pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ lo lắng vì con trai đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn không muốn đi làm
Ảnh minh họa: Getty Images
Chị Thanh Tâm yêu quý!
Tôi có 3 người con, các con đều ngoan ngoãn, học giỏi. Hai con gái đầu sinh đôi đều có học bổng đi học nước ngoài, đã làm Tiến sĩ và xây dựng gia đình ở Úc, New Zealand. Con trai thứ 3 do vợ chồng tôi "vỡ kế hoạch", nó kém hai chị tới 12 tuổi, đã tốt nghiệp đại học.
Cháu học thiết kế đồ hoạ nên nhiều bạn bè của bố mẹ, của các chị làm trong lĩnh vực này mời con đi làm ở công ty của họ. Nhưng gần 1 năm rồi, cháu vẫn chưa đi làm ở đâu. Cháu cũng không đăng ký tiếp tục học tiếp hay tỏ ra là đang theo đuổi một kế hoạch tương lai nào.
Con trai tôi đã có bạn gái. Bạn gái của cháu đã đi làm từ năm cuối đại học. Hai đứa vẫn gắn bó với nhau nhưng cứ nói đến chuyện công việc của con trai tôi là y như rằng có tranh luận.
Vấn đề là con trai tôi kín tiếng với mọi người về kế hoạch của mình và cũng chưa làm gì để tạo sự tin tưởng cho người thân. Nếu cứ kéo dài tình trạng như thế này thì tôi lo tương lai của hai đứa chúng nó sẽ không đi đến đâu.
Thêm vào đó, tuổi trẻ của cháu cũng sẽ trôi qua, sức sáng tạo, tinh thần làm việc, mong muốn khẳng định bản thân cũng bị mài mòn hết. Mong chị cho tôi lời khuyên thật nhanh chị nhé!
Nguyễn Thị Lụa (Bắc Ninh)
Chị Lụa thân mến!
Xin chia sẻ với nỗi sốt ruột của chị khi thấy con mình như đang dậm chân tại chỗ, có nhiều nguy cơ bị ảnh hưởng đến tình cảm, tương lai của cháu. Con trai chị chưa muốn chia sẻ với người thân về kế hoạch tương lai của mình, chúng ta có thể phân tích tâm lý của cháu cũng như tìm cách tác động để phá vỡ "cái kén" của chàng trai chưa chịu đi làm ấy nhé.
Thanh Tâm mừng khi anh chị có hai cô con gái giỏi giang, đã ổn định công việc và cuộc sống gia đình. Nhưng có thể niềm tự hào ấy ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của con trai anh chị.
Cái bóng thành công của hai người chị có thể khiến cho em trai chùn bước ở thời điểm cần khẳng định mình. Đó cũng có thể là lý do vì sao con trai anh chị không chấp nhận đi làm cho những bạn bè của bố mẹ hay các chị.
Với người học và làm những công việc sáng tạo như cậu ấy, tìm được một chỗ làm phù hợp thực sự quan trọng. Cũng có thể cháu muốn tìm một hướng đi riêng cho mình. Và khi chính cháu còn đang mông lung thì rất khó tâm sự với bố mẹ hay người yêu được. Hãy chờ khi con chị có cơ sở vững chắc cho lựa chọn của mình, cháu sẽ muốn nói ra thôi.
Cháu là con út, lại cách xa tuổi với các chị, hẳn được cả nhà cưng chiều. Nhưng dù lo lắng cho con trai thế nào, anh chị cũng cần học cách đẩy con bước ra ngoài đời. Hãy tạo những áp lực thời gian, kiếm tiền, ghi dấu ấn để cháu bắt đầu cuộc sống độc lập.
Đừng để con sướng quá, chả có gì phải lo, đi làm hay không cũng không thay đổi gì cuộc sống của cháu, như vậy sẽ chẳng có động lực đi làm. Anh chị cũng có thể tìm một chuyên gia tư vấn du học để họ trực tiếp trao đổi với con trai về các khoá học chuyên môn, tìm hiểu nguyện vọng của cháu.
Nếu cháu ấp ủ được tiếp cận với thế giới thiết kế đồ hoạ rộng lớn thì cháu sẽ được chuyên gia tư vấn rõ ràng, nhanh chóng hơn là tự mày mò tìm thông tin và cách xin học bổng. Nếu được bố mẹ tin tưởng, tôn trọng, giúp đỡ mang tính xây dựng, chắc chắn con trai chị sẽ cởi mở hơn và muốn tăng tốc cho tương lai của mình thôi.