Mẹ ngỡ ngàng khi con 6 tuổi viêm phụ khoa

13/05/2018 - 18:36
Lâu nay, nhiều người vẫn thường nghĩ chỉ người lớn, có quan hệ tình dục thì mới bị viêm phụ khoa. Tuy nhiên, thực tế thì có những bé gái dưới 10 tuổi, thậm chí 5-6 tuổi cũng mắc bệnh ở “vùng kín” như viêm âm hộ, âm đạo.
Bé gái bị viêm nhiễm không phải là hiếm
Đưa con đi khám vì thấy con kêu ngứa “vùng kín”, xung quanh âm hộ tấy đỏ, chị Nguyễn Quỳnh Nga (Vĩnh Phúc) không ngờ rằng bé My - con chị mới 6 tuổi đã mắc viêm phụ khoa.
anh-viem-phu-khoa.jpg
Bé gái cũng dễ bị viêm phụ khoa. Ảnh minh họa
 
Chị Nga cho biết, mấy hôm trước, khi thấy con thường xuyên cho tay vào gãi “vùng kín”, chị chỉ nghĩ con bị ngứa do côn trùng đốt giống như các vết ngứa ngoài da khác. Chị cũng nhắc nhở và giúp bé vệ sinh “vùng kín” kỹ hơn, đồng thời bôi loại thuốc giảm ngứa do côn trùng đốt cho con.
 
Tuy vậy, tình trạng ngứa của bé không cải thiện mà thậm chí còn nặng thêm, khiến bé bị đau rát, khó chịu. Đặc biệt, khi xem xét “vùng kín” của con, chị thấy xung quanh âm hộ bé bị tấy đỏ. Mặc dù vẫn cố trấn an nhưng trong lòng chị không khỏi lo lắng bởi suy nghĩ xấu: Hay con bị xâm hại? Chị quyết định đưa con đi khám và không khỏi ngỡ ngàng khi nhận được chẩn đoán: Con đang bị viêm nhiễm phụ khoa!
 
Theo bác sĩ Lê Thị Kim Dung, phòng khám Sản phụ khoa, Trung tâm Y tế Thái Hà (Hà Nội), lâu nay mọi người thường nghĩ chỉ có người lớn mới bị viêm nhiễm phụ khoa song thực tế có không ít trường hợp bé gái mắc bệnh này.
 
Sở dĩ như vậy là vì buồng trứng của các bé chưa hoạt động, nên đặc điểm cơ quan sinh dục ở bé gái trước tuổi dậy thì khác với phụ nữ tuổi sinh sản. Cụ thể, “vùng kín” của bé dễ bị kích ứng vì thiếu các rào chắn sinh lý giúp ngăn cản nhiễm trùng như: Môi lớn, môi nhỏ chưa phát triển, màng trinh và biểu mô âm đạo mỏng...
 
Ngoài ra, âm đạo của bé có độ pH trung tính và thiếu các kháng thể bảo vệ là yếu tố thuận lợi cho vi trùng phát triển. Những yếu tố trên kết hợp với vệ sinh kém dễ gây viêm âm hộ, âm đạo ở bé gái.
 
Cũng theo bác sĩ Dung, do cấu tạo âm hộ và âm đạo của bé gái chưa phát triển hoàn thiện nên các bé cũng có thể bị viêm “vùng kín” do các vi trùng đường ruột, thậm chí vi trùng đường hô hấp và cả ký sinh trùng như giun kim... Nhất là trường hợp trẻ không được chăm sóc tốt và có chế độ vệ sinh hợp lý thì rất dễ mắc viêm nhiễm.
 
Bác sĩ Dung cho biết, đã có trường hợp trẻ gái mắc bệnh viêm âm hộ - âm đạo do giun kim đến khám tại phòng khám. Bé được đưa đến khám khi đã có nhiều biểu hiện viêm nhiễm phụ khoa nặng như: Âm hộ đỏ, đau, có mùi hôi, dịch tiết âm đạo bất thường... Nhiều bà mẹ biết con nhiễm giun nhưng tẩy giun cho trẻ không đúng cách, không đủ liều nên trẻ hay bị tái nhiễm. Khi bé gái nhiễm giun kim, giun có thể mang theo phân từ hậu môn chui vào âm đạo, gây viêm nhiễm âm hộ - âm đạo.
 
Dấu hiệu nhận biết trẻ bị viêm phụ khoa
Do đó, để phòng bệnh cho bé, gia đình cần thực hành vệ sinh và hướng dẫn trẻ vệ sinh “vùng kín” cho mình đúng cách: Vệ sinh “vùng kín” cho bé ngày 2 lần sáng và tối, đặc biệt vệ sinh bằng nước sạch sau khi đi đại tiện và vệ sinh từ trên xuống dưới không làm ngược lại... Mặc quần lót cho các bé không quá chật, chất liệu không bị kích ứng; không để bé ngồi lê la dưới nền đất...
 
Bác sĩ Lê Thị Kim Dung cho biết thêm, khi bé có các biểu hiện viêm nhiễm “vùng kín” như: Có hiện tượng tiết dịch, ngoài ra, có thể kèm theo ngứa, rối loạn bài niệu-đái dắt, buốt hoặc đái dầm thường xuyên (ở trẻ lớn); dịch tiết thường thấy ở đáy quần đặc trưng bởi màu xanh lá cây hoặc màu nâu, đi kèm với một mùi khó chịu; bé ngủ không ngon giấc... thì cần đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đúng hướng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm