg lên 105kg.

Ở lần thực hiện đầu tiên, tuy chỉ chuyển 2 phôi song có 1 phôi tách đôi dẫn đến chị đậu một lúc ba thai. Bác sĩ tư vấn giảm thiểu do mang đa thai rất nhiều nguy cơ. Lúc này chị Tỉnh có phần lưỡng lự, cân nhắc song chồng chị một mực không muốn bỏ đứa con nào.

Người mẹ cho biết, nghe bác sĩ phân tích xong hai vợ chồng vừa mừng vừa lo, nửa muốn giữ tất, nửa muốn giảm thiểu. Tuy vậy, tình mẫu tử thiêng liêng đã không cho phép người làm cha mẹ dứt ruột bỏ đi giọt máu hiếm hoi của mình, sau nhiều giờ suy tính, anh chị thống nhất giữ lại cả ba thai đồng nghĩa với việc sẵn sàng đón nhận bất cứ một rủi ro nào có thể ập tới.

Tuần thai thứ 11 chị Tỉnh đi siêu âm và phát hiện một bé có khoảng sáng sau gáy cao, cho thấy bất thường về thai nhi, đặc biệt nguy cơ thai dị tật Down lớn. Chị được chỉ định lên bệnh viện Phụ sản Trung ương để kiểm tra, sau nhiều giờ hội chẩn liên viện, các bác sĩ quyết định để bệnh nhân thai bình thường. Rất may, đến tuần 18 kiểm tra lại thì không còn phát hiện bất thường đó nữa.

“Qua hình ảnh siêu âm cho thấy một bé có khoảng sáng sau gáy cao, lúc đó hai vợ chồng khóc hết nước mắt, chúng mình cũng xác định tư tưởng sẽ chấm dứt thai kỳ, bởi sợ con sinh ra không được lành lặn sẽ rất khổ và thiệt thòi” – chị nói.

Các bé được chào đời ở tuần thứ 34.

Tưởng rằng thử thách đã dừng lại nhưng đến tuần thứ 19 và tuần 28 chị bất ngờ bị ra máu không ngừng, dọa sinh non phải đi cấp cứu, bác sĩ yêu cầu nhập viện, nằm dưỡng thai. Nhờ đến viện và được can thiệp kịp thời, tình trạng sức khỏe của 4 mẹ con Tỉnh chị dần ổn định nhưng để yên tâm chị vẫn tiếp tục nằm theo dõi ở viện. “Lúc đó mình thấy hối hận lắm, suy nghĩ rất nhiều, không biết quyết định của mình có sai lầm để rồi làm mất cơ hội của các con không” – 9X kể.

Cũng khoảng thời gian này, dịch COVID-19 ở miền Bắc diễn biến phức tạp, khu vực nhà chị bị phong tỏa do liên quan đến một ca bệnh khiến hai vợ chồng chẳng thể đoàn tụ. Anh Đoàn không thể lên Hà Nội cùng vợ, chị Tỉnh không biết làm gì ngoài tự động viên bản thân giữ vững tinh thần để các con được khỏe mạnh.

Đến 33 tuần thai, chị bị phù chân. Cả thai kỳ chị tăng từ 75kg lên 105kg, huyết áp tăng, có nguy cơ tiền sản giật do nhiễm độc thai nghén. Khi đó, mỗi thai nhi nặng ước chừng trên 2kg theo kết quả siêu âm, có thể phải mổ gấp nhưng chị vẫn muốn kéo dài thêm để con cứng cáp hơn.

Chị Tỉnh được mổ chủ động ở tuần thai thứ 34, ba bé 2 trai, 1 gái lần lượt chào đời với cân nặng 2kg3, 2kg3, 2kg2, các con được bố mẹ đặt tên ở nhà là Bi – Bon – Bông. “Đến ngày lâm bồn tâm trạng mình rất hồi hộp, mong gặp các con nên vừa mừng vừa lo. Mừng vì sắp được gặp các con sau bao ngày tháng vất vả, lo vì sợ các con ra sớm sức khỏe sẽ yếu, nhẹ cân và phải nằm lồng ấp. Nhưng rồi bao lo lắng đều tan biến khi bác sĩ bắt con ra đều cất tiếng khóc đầu đời rất to, nằm trên bà mổ mà trong lòng mình thực sự vỡ òa hạnh phúc” – chị cho biết.

Sau sinh, ba em bé khỏe mạnh không phải nằm phòng sơ sinh, còn mẹ phải nằm hậu phẫu, theo dõi hồi sức do bị huyết áp cao. Thời gian đầu sau sinh, chị Tỉnh rất mệt mỏi, stress. Lần đầu làm mẹ nên chị chưa hiểu biết nhiều, chưa quen với việc chăm sóc trẻ sơ sinh.


Nuôi 3 em bé cùng lúc đồng nghĩa với việc bỉm, sữa cũng nhân ba, khó khăn về kinh tế cũng vì thế tăng lên gấp bội. Dẫu vậy, giờ đây được nhìn các con chào đời khỏe mạnh, lớn lên mỗi ngày, anh Đoàn, chị Tỉnh như được tiếp thêm sức mạnh để cố gắng làm kinh tế nuôi các con khôn lớn.

Dù hành trình mang thai, nuôi các con không đơn giản nhưng chị Tỉnh cảm thấy hài lòng, vui vẻ với cuộc sống của mình hiện tại. Chị cũng không quên gửi lời nhắn đến các ông bố, bà mẹ vẫn đang trên hành trình tìm kiếm con yêu, hãy kiên trì, vững tin, thoải mái tư tưởng đừng vì quá áp lực mà ảnh hưởng đến tinh thần, nhất định phải lạc quan rồi các con sẽ đến với chúng ta.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm