‘Mẹo hay’ để đi vào thế giới tâm hồn con tuổi teen

03/09/2019 - 16:16
Có một điều thú vị trong tâm lý lứa tuổi là khi trẻ dưới 10 tuổi thì thường quấn quýt tâm sự với cha mẹ. Nhưng đến khi bước vào bậc trung học, nhiều em bỗng trở nên xa cách, khó chịu, ương ngạnh, cãi lý, khó gần… khiến cha mẹ không khỏi băn khoăn, lo ngại.
teen1.jpg
Yếu tố gây căng thẳng kéo dài giữa cha mẹ và con cái chính là việc nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng, mục tiêu quá cao vào con. Ảnh minh họa

 

Những lý do khiến trẻ muốn xa vòng tay cha mẹ

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trong giáo dục và chăm sóc trẻ ngày nay luôn có một khoảng cách vô hình không dễ rút ngắn giữa cha mẹ và con cái tuổi teen. Đơn cử, chị Hồng Thắm (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết, lúc trước con trai của chị luôn quấn quýt bên mẹ, kể đủ chuyện trên trời dưới đất. Vậy mà mấy tháng nay khi bước sang 12 tuổi, tính tình của cậu quay ngoắt 180 độ so với trước. Lúc học tiểu học, cứ đến tối là thằng bé ôm gối sang mè nheo đòi ngủ cùng phòng với ba mẹ, thầm thì những chuyện bạn bè, trường lớp, nhưng giờ thì thẳng thừng từ chối “ngủ với mẹ phiền phức lắm, con chỉ thích ngủ một mình”. Hỏi con có cảm thấy trong người có gì thay đổi khác lạ không, con trai ra vẻ bí mật “chuyện của con trai nên mẹ không nên biết làm gì” hoặc “con lớn rồi, nên tự xoay xở được”.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khoảng cách khác biệt ngày càng xa giữa cha mẹ với con tuổi teen. Thậm chí với những phụ huynh “thông thái”, họ nhận ra đó là điều đương nhiên. Đặc biệt là do luôn có sự chênh lệch và khác biệt về tuổi đời, tâm lý, vốn sống, điều kiện sống, nền giáo dục được thừa hưởng từ thời thơ ấu, môi trường sống, giá trị và quan niệm sống… Giá trị sống thay đổi kéo theo sự thay đổi và khác biệt trong suy nghĩ, hành động. Chẳng hạn, trong giáo dục trẻ, không ít bậc cha mẹ thường bảo: “Ngày trước bằng tuổi con, cha/mẹ đã làm được thế này, thế kia”. Kiểu nói này rất phản cảm và phản giáo dục vì vừa có ý áp đặt con phải giống như mình, vừa thiếu tâm lý, không đặt vào vị thế để thấu hiểu con.

Thời đại con trẻ lớn lên không còn giống với cha mẹ ngày xưa, đó là điều hiển nhiên, nhưng không phải bậc phụ huynh nào cũng nhận ra. Do đó, trẻ không khâm phục và thường “đẩy” cha mẹ ra rìa. Hoặc là người lớn cho rằng “học giỏi mới thành tài” nhưng trong nhận thức của con trẻ có khi không đúng như thế. Nhất là khi những điều trẻ mắt thấy tai nghe lại là có không ít người không cần học nhiều mà cũng thành tài nên trẻ không còn hoàn toàn tin tưởng vào cha mẹ. Vì thế, ngày nay để thuyết phục được con trẻ nghe theo lời cha mẹ là điều không hề dễ dàng. Ngược lại, nếu áp đặt, bắt buộc trẻ phải nghiêm chỉnh tuân thủ những quy tắc do người lớn đặt ra sẽ gây ức chế, dẫn đến xung đột và tạo thêm khoảng cách với con trẻ.

Có những trường hợp, do cha mẹ thiếu tin tưởng dẫn đến kiểm soát, quản lý con trẻ quá chặt cũng tạo ra khoảng cách. Thương yêu, lo lắng cho con, muốn con có tương lai tốt đẹp nên cha mẹ tự lựa chọn rồi quyết định áp đặt luôn suy nghĩ, kinh nghiệm của mình chứ không hỏi ý kiến con. Tuy nhiên, thực tế từ những tình huống giáo dục trẻ, cha mẹ phải hết sức thận trọng, vì cái mình cho là đúng có khi chẳng phù hợp với xã hội ngày nay. Giống như tư tưởng “Cá không ăn muối cá ươn”, trẻ sẽ phản pháo ngay và nảy sinh tâm lý chống đối khi có thể.

Một nhân tố khác nới rộng thêm khoảng cách cha mẹ – con cái chính là sự hấp dẫn đầy cám dỗ của các thiết bị công nghệ thông tin. Có quá nhiều kênh thông tin nên không ít gia đình cả cha mẹ lẫn trẻ con cũng không còn muốn quấy rầy, vướng bận nhau. Gia đình hiện đại ngày càng lệ thuộc công nghệ nên có tình trạng cả ngày cha mẹ và con trẻ không gặp nhau để chào được một câu, khiến mọi thành viên trong gia đình tuy gần mà xa, dù không “cách mặt” mà vẫn “xa lòng”. Giờ đây trẻ con muốn biết gì, hoặc cần gì là cứ tìm trên mạng Internet hoặc hỏi bạn bè cho “chắc ăn” chứ đâu nhất thiết hỏi ý kiến cha mẹ để đỡ bị “lộ bí mật” như trước.

Nhưng yếu tố gây căng thẳng kéo dài giữa cha mẹ và con cái trong nhà chính là việc nhiều phụ huynh đặt kỳ vọng, mục tiêu quá cao khiến con cái phải vất vả chạy theo cái mình không muốn. Một lí do khác khiến con trẻ càng tránh xa vòng tay của cha mẹ là việc nhiều phụ huynh không được trang bị kiến thức, kỹ năng làm cha mẹ trước khi… họ thật sự vào vai làm cha mẹ nên khi gặp chuyện họ hoặc lúng túng không biết giải quyết thế nào, hoặc làm theo cách đem con mình ra thử nghiệm khiến trẻ không biết đường nào mà phản ứng cho vừa lòng cha mẹ.

Tôn trọng thế giới riêng của con

Có một khoảng cách tâm lý nhất định giữa cha mẹ với con trẻ là chuyện bình thường, nhưng vì thiếu hiểu biết về kiến thức tâm lý lứa tuổi nên họ cảm thấy tức tối, bức xúc. Nếu con cái cứ bấu víu, phụ thuộc vào cha mẹ thì mãi là người yếu đuối, dựa dẫm. Hãy cho trẻ được thể hiện cái tôi của mình, tự khám phá, tự bước đi, nếu có gặp phải sai lầm, thất bại cũng được bài học kinh nghiệm để trưởng thành, cha mẹ tốt nhất hãy chỉ là người cố vấn, đồng hành, hỗ trợ. Tuy nhiên, nếu mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng xa cách thì cũng đáng báo động. Để gần con trẻ hơn thì chính cha mẹ phải tự thay đổi và điều chỉnh bản thân để hiểu và tôn trọng con hơn.

teen2.jpg
Cha mẹ hãy dành cho con những khoảng thời gian có chất lượng - Ảnh minh họa

 

Nếu cha mẹ muốn hình thành cho con những giá trị sống như biết chia sẻ, quan tâm người khác, có lòng tự trọng, cởi mở, hòa đồng và sống chân thành hơn với cha mẹ thì người lớn cần làm gương để trẻ bắt chước, noi theo. Để đi vào thế giới tâm hồn trẻ một cách tự nhiên, phụ huynh cần chủ động và sẵn sàng hạ mình xuống, làm người bạn đáng tin cậy để con bộc bạch tâm tình.

Cha mẹ cũng cần sống cân bằng giữa gia đình và công việc, hãy dành cho con những thời gian có chất lượng, để truyền đến con những cảm hứng tích cực của cuộc sống. Khi gần bên con, cha mẹ nên quẳng hết mọi thứ lo lắng, bộn bề cơm áo gạo tiền bên ngoài. Nhưng quan trọng nhất là việc định hướng giá trị để trẻ làm chủ bản thân. Cha mẹ dù không thể theo con suốt cuộc đời, nhưng hãy tôn trọng thế giới riêng tư của chúng để trẻ có thể tự cân bằng và làm chủ cuộc sống.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm