Mẹ mắc bệnh phụ khoa khi mang thai có thể khiến con sinh ra bị viêm phổi do nấm

26/06/2019 - 06:24
Bệnh phụ khoa là bệnh có thể mắc phải bất cứ khi nào chứ không phải trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ đang có thai mà mắc bệnh phụ khoa thì tùy mức độ mà có những ảnh hưởng nhất định đến thai nhi.
Chị Nguyễn Thị Quỳnh (25 tuổi, phố Tràng Tiền, Hà Nội) đang có thai lần đầu được 12 tuần tuổi. Chị bị ngứa vùng kín, ra khí hư bất thường, thỉnh thoảng đau bụng từ khi mới có thai... nhưng do chủ quan hoặc sợ việc điều trị ảnh hưởng tới em bé, nên chần chừ không đi khám. Cho đến khi thai được 3 tháng thì chị ra một ít máu ở vùng kín, chị vội đến bệnh viện khám.  
 
 
Khi bị mắc bệnh phụ khoa trong quá trinh mang thai, nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thai nhi. Ảnh minh họa

 

 Bác sĩ Lê Huy Tuấn - Khoa sức khỏe sinh sản Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội cho biết, chị bị mắc bệnh phụ khoa trong quá trinh mang thai, nếu không điều trị kịp thời sẽ ảnh hưởng đến thai nhi.
 
Bác sĩ cho hay, bệnh phụ khoa là danh từ chung chỉ các bệnh viêm nhiễm đường sinh sản hoặc lây qua đường tình dục. Có rất nhiều bệnh khác nhau ví dụ như viêm âm đạo do tạp khuẩn, lậu, giang mai…, chẩn đoán các bệnh này thông qua khám lâm sàng, xét nghiệm, siêu âm...
 
Bộ phận sinh dục nữ tính từ ngoài vào bao gồm môi lớn, môi nhỏ, màng trinh, âm đạo, cổ tử cung, tử cung, vòi trứng, buồng trứng… Âm đạo là một khoang ảo, có khả năng co dãn rất tốt và là bộ phận để giao hợp. Viêm âm đạo là tình trạng âm đạo bị nhiễm vi khuẩn như tạp khuẩn, nấm, trùng roi… từ đó gây nên tình trạng viêm ngứa, đau, rát… Chẩn đoán viêm âm đạo thông qua việc khám phụ khoa và làm xét nghiệm soi dịch âm đạo để tìm vi khuẩn, có kết quả khám và xét nghiệm sẽ có chẩn đoán xác định và hướng điều trị phù hợp.
 
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm âm đạo như do có sự thay đổi độ PH trong âm đạo, quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ (không sử dụng bao cao su) hoặc cũng có thể không rõ nguyên nhân chính vì thế cần khuyến cáo phụ nữ đi khám phụ khoa định kỳ để sớm phát hiện tổn thương.
 
Một số bệnh viêm phụ khoa khi mang thai và mức độ ảnh hưởng đến thai nhi như viêm nhiễm nấm Candida. Trong giai đoạn thai nghén, sự tăng giảm nội tiết tố đột ngột làm thay đổi độ pH âm đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm sinh sôi, phát triển và gây bệnh.
 
Việc điều trị viêm âm đạo khi mang thai do nấm Candida thường rất dễ dàng tuy nhiên bệnh rất dễ tái đi tái lại nhiều lần. Trường hợp người mẹ mắc bệnh phụ khoa khi mang thai mà không được điều trị dứt điểm thì khi sinh con qua âm đạo, nấm có thể dính vào niêm mạc miệng gây đen miệng hoặc viêm da do nấm cho trẻ sơ sinh.
 
Nguy hiểm hơn, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng trong tử cung hoặc tăng nguy cơ sinh non, sức đề kháng yếu, có thể bị viêm phổi do nấm. Vì vậy, mẹ bầu cần điều trị bệnh dứt điểm trước khi sinh con nhằm tránh lây cho bé trong quá trình sinh nở.
 
 
 
 
Lậu cầu khuẩn cũng là một nguyên nhân gây viêm ngứa phụ khoa khi mang thai có mức độ nguy hiểm cao. Nếu thời gian ủ bệnh kéo dài, người mẹ sẽ gặp các triệu chứng như: tiểu gắt, nước tiểu đục kèm theo mủ, ra nhiều huyết trắng nặng mùi và đau vùng bụng dưới.
 
Bệnh phụ khoa khi mang thai do lậu cầu khuẩn gây ra nếu không được điều trị dứt điểm sẽ tác động xấu đến thai nhi: nguy cơ sinh non tăng lên 8%, gây viêm màng ối, vỡ ối, trẻ sinh ra nhẹ cân do suy dinh dưỡng bào thai.
 
Bên cạnh đó, vi khuẩn lậu dễ lây nhiễm cho bé trong quá trình sinh thường qua ngã âm đạo. Vi khuẩn từ chất dịch tiết ra ở đường sinh dục của người mẹ xâm nhập vào mắt của trẻ sơ sinh, gây nên tình trạng viêm kết mạc mắt ở trẻ sơ sinh. Do đó, từ ngày thứ 2 sau sinh, mắt của bé sẽ bị sung huyết, có nhiều mủ vàng, gây giảm thị lực và có thể dẫn đến mù lòa.
 
Nguyên tắc phòng tránh viêm nhiễm phụ khoa khi mang thai: Vệ sinh vùng kín sạch sẽ và đúng cách, không thụt rửa quá sâu vào bên trong âm đạo, lau rửa từ trước ra sau (từ âm đạo ra hậu môn), không thực hiện ngược lại; Chọn đồ lót làm từ chất liệu thoáng mát, thấm hút tốt; Tránh dùng các dung dịch, xà phòng có chất tẩy rửa mạnh; Ăn nhiều sữa chua có công dụng ngăn ngừa viêm âm đạo rất hiệu quả; Hạn chế ăn đường, đồ ngọt vì chúng làm tăng lượng bài tiết ở âm đạo; Khi bị viêm phụ khoa cần tránh quan hệ vợ chồng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm