pnvnonline@phunuvietnam.vn
"Mẹ không buông tay con được": Từ câu chuyện một gia đình, nhìn lại quyền kết hôn của người LGBT

Phiên chia sẻ trong khuôn khổ sự kiện với đại diện từ Trung tâm ICS, Viện iSEE, Học viện Phụ nữ Việt Nam và phụ huynh có con là người LGBT

Cô Kim Tuyết chia sẻ về câu chuyện của mình và con trai
"Mẹ không buông tay con được…"
Con cô Tuyết là người chuyển giới nam, từ nhỏ đến cấp 2 đã có những biểu hiện khác với giới tính sinh học nhưng chưa dám thổ lộ. "Hồi cấp 3, khi phải mặc áo dài vào thứ 2 hàng tuần thì con rất khó chịu," cô Tuyết nhớ lại. Chỉ đến khi đi du học, được tự do thể hiện mình hơn, con trai cô mới dần tìm cách chia sẻ với gia đình.
Thay vì hoài nghi hay cấm cản, cô Tuyết đã chọn cách lắng nghe và thấu hiểu. Một quyết định mà có lẽ xuất phát từ sâu thẳm trái tim người mẹ: "Dù con không trực tiếp công khai nhưng qua người thân thì biết chuyện và cô đã chủ động nói với con rằng cô sẽ nắm tay con và đồng hành cùng con". Lời hứa ấy không chỉ là động viên, mà còn là sự khẳng định tình yêu thương vô điều kiện, là cam kết sẽ cùng con đối mặt với mọi thử thách.
Nhưng con đường phía trước không hề bằng phẳng. Khi trở về Việt Nam, người con của cô Tuyết làm việc tại một công ty thiết kế. Niềm vui chưa được bao lâu thì những lời xì xào, bàn tán về "lý lịch là con gái nhưng ăn mặc cắt tóc như con trai và sử dụng nhà vệ sinh nam" ập đến. "Buổi trưa đi ăn cơm thì bị xa lánh, bị ngồi tách rời, không ai ăn cùng nên anh ấy buồn," cô Tuyết xót xa kể.
Trong những lúc tăm tối nhất ấy, vòng tay mẹ lại một lần nữa dang ra. Cô khuyên con: "Cộng đồng này nhỏ, mẹ không buông tay con được." Chính sự kiên định và tình yêu của mẹ đã giúp người con dần mở lòng, tìm lại niềm tin. Hiện nay, con trai cô Tuyết sống tại TP.HCM, đã kết hôn và sống hạnh phúc: "Quấn quýt, khỏe mạnh, cô rất mừng," cô hào hứng chia sẻ.

Cô Kim Tuyết
Câu chuyện của cô Tuyết và con trai không chỉ là câu chuyện riêng của một gia đình có người chuyển giới. Nó phản ánh một thực tế sâu sắc hơn: nỗi đau của sự kỳ thị, mong muốn được xã hội tôn trọng và quyền được sống đúng với bản thân là những trải nghiệm chung của rất nhiều người trong cộng đồng LGBT+, bao gồm cả người đồng tính nam, đồng tính nữ, song tính. Họ cũng phải đối mặt với những định kiến, những rào cản vô hình trong cuộc sống hàng ngày, trong công việc và trong cả những mối quan hệ tình cảm.
Điểm chung kết nối: Quyền được sống bình đẳng và không bị phân biệt đối xử
Tại diễn đàn "Hành trình hiểu về con: Từ gia đình đến trường học" (do Khoa Giới và Phát triển, Học viện Phụ nữ Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm ICS và Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức, nhiều tiếng nói đồng cảm đã được cất lên.
Anh Vương Khả Phong, Viện phó Viện iSEE, nhìn lại chặng đường hơn 10 năm đồng hành cùng các gia đình: "10 năm trước nếu các phụ huynh gặp nhau chỉ khóc, khóc rồi đi về" bởi khi đó, việc "con mình là người LGBT là thứ rất kinh khủng, là bệnh nên phụ huynh thường đổ lỗi cho chính mình." Nhưng giờ đây, "sự tức giận, sợ hãi khi biết con là người LGBT đã được chuyển hóa thành những cảm xúc có mục đích, và cha mẹ sử dụng những cảm xúc này để vận động quyền cho con mình", bởi một chân lý giản đơn mà vô cùng mạnh mẽ: "Con mình xứng đáng có được cái quyền có gia đình."
"Quyền được có gia đình" ấy, đối với nhiều cặp đôi cùng giới, chính là quyền được kết hôn một cách hợp pháp, được xã hội và pháp luật công nhận. TS. Kiều Thị Thuỳ Linh (Phó Khoa Luật, Học viện Phụ nữ Việt Nam) chỉ rõ, dù Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đã bãi bỏ quy định "cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính", một bước tiến đáng ghi nhận, nhưng việc chưa công nhận hôn nhân cùng giới vẫn để lại nhiều khoảng trống pháp lý.
Điều này dẫn đến vô số bất cập trong thực tế. TS. Thùy Linh chia sẻ về trường hợp hai bạn nam nhận nuôi một em bé, sống chung và có tài sản chung, nhưng quy định về nhận nuôi con nuôi chỉ cho phép một người được đứng tên làm cha. Khi người cha đó mất đi, người cha còn lại không thể thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với con. Tiếc thay, đây không phải câu chuyện mới, cũng không phải chỉ là câu chuyện của riêng gia đình ấy.
Tại Việt Nam, có rất nhiều trẻ em lớn lên trong tình yêu thương của hai bố hoặc hai mẹ, nhưng trên giấy tờ, một trong hai bố/mẹ chỉ là người xa lạ với các em. Ngoài ra, những vấn đề về tài sản chung, thừa kế, quyền được đại diện cho nhau khi ốm đau... tất cả đều trở nên mong manh khi mối quan hệ của họ không được pháp luật bảo vệ một cách đầy đủ. Đây là thực trạng diễn ra với nhiều cặp đôi cùng giới đang chung sống.

Có nhiều nghiên cứu và tài liệu tại Việt Nam cho thấy thực trạng chung sống và mong muốn hướng được công nhận quyền của người LGBT (Xem thêm tại thuvien.lgbt)
Hướng tới một xã hội công bằng: Hôn nhân cùng giới là một quyền cơ bản
Việc ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân cùng giới, do đó, không tách rời khỏi phong trào vận động cho quyền của cả cộng đồng LGBT+. Đó là sự khẳng định rằng mọi công dân, không phân biệt xu hướng tính dục hay bản dạng giới, đều có "quyền tự nhiên của con người", trong đó có quyền yêu thương, quyền xây dựng gia đình và quyền được hạnh phúc. Như TS. Thùy Linh nhấn mạnh, "những thứ thuộc về cốt, gốc, quyền tự nhiên thì cần được tôn trọng".

Sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam hào hứng với sự kiện
Hành trình để đạt được sự công nhận và bình đẳng hoàn toàn có thể còn nhiều thách thức. Nhưng những câu chuyện đầy nhân văn như của cô Tuyết, sự thay đổi tích cực trong nhận thức xã hội, và những nỗ lực không ngừng của các tổ chức, cá nhân đang thắp lên hy vọng.
Việc lắng nghe, thấu hiểu và ủng hộ quyền của người LGBT+, bao gồm quyền kết hôn của các cặp đôi cùng giới, chính là góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau, nơi mọi tình yêu đều được trân trọng và mọi gia đình đều được bảo vệ.

Tiến trình của người LGBT luôn cần tới sự ủng hộ của trường học, với tiếng nói “đồng ý” của các thầy cô, chuyên gia và các bạn sinh viên