Mẹ sốc vì con trai bị tinh hoàn ẩn

06/12/2016 - 14:46
Nhiều phụ huynh khi nghe bác sĩ thông báo con bị ẩn tinh hoàn đã không tin nổi vì 'luôn thấy 2 bìu của cháu đủ cả'. Thực tế, không ít trẻ nhìn bề ngoài bình thường nhưng tinh hoàn lại lạc chỗ.
Theo ThS.BS Nguyễn Thế Lương, Phó Giám đốc BV Thận Hà Nội, Giám đốc Trung tâm Nam học Andos, một người mẹ ở ngay quận trung tâm của Hà Nội đã rất bức xúc sau khi bác sĩ kiểm tra sức khỏe cho con mình. Người mẹ khẳng định bác sĩ đã nhầm bởi “hòn ngọc” của con chị vẫn nằm đúng vị trí. Từ lúc con trai sinh ra, ngày nào tắm rửa cho con, chị cũng vệ sinh cẩn thận "cậu nhỏ" của bé. Ngay từ bé, những lần đi kiểm tra sức khỏe, bác sĩ cũng không nói gì đến bất thường ở "cậu nhỏ". Vậy mà nay bác sĩ “phán” một tin "sét đánh".
l.jpg
Kiểm tra "cậu nhỏ" cho bé trai nhằm phát hiện tinh hoàn ẩn
ThS Lương chia sẻ: "Với trường hợp này, tôi phải giải thích từ từ, tình cảm, không sợ chị ta... sốc. Tôi bảo rằng, cái chị nhìn thấy là 2 bìu của con thôi, còn trong bìu lại thiếu 1 "hòn ngọc". Đó gọi là tinh hoàn ẩn, hoặc tinh hoàn lạc chỗ. Có thể nó đang nằm ở đâu đó chưa xuống được, phải siêu âm, phẫu thuật đưa nó về đúng chỗ, để tránh xoắn tinh hoàn khiến cháu bị đau dữ dội, chấn thương, vô sinh, nguy hiểm là ung thư". Đến lúc này, người mẹ mới bình tĩnh trở lại, lắng nghe và sau đó đề nghị bác sĩ can thiệp ngay.

Có trường hợp, người bệnh phát hiện không có tinh hoàn từ nhỏ nhưng gia đình lại nghĩ rằng, khi trưởng thành nó sẽ tự được “lấp đầy”. Phần bìu dương vật của bệnh nhân trống rỗng, không hề có 2 tinh hoàn như những đứa trẻ bình thường, mà chỉ là 2 “cục thịt” bên trong vùng bẹn. Lúc bé, bệnh nhân có triệu chứng đau vùng bẹn nhưng bị cha mẹ bỏ qua. Mãi sau này, khi bé đau đớn quá, gia đình đưa bệnh nhân đi khám đúng chuyên khoa mới nhận được kết luận: Bệnh nhân bị chứng tinh hoàn ẩn 2 bên trong ổ bụng và yêu cầu gia đình lập tức làm thủ tục phẫu thuật. Ca phẫu thuật thành công sau 3 tiếng, bác sĩ đã đưa tinh hoàn ẩn trong ổ bụng về đúng vị trí.
th.jpg
Hình ảnh tinh hoàn lạc chỗ
ThS Nguyễn Thế Lương chia sẻ thêm, trong quá trình hình phôi thai ở tuần thứ 7 đã có sự biệt hóa thành tinh hoàn, tinh hoàn di chuyển từ tháng thứ 3 đến tháng thứ 8 thì xuống hết bìu. Vì một lý do nào đó, tinh hoàn không di chuyển hết xuống bìu sau khi sinh thì gọi là tinh hoàn ẩn. Điều trị tinh hoàn không xuống khi bé trai vẫn còn nhỏ, có thể giảm nguy cơ biến chứng sau này trong cuộc sống, chẳng hạn như vô sinh và ung thư tinh hoàn.

"Khi được xác định ẩn tinh hoàn, các bác sĩ sẽ thăm khám và xác định vị trí tinh hoàn, đưa ra cách điều trị hiệu quả bằng uống thuốc hay phẫu thuật", ThS Lương cho biết.

“Cha mẹ cần lưu ý, khi bé sinh ra thì phải chú ý từng chi tiết trên người bé, coi có chỗ nào bất ổn không. Nên kiểm tra bìu, dương vật, lỗ tiểu của các bé thường xuyên như: Sờ nắn bìu của con xem có tinh hoàn hay không, lỗ tiểu có nằm ở đỉnh quy đầu chưa… Nếu có gì bất thường thì ngay lập tức đưa bé đến các cơ sở y tế kiểm tra để sớm có phương pháp điều trị tốt nhất, tránh những hậu quả đáng tiếc về sau”, ThS Nguyễn Thế Lương khuyên.

Nếu mắc ẩn tinh hoàn thì khoảng 80% tinh hoàn ẩn sờ thấy được ở bẹn, 20% tinh hoàn ẩn không sờ thấy nằm trong ổ bụng (trong đó 20-50% là không có tinh hoàn). Chỉ có khoảng 10% bệnh nhân có tinh hoàn ẩn 2 bên.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm