pnvnonline@phunuvietnam.vn
Mẹ Quảng Nam sinh bé nặng 5,9kg và những nguy cơ khi mang thai to
Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trẻ sơ sinh đủ tháng có trọng lượng cơ thể 2,5 đến 4kg. Ở Việt Nam, do vóc dáng nhỏ nhắn hơn nên các bác sĩ cho rằng trẻ sơ sinh có cân nặng hơn 3,5kg đã được đánh giá là to. Còn em bé chào đời với cân nặng "khủng" như dưới đây thì rất hiếm gặp.
Thông tin từ bệnh viện Thái Bình Dương (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam), tối 18/5, một bé gái sơ sinh có cân nặng "khủng" vừa chào đời tại đây.
Theo các bác sĩ, trước đó, tối 15/5, sản phụ 31 tuổi ở xã Tam Thành (huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) nhập viện với chẩn đoán thai 37 tuần. Kết quả siêu âm cho thấy thai nhi lớn, kèm theo bệnh lý đái tháo đường thai kỳ nên sản phụ được chỉ định sinh mổ.
Em bé có cân nặng gần 6kg khi chào đời.
Đặc biệt, theo người thân cho biết, đây là lần sinh thứ 3 của sản phụ, hai lần trước đều sinh mổ và các bé có cân nặng khá ấn tượng. Năm 2012, sản phụ sinh bé trai nặng 4,2kg và năm 2015 sinh bé gái nặng 5,2kg. Lần này, sản phụ sinh bé gái nặng 5,9kg, phá vỡ "kỉ lục" trong hai lần sinh trước. Bác sĩ cho biết cân nặng của bé phải tương đương với trẻ 3 tháng tuổi. Hiện tại, hai mẹ con sản phụ đang tiếp tục được theo dõi và kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện.
Những nguy cơ khi mang thai to
Những trường hợp sinh con to, nặng cân như bà mẹ trên luôn khiến mọi người ấn tượng, thích thú. Bởi vậy khi bầu bí, bà mẹ nào cũng cố gắng bồi bổ với mong muốn con phát triển khỏe mạnh. Tuy nhiên, thực tế thai quá to cũng không tốt cho cả mẹ và bé với các nguy cơ:
- Tăng nguy cơ đột tử thai, sang chấn sản khoa lúc sinh, băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu phẫu, hậu sản cho mẹ.
- Nguy cơ về sau là đái tháo đường type 2, tăng huyết áp mạn tính với mẹ.
- Bệnh lý phổi sau sinh, nguy cơ suy hô hấp cho bé.
- Nguy cơ bé bị béo phì.
- Rối loạn chuyển hóa sau sinh.
Khi bác sĩ cảnh báo nguy cơ thai to, mẹ bầu cần điều chỉnh lại chế độ ăn uống, sinh hoạt. (Ảnh minh họa)
Tuy vậy, đôi khi mẹ không thể ngăn ngừa thai phát triển đến mức to. Một số thai nhi có kích thước lớn một cách tự nhiên. Nhưng để tránh biến chứng khi thai nhi quá nặng, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng của mẹ bầu trong thời gian mang thai để quá trình bầu bí và chuyển dạ sẽ diễn ra suôn sẻ nhất. Ngoài ra, khi được chẩn đoán thai to so với tuổi thai, mẹ cần:
- Kiểm soát cân nặng: Đừng vì tư tưởng ăn cho hai người mà nạp vào cơ thể lượng calo không cần thiết, mẹ nên dựa vào lời tư vấn của bác sĩ để lựa chọn thực đơn cho phù hợp.
- Kiểm soát lượng đường trong máu: Nếu mẹ bầu bị đái tháo đường trước khi mang thai hoặc gặp chứng đái tháo đường thai kỳ, hãy làm theo lời khuyên của bác sĩ để kiểm soát tình trạng này. Việc kiểm soát lượng đường trong máu là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng khi mang thai, bao gồm cả thai to.
- Vận động đều đặn: Việc vận động cơ thể mỗi ngày với cường độ phù hợp sẽ cải thiện sức khỏe mẹ bầu cũng như hạn chế nguy cơ thai phát triển to.