Mẹ lo lắng khi con thu mình vào "vỏ ốc"

Thanh Tâm
23/07/2025 - 11:33
Mẹ lo lắng khi con thu mình vào "vỏ ốc"

Ảnh minh họa

Chị thú thật, thời gian dành cho con gần như bằng 0, mọi việc đều trông cậy hết vào bác giúp việc. Gần đây, chị bắt đầu nhận thấy con trai thay đổi. Con trở nên lặng lẽ, ít nói hẳn.

Người mẹ ấy 36 tuổi, có con trai 11 tuổi. Hai vợ chồng chị đều làm công việc văn phòng với khối lượng công việc lớn, áp lực cao. Mỗi ngày, anh chị thường ra khỏi nhà lúc con còn chưa thức dậy và trở về khi con đã ăn tối xong, thậm chí có những ngày chỉ kịp nhìn thấy con trước giờ đi ngủ. 

Chị thú thật, thời gian dành cho con gần như bằng 0, mọi việc đều trông cậy hết vào bác giúp việc. Gần đây, chị bắt đầu nhận thấy con trai thay đổi. Con trở nên lặng lẽ, ít nói hẳn. Trước đây, dù nhút nhát, con vẫn hay hỏi chuyện, khoe tranh vẽ hay những chuyện nhỏ ở trường. 

Giờ thì không. Con lầm lũi vào phòng, chẳng buồn chia sẻ. Thậm chí những buổi cuối tuần, gia đình anh chị thu xếp đi chơi, con cũng từ chối, bảo mệt hay "không có gì vui cả". Chị từng nghĩ con bước vào tuổi dậy thì nên tính cách thay đổi, nhưng dạo này chị thực sự lo lắng. 

Cô giáo chủ nhiệm cũng gọi điện cho chị nói rằng con ít tương tác với bạn, hay ngồi một mình trong lớp.

Chị bắt đầu tự hỏi: Có phải vì vợ chồng mình quá bận mà bỏ rơi con trong những năm tháng con cần được chia sẻ? Chị nhớ có hôm con buồn, chị chỉ nói: "Con nghỉ ngơi đi, mẹ còn nhiều việc quá!". 

Giờ nhớ lại ánh mắt buồn của con, chị thấy mình thật vô tâm. Chị nhận thấy, làm mẹ, chị chưa bao giờ thấy bất lực như lúc này. Liệu có phải con chị đang rơi vào trầm cảm? Chị rất mong Thanh Tâm cùng chị tìm ra lời giải để giúp con quay lại với thế giới xung quanh?

Thanh Tâm động viên chị, rằng nhiều cha mẹ cũng đang có chung nỗi lo giống như anh chị. Điều quan trọng là anh chị đã nhận ra sự thay đổi ở con - đó là bước đầu tiên và quan trọng nhất. 

Trẻ không tự nhiên trở nên trầm lặng - đó là kết quả của một chuỗi cảm xúc bị dồn nén hoặc không được đáp ứng trong thời gian dài. Việc con trở nên trầm lặng, khép mình có thể là dấu hiệu của sự cô đơn, thiếu gắn kết cảm xúc trong gia đình. Với trẻ 9-12 tuổi, sự kết nối tình cảm với cha mẹ rất quan trọng. 

Trẻ rất cần sự hiện diện của cha mẹ, không chỉ vật chất hay chăm sóc bề mặt, mà là lắng nghe, thấu hiểu. Nếu cảm thấy bị "bỏ rơi" vì bố mẹ quá bận, trẻ có thể chọn cách thu mình để tự bảo vệ cảm xúc.

Tín hiệu cảnh báo ban đầu: Ít nói, tránh giao tiếp, thờ ơ; rút lui khỏi các hoạt động gia đình; không còn hứng thú với những thứ từng yêu thích; khó ngủ hoặc ngủ quá nhiều; dễ cáu kỉnh hoặc có biểu hiện buồn bã kéo dài

Gia đình chị cần tái lập thời gian kết nối hàng ngày giữa cha mẹ và con. Dù bận rộn đến đâu, hãy dành ít nhất 15-30 phút mỗi ngày chỉ để bên con, không điện thoại, không gián đoạn. Không nhất thiết phải trò chuyện sâu, có thể cùng nấu ăn, chơi lego, vẽ tranh… 

Chỉ cần cha mẹ hiện diện và đồng hành, từ từ khơi gợi chuyện trò. Khi con bắt đầu nói, đừng vội sửa chữa hay khuyên răn. Hãy lắng nghe trọn vẹn, dùng những câu như: "Mẹ nghe con nói rồi, chắc lúc đó con buồn lắm nhỉ…"; "Con nghĩ vậy là có lý, mẹ muốn hiểu thêm…". 

Vợ chồng chị cần gợi mở dần các cuộc trò chuyện sâu sắc. Tránh hỏi những câu khiến con cảm thấy bị tra khảo như: "Con sao thế?", "Tại sao con không nói chuyện?". Thay vào đó, hãy hỏi nhẹ nhàng: "Hôm nay có chuyện gì khiến con vui (hoặc buồn) không?"; 

"Nếu con có thể thay đổi một điều ở trường, con sẽ thay đổi điều gì?". Đừng mong con mở lòng ngay, nhưng khi con thấy sự hiện diện kiên nhẫn, ấm áp từ cha mẹ, con sẽ dần tin tưởng trở lại.

Nếu sau 4-6 tuần nỗ lực kết nối mà con tiếp tục thu mình, tránh tiếp xúc, có biểu hiện buồn chán kéo dài, ăn uống - ngủ nghỉ rối loạn, hoặc nói những điều tiêu cực như "Con chán lắm!", "Không ai hiểu con cả!"… thì cần đưa con đi gặp nhà tham vấn tâm lý hoặc bác sĩ chuyên khoa tâm thần nhi. 

Việc can thiệp sớm sẽ giúp ngăn ngừa nguy cơ trầm cảm kéo dài hoặc tổn thương tâm lý sâu. Càng can thiệp sớm, con càng phục hồi tốt hơn.

Thanh Tâm mong chị luôn nhớ, con không cần cha mẹ hoàn hảo - con chỉ cần cha mẹ hiện diện thật lòng và kiên nhẫn. Đừng chờ đến khi con gào thét trong im lặng, hãy đi bên con ngay từ lúc những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện. 

Bằng tình yêu đủ lớn và hành động nhất quán, cha mẹ có thể đưa con trở lại nhịp sống bình thường. Hãy tin rằng, dù muộn, nhưng tình yêu và sự thay đổi từ cha mẹ vẫn luôn là "cầu nối" kỳ diệu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm