"Mẹ ơi, kỳ thi này điểm con kém lắm", người mẹ trả lời một câu thay đổi cuộc đời con

Hiểu Đan
11/11/2022 - 08:12
"Mẹ ơi, kỳ thi này điểm con kém lắm", người mẹ trả lời một câu thay đổi cuộc đời con
Nếu con không trải qua một kỳ thi tốt, đừng vội nản lòng. Bạn phải kết hợp tình hình thực tế của con mình, xác định mấu chốt của vấn đề và chủ động có biện pháp đối phó.

Nếu con nói với bạn rằng vừa rồi chúng làm bài thi không tốt, bạn sẽ trả lời con thế nào? Nhiều người chắc chắn an ủi con lần sau sẽ tốt hơn, nhưng trong thâm tâm không khỏi nghĩ: Kết quả này là do con không chăm chỉ và còn ham chơi quá!

Một người mẹ đã cho con mình câu trả lời khác.

Con trai chị Vương (Trung Quốc) đang học cấp 2, tuy chăm chỉ nhưng cháu vẫn chưa theo kịp các bạn, tuy nhiên so với trước đây thì điểm của cháu ngày càng được cải thiện. Trong một kỳ thi, đứa trẻ chỉ đứng vị trí thứ 17. Khi về đến nhà, cậu bé hỏi mẹ: "Mẹ ơi, con có bị ngốc hơn những người khác không? Con nghĩ là con nghe lời thầy và làm bài nghiêm túc như thầy dặn, nhưng tại sao con lại luôn đi sau các bạn?". Bà mẹ an ủi con vài câu nhưng rõ ràng không làm cho đứa trẻ hài lòng.

Để đánh giá cao sự tiến bộ của con trai đồng thời giúp con vượt qua nỗi buồn, bà mẹ đã đưa cậu bé đi ngắm biển. Chính trong chuyến đi này, bà đã giải đáp những thắc mắc của con trai mình.

Giờ đây, cậu con trai của chị không còn lo lắng về thứ hạng của mình nữa, vì năm ngoái cậu đã được nhận vào Đại học Thanh Hoa với vị trí đầu tiên. Khi trở về sau kỳ nghỉ đông, cô giáo chủ nhiệm ở trường cũ đề xuất cậu chia sẻ những kinh nghiệm đậu vào trường đại học nổi tiếng. Học sinh này liền kể về một trải nghiệm khi còn nhỏ:

"Tôi và mẹ ngồi trên bãi cát. Mẹ chỉ về phía trước và nói với tôi: "Con thấy lũ chim đang tranh giành thức ăn bên bờ biển không? Khi sóng vỗ đến, những con chim sẻ nhỏ lập tức bay lên, vỗ cánh vụt lên bầu trời nhanh chóng. Hải âu có lẽ chậm chạp và thiếu "thông minh" hơn, chúng cần nhiều thời gian hơn, không thể vỗ cánh vài cái liền bay thẳng lên bầu trời như chim sẻ, nhưng chúng lại là loài có thể bay qua biển lớn mênh mông, còn chim sẻ thì không".

Câu chuyện giản dị của cậu sinh viên khiến nhiều bà mẹ, trong đó có mẹ của cậu rơi nước mắt. Tại sao lại như vậy?

Nếu trẻ không làm tốt bài kiểm tra, cha mẹ không nên cố gắng khơi dậy sự chú ý của trẻ đối với điểm số thông qua sự tức giận của bản thân, và cũng đừng nên thể hiện sự thất vọng và buồn bã bằng những lời mỉa mai, châm biếm, đánh đập và mắng mỏ. Mọi đứa trẻ đều khao khát trở nên xuất sắc trong các kỳ thi. Khi điểm số của trẻ không tốt đồng nghĩa với việc trẻ gặp vấn đề trong học tập, lúc này điều trẻ cần nhất chính là sự quan tâm, giúp đỡ của cha mẹ.

Cha mẹ phải nói với con rằng: Chúng ta tạm thời gặp khó khăn trong học tập, đừng nản lòng, vấn đề có thể giải quyết được, và cha mẹ sẵn sàng giúp con vượt qua khó khăn. 

Đôi khi đã nỗ lực rất nhiều nhưng kết quả lại trì trệ, trẻ dễ nghi ngờ năng lực học tập của bản thân, từ đó lung lay niềm tin, không muốn xông xáo. Cha mẹ phải nói với con cái rằng việc học không phải lúc nào cũng đi lên theo đường thẳng, và đôi khi gặp phải những nút thắt là điều bình thường. 

Điều này cũng như chim hải âu trên biển vậy. Dù trông có vẻ không nhanh nhẹn nhưng "đường dài mới biết ngựa hay", chỉ cần kiên trì, tin tưởng vào con đường mình đã lựa chọn, kiên định với mục tiêu, cuối cùng sẽ gặt hái được thành quả.

"Mẹ ơi, kỳ thi này điểm con kém lắm", người mẹ trả lời một câu thay đổi cuộc đời con - Ảnh 2.

Phân tích nguyên nhân và phương pháp khắc phục phù hợp

- Trẻ gặp khó khăn trong học tập

Khả năng tiếp nhận kiến thức của từng học sinh có sự khác biệt. Cha mẹ không nên quá kỳ vọng con phải được như bạn A, bạn B, chỉ cần trẻ cố gắng hết sức là được. Đồng thời, cần lưu ý để phát hiện những ưu điểm của con cái, bồi dưỡng phù hợp với năng khiếu, chú trọng cuộc sống tinh thần, trau dồi các đức tính tốt như tận tâm, khiêm tốn, trung thực và trau dồi một số kỹ năng thực hành. Điều này giúp ích rất nhiều cho con cái sau này khi lớn lên.

- Nếu trẻ có vấn đề về thái độ học tập

Cha mẹ cần trò chuyện giúp con hiểu ý nghĩa của việc học tập từ đó có tư tưởng, thái độ học tập đúng đắn. Xác lập mục tiêu, xây dựng kế hoạch học tập phù hợp với tình hình thực tế của trẻ. Đừng nôn nóng bắt trẻ thay đổi ngày một ngày hai. Hãy kiên nhẫn đi từng bước.

- Nếu trẻ có vấn đề về tiếp thu kiến thức 

Cách tốt nhất là bố mẹ hoặc nhờ một gia sư uy tín dạy kèm để con nắm bắt lại kiến thức từng chút một. 

- Nếu có vấn đề về phương pháp học của trẻ

Cha mẹ nên chủ động trao đổi với giáo viên, tích cực lắng nghe những đề xuất mà giáo viên đưa ra dựa trên tình hình thực tế của con để giúp con thay đổi.

- Nếu có vấn đề với việc kết bạn

Cha mẹ nên nhắc nhở con cái không nên tiếp xúc quá nhiều với những đứa trẻ ham chơi, thiếu vận động, kẻo con cái bị ảnh hưởng dẫn đến học lực sa sút.

"Mẹ ơi, kỳ thi này điểm con kém lắm", người mẹ trả lời một câu thay đổi cuộc đời con - Ảnh 3.

- Nếu bản thân cha mẹ có vấn đề

Ví dụ, thường không quan tâm đúng mức đến con cái, không khí gia đình không hòa thuận, cha mẹ quá áp đặt việc học của con cái, hoặc phương pháp giáo dục không phù hợp, khiến trẻ nổi loạn, chán học... Các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ hơn về giáo dục gia đình kết hợp với tình hình thực tế của con để không ngừng điều chỉnh hành vi giáo dục. Cha mẹ cố gắng cải thiện, con cái cũng có thể tiến bộ mỗi ngày.

Mỗi đứa trẻ đều có xuất phát điểm khác nhau, khả năng khác nhau, điểm cao và điểm thấp là điều đương nhiên. Cha mẹ phải đặt ra mục tiêu khả thi cho con, mỗi lần không đòi hỏi quá nhiều, chỉ cần con tiến bộ một chút so với bản thân là được. Học thành tài không phải ngày một ngày hai mà đạt được, điều quan trọng là tạo cho trẻ niềm tin.

Tóm lại, nếu con không trải qua một kỳ thi tốt, đừng vội nản lòng, bạn phải kết hợp tình hình thực tế của con mình, xác định mấu chốt của vấn đề và chủ động có biện pháp đối phó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm