“Mẹ Việt nuôi dạy con kiểu Bắc Âu” được viết bởi Phan Linh, một người mẹ Việt đang sống và làm việc tại Na Uy - đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất trên thế giới.
Bằng việc chia sẻ những câu chuyện của bản thân trong suốt những ngày mang thai bé Ốc, những cảm xúc thành thật, những trải nghiệm quý giá khi ngắm nhìn đứa trẻ lớn lên mỗi ngày, Phan Linh đã truyền cảm hứng cho rất nhiều bà mẹ trẻ hiện đại niềm tin, sự vững tâm khi quyết định có con và nuôi dạy con một cách tử tế.
Trong suốt 300 trang sách, Phan Linh dành nhiều dung lượng mô tả về cuộc sống ở Na Uy để trả lời cho câu hỏi: “Những đứa trẻ ở Na Uy và cha mẹ chúng, những người đang sống ở một quốc gia hạnh phúc nhất thế giới - họ có hạnh phúc thật không? Và họ hạnh phúc vì điều gì?”.
Thực tế, sau 4 năm với hành trình làm cha mẹ, từ mang thai đến sinh nở và cùng con lớn khôn, tác giả nhận thấy, cha mẹ ở đâu cũng có áp lực như nhau, bất kể là nước giàu hay nghèo. Bức tranh về cuộc sống gia đình và xã hội Na Uy mà tác giả kể với chúng ta có thể lạ lẫm với văn hóa Việt, thậm chí có phần khác thường, nhưng đó là những điều hoàn toàn có thể thẩm thấu và giúp ta hiểu rằng, vì sao họ được cả thế giới cho là những người “biết sống”.
Ở Na Uy, trẻ con có một thời thơ ấu đặc biệt, gắn liền với không gian ngoài trời và các hoạt động lành mạnh cùng gia đình: trượt tuyết, câu cá, bơi lội, picnic trong rừng… Người Na Uy khuyến khích các trải nghiệm gắn bó với thiên nhiên, đó cũng là sợi dây gắn kết giúp trẻ phát triển tính cách và sự bền bỉ.
Hạnh phúc - Bình đẳng - Nhân văn là 3 điều may mắn nhất mà tác giả đã học được trong thời gian làm mẹ ở Na Uy. Ở gia đình của người Na Uy, hạnh phúc không đo lường qua của cải vật chất dù mức sống cao, không phải những ngôi nhà tiện nghi, xe hơi hạng sang hay dịch vụ xem phim trực tuyến hiện đại nhất thế giới. Người Na Uy “biết sống” chính là vì họ có cách tận hưởng cuộc sống rất đơn giản: đọc một cuốn sách hay, cuộn tròn trong chăn ấm xem truyền hình, đặc biệt là những khoảnh khắc nhỏ gắn kết gia đình mà họ gọi là hyggy time.
Làm mẹ trong một xã hội văn minh, giàu tiện ích, các dịch vụ công và chăm sóc sức khỏe rất tốt, Phan Linh có phải đối mặt với thách thức nào không? Tất nhiên là có. Trong cuốn sách, cô đã chia sẻ cảm giác lạ lẫm khi lần đầu bé Ốc xuất hiện trong gia đình, có lúc rối ren vì lịch sinh hoạt xáo trộn, kể cả kiến thức cô góp nhặt đều khác xa thực tế.
Chuyện kiêng cữ được truyền tai nhau ở Việt Nam là hoàn toàn không có. Người mẹ sẽ được hướng dẫn vận động ngay sau sinh, ăn uống đa dạng, giữ tinh thần thoải mái và coi mọi chuyện nhẹ nhàng nhất có thể.
Dù thụ hưởng mọi chế độ tốt nhất ở Na Uy, cô cũng không tránh khỏi những lúc kiệt sức, bật khóc một mình trong nhà vệ sinh sau khi sinh 2 tuần. Trầm cảm là có thật. Phan Linh không chỉ thông cảm với mọi rắc rối của các bà mẹ sau sinh, cô còn giúp họ đối diện với hoàn cảnh mới, lên tiếng giúp họ tìm ra lối thoát trong những ngày “đặc biệt” này. Đó là hãy dành thời gian nghỉ ngơi nhiều nhất, từ từ giúp cơ thể làm quen và chấp nhận rằng, thăng trầm là điều hoàn toàn bình thường khi trở thành cha mẹ.
Tác giả Phan Linh sinh năm 1987 tại Hà Nội. Cô tốt nghiệp Thạc sĩ Marketing Truyền thông, là cây viết tự do trong nhiều thể loại. Phan Linh là sáng lập và vận hành dự án cộng đồng có tên "Raised Happy" - Dự án cung cấp kiến thức, công cụ và các ấn phẩm cho những ai đang tò mò về thế giới của những người làm cha mẹ, cho những người muốn cam kết nuôi dạy những đứa trẻ tử tế và hạnh phúc. Phan Linh đang theo học khóa đào tạo Chuyên gia hướng dẫn tâm lý trong lĩnh vực Làm cha mẹ của tổ chức Hand in Hand Parenting. Cô hiện sống và làm việc ở Na Uy cùng gia đình nhỏ với chồng, con trai 3 tuổi, thường gọi là bé Ốc. |