Mẹo hay khi cắt móng tay cho bé

11/10/2016 - 19:08
Để mỗi khi cắt móng tay mà bé không khóc, giãy giụa hoặc phản đối ầm ĩ, cha mẹ cần chú ý một số mẹo đơn giản sau.
y3200a-2.jpg

Đầu tư dụng cụ

Phụ huynh không nên cắt móng tay cho con bằng những dụng cụ không chuyên như dao, kéo to. Việc dùng răng cắn móng tay cho trẻ cũng cần tuyệt đối tránh vì vừa dễ dẫn đến làm tổn thương tay của trẻ, mất vệ sinh cho cha mẹ, mà còn có thể trở thành nguyên nhân khiến trẻ về sau có thói quen cắn móng tay.

Tùy theo tháng/độ tuổi của con mà cha mẹ nên chọn, đầu tư các dụng cụ cắt móng tay chuyên dụng dành cho trẻ em, phù hợp với kích cỡ tay bé, như bấm móng tay, kéo nhỏ, cây giũa móng… Hiện nay, trên thị trường, đặc biệt là những gian hàng đồ sơ sinh, đồ trẻ em có bày bán khá nhiều dụng cụ bấm, cắt móng tay cho trẻ với những kiểu dáng, hình thức khác nhau, tùy thuộc theo từng lứa tuổi, từ sơ sinh đến lớn hơn. Dụng cụ này giá có thể cao nhưng lại giúp cha mẹ có được sự an tâm về chất lượng (lâu mòn, lâu cùn, lưỡi không quá sắc lẹm, không han gỉ…) và dễ sử dụng, dễ bảo quản.

babynailtrim.jpg

Tạo cảm giác an toàn

Thường thì có thể khi cắt móng tay, móng chân, bé sợ đau vì từng bị đau ở một số lần trước đó hoặc cũng có thể do bé tự nghĩ là sẽ đau. Vì vậy, khi cắt móng cho con, cha mẹ nên chọn chỗ ngồi có đủ ánh sáng để đảm bảo mắt bạn nhìn được rõ móng tay bé, giúp hạn chế việc khiến bé bị đau.

Ngay kể cả khi bé còn rất nhỏ, cha mẹ cũng nên làm “thủ tục thông báo” với bé. Hãy nói với con rằng: “Chúng ta chuẩn bị cắt móng tay nhé!” để bé không bị rơi vào cảm giác bất ngờ.

Khi cắt, cha mẹ nên giữ tay bé trong lòng bàn tay mình (không nắm quá chặt), khẽ tách các ngón tay của bé ra, thao tác chậm, từ từ từng chút một để bé có thể quan sát được và thích ứng. Cha mẹ cũng nên bấm từ cạnh phía trong theo đường cong và dừng lại sau 2-3 đường cắt. Nếu bấm quá nhanh sẽ gây ra những tiếng kêu tanh tách và các chuyển động khiến bé có cảm giác sợ hãi.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý về tư thế ngồi của con. Có thể để bé ngồi trên lòng người lớn hoặc ngồi đối diện cha mẹ để có cảm giác thuận tiện cho cả 2, không bị gò bó, khó chịu. Cha mẹ có thể chuẩn bị trước một số đồ chơi đưa cho bé chơi với tay còn lại để khiến bé xao lãng “công việc chính”. 

33-169eb.jpg

Chọn thời điểm phù hợp

Với những bé sau 1 tuổi, trung bình mỗi tháng cha mẹ chỉ nên cắt móng tay cho con từ 1 đến 2 lần. Không cắt liên tục vì có thể móng tay bé còn ngắn quá, gây khó khăn khi cắt và cũng khiến bé cảm thấy việc này bị làm thường xuyên, rất khó chịu.

Với những trẻ đã có hiểu biết, cha mẹ nên giải thích cho con hiểu mục đích của việc cắt móng tay, chân hoặc vì sao phải cắt. Đó là việc bắt buộc, thường xuyên phải làm vì nếu để móng dài, nó sẽ là nơi chứa vi khuẩn, vi trùng, đất, cát, bụi bẩn… gây mất vệ sinh khi ăn uống. Nếu con vô tình cho tay lên miệng, sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe của bé và những người khác trong gia đình.

Cha mẹ cũng nên cắt móng tay của mình trước để con có thể quan sát. Việc nhìn thấy hành động này ở cha mẹ có tác dụng giúp trẻ nhận biết được về hành động, tạo cảm giác trải nghiệm, không bị gây bất ngờ, sợ hãi và kích thích trẻ tò mò, muốn bắt chước, làm theo.

Ngoài ra, cha mẹ cũng nên chú ý đến một số thời điểm phù hợp. Ví dụ, lúc bé ngồi trong chậu tắm là tương đối thuận lợi vì nước thường khiến trẻ thích thú, thích nghịch nên sẽ tạm quên đi việc cắt móng. Nước cũng có tác dụng khiến cho móng tay bé mềm hơn, cha mẹ sẽ dễ cắt hơn. Hoặc, cha mẹ có thể lựa chọn thời điểm khi vừa bế, bé vừa bú ti thì nhờ ai đó trong gia đình cắt giúp. Riêng với trường hợp bé tỏ ra quá sợ, phản đối quyết liệt thì cha mẹ đừng nên bắt ép. Thay vào đó, có thể chọn cắt móng tay cho con vào thời điểm bé đang ngủ say và lúc cắt thì hết sức nhẹ nhàng để trẻ không thức giấc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm