Mẹ nghẹn ngào trước sự thay đổi lớn của con khiếm thị

05/09/2016 - 17:37
Chị Đỗ Thu Hằng (Hoài Đức, Hà Nội), có con khiếm thị bẩm sinh do sinh thiếu tháng, rất vui vì được chứng kiến sự thay đổi lớn khi con gửi con vào học ở trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội).
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chung vui cùng học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu trong ngày khai trường. Ảnh: VGP.

Trong lễ khai giảng sáng nay tại trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thể hiện sự xúc động và tự hào khi đọc trên báo câu chuyện về tấm gương của những người thầy, người cô của trường.

“Đó là cô Nguyễn Thúy Ngà, cô Trương Thúy Hằng… Tôi đặc biệt xúc động khi đọc câu chuyện về thầy Phạm Đình Thắng, người thầy mù luôn tận tụy vì nghề, với từng cá nhân các em học sinh khiếm thị. Dù không có Kiều Nguyệt Nga bên cạnh nhưng thầy Phạm Đình Thắng chính là Lục Vân Tiên của thời nay” - Thủ tướng nói.

Trong khoảnh khắp vui tươi, ấm áp của lễ khai giảng, người đứng đầu Chính phủ gửi lời nhắn nhủ: “Các cháu học sinh thân thương. Người bình thường học thành tài đã khó, người khuyết tật càng khó khăn. Chính vì vậy người bình thường và cả người khiếm thị không bao giờ chịu đầu hàng số phận. Các cháu phải luôn ý thức bên cạnh mình có những người thầy, người cô luôn tin tưởng vào các cháu, có những người bạn học luôn chia sẻ, đồng hành”.

Điều mà ông mong muốn là các học sinh trường Nguyễn Đình Chiểu không tự ti, mặc cảm, hòa đồng với tập thể, môi trường xã hội mà mình đang sống. Các học sinh phải thương yêu, đoàn kết, không phân biệt đối xử giữa học sinh bình thường với học sinh khiếm thị, học sinh giữa các vùng, miền, địa phương; phải lễ phép với gia đình, cha mẹ, ông bà, thầy cô. Thủ ướng mong muốn từ ngôi trường này, sẽ có thêm những người thành công trong cuộc sống.

- Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh những tiếng trống đầu tiên khai giảng năm học mới. Ảnh: VGP.

Đối với ông, Nguyễn Đình Chiểu là một câu chuyện thành công đầy thuyết phục, đầy quan điểm phát triển giáo dục của Đảng và Nhà nước ta. Đó là tất cả mọi người dân, người bình thường, người khiếm thị hay nói rộng hơn người khuyết tật nói chung đều được tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận với giáo dục một cách bình đẳng.

Lần đầu tiên cùng con đón khai giảng, chị Nguyễn Minh Hồng (860 Minh Khai, Hà Nội) xúc động: “Tôi rất phấn khởi, bởi đây là lần đầu tiên tôi đón khai giảng cùng con. Càng vinh dự và tự hào hơn khi thấy ngôi trường mà con tôi đang học nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Chính phủ, Thành phố, Bộ GD&ĐT”.

Chị Hồng đánh giá rất cao về mô hình dạy học hòa nhập của trường Nguyễn Đình Chiểu, giúp các cháu đoàn kết, gắn bó và biết chia sẻ với nhau trong cuộc sống. “Trường có cơ sở vật chất hiện đại, đội ngũ thầy cô giáo luôn nhiệt tình, luôn quan tâm chu đáo đến các con. Tôi hoàn toàn yên tâm khi có con theo học ở trường” - chị chia sẻ.

Còn với chị Đỗ Thu Hằng (Hoài Đức, Hà Nội), có con khiếm thị bẩm sinh do sinh thiếu tháng, rất vui mừng khi chứng kiến sự thay đổi lớn của con. Chị Hằng nghẹn ngào: “Khi đăng ký học cho con, là một người mẹ, tôi thấy lo lắng, lo trăm bề về ăn uống ngủ nghỉ của cháu, về môi trường mới và cũng vì đây là lần đầu tiên cháu sống xa mẹ. Nhưng mọi lo lắng đã không còn, con hòa nhập nhanh hơn tôi tưởng. Không niềm hạnh phúc nào tả xiết!”.

Năm học 2016-2017, trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu có 212 em học sinh khiếm thị, một số em sống nội trú và học tập hòa nhập hoàn toàn với các bạn. Tổng số toàn trường là hơn 1.000 em học sinh cả hai cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm