pnvnonline@phunuvietnam.vn
Miền Nam Hàn Quốc "hoang tàn" sau cơn bão lịch sử
Siêu bão Hinnamnor vừa quét qua phía Đông Nam Hàn Quốc vào rạng sáng 6/9 vừa qua, được ghi nhận là cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nhiều năm của nước này. Theo Weather, lượng mưa ghi nhận đạt hơn 900mm.
Hàn Quốc đối mặt siêu bão này và tình trạng lũ lụt nặng tàn phá không lâu sau trận lụt lịch sử tại Seoul và các khu vực lân cận hồi tháng trước. Ít nhất khoảng 10 người được báo cáo là đã tử vong. Cơn bão gây cháy 2 nhà máy thép và mất điện diện rộng khiến hàng chục nghìn người bị ảnh hưởng.
Cơn bão hình thành vào tuần trước và đi qua khu vực Đông Á, mắt bão tăng tốc khi di chuyển qua Tây Bắc Thái Bình Dương. Hinnamnor đã mang lượng mưa tới hơn 900mm cho các vùng của Đảo Jeju, một điểm nghỉ mát nổi tiếng ngoài khơi bờ biển phía nam của đất nước. Trận lũ lụt tồi tệ nhất ập đến thành phố Pohang, một thành phố cảng và cơ sở sản xuất thép của Hàn Quốc.
Hãng tin AP đưa tin một phụ nữ khoảng 70 tuổi đã chết sau khi bị nước lũ cuốn trôi ở Pohang. Cũng tại Pohang, một bãi đậu xe ngầm đã ngập nước khiến 9 người kẹt lại. Cuộc tìm kiếm tiếp tục diễn ra đến sáng 7/9 và chỉ có 2 người sống sót, 7 người còn lại đã tử vong do ngừng tim.
Ở Gyeongju gần đó, một phụ nữ khoảng 80 tuổi đã qua đời sau khi ngôi nhà của bà bị chôn vùi do lở đất.
Cơn bão đã làm ngập lụt các tòa nhà và làm xói mòn cầu và đường. Lực lượng cứu hỏa và quân đội đã tiến hành các hoạt động cứu hộ bằng thuyền và xe tăng.
Cơn bão xảy ra chỉ vài tuần sau khi lũ lụt gần Seoul khiến ít nhất 14 người thiệt mạng.
Theo New York Times, nước này đã nỗ lực thực hiện các biện pháp chủ động ứng cứu khi Hinnamnor đến gần, chẳng hạn như đóng cửa 600 trường học và yêu cầu hơn 14.000 người sơ tán.
Một con đường bị hư hỏng nặng khi sóng đánh vào bờ biển ở Ulsan, Hàn Quốc. Cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Hàn Quốc trong nhiều năm đã tàn phá phần phía Nam đất nước, đốn hạ đường dây điện, khiến 20.000 ngôi nhà mất điện khi hàng nghìn người phải sơ tán.
Bãi đậu xe dưới hầm ở Pohang khi lực lượng giải cứu đưa được một người sống sót ra ngoài.
Bão lớn làm bật rễ nhiều gốc cây.
Nước lũ dâng cao nhấn chìm một bãi đậu xe ngoài trời ở Ulsan.
Đống đổ nát để lại sau bão gần bờ biển ở Busan.
Đất đá vụn khắp nơi tại một bãi đậu xe trên đảo Jeju.
Nước sông Hàn dâng cao tại Thủ đô Seoul, Hàn Quốc.
Người dân đang thu dọn "tàn cuộc" ở Thành phố Pohang.
Một số người dân ở Thành phố Gyeongju đang cố gắng trục vớt đồ đạc bị chìm trong nước lũ.
Một chú chó tìm chỗ trú trên mái nhà ở làng Seondu, Gyeongju.
Xe cộ, đường sá bị phá hủy ở Pohang.
Chủ nhà hàng cùng vợ đang dọn dẹp đống đổ nát ở Thành phố Busan.
Một cửa hàng bị phá hủy nghiêm trọng tại đảo Jeju.
Quang cảnh Thành phố Busan - Thành phố lớn thứ 2 Hàn Quốc sau bão.
Bão lớn đã khiến Hàn Quốc phải hủy hàng trăm chuyến bay, tạm đóng cửa nhiều hoạt động kinh doanh và trường học.
Khoảng 3.500 người đã phải sơ tán và 20.000 ngôi nhà dọc theo bờ biển phía Nam bị mất điện, Yonhap đưa tin. Riêng Posco cho biết hỏa hoạn đã bùng phát tại 2 nhà máy của họ ở thành phố ven biển Pohang và công ty đang kiểm tra nguyên nhân và thiệt hại.
Công suất chạy của 3 lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Kori đã được hạ xuống dưới 30% để chuẩn bị cho cơn bão, trong khi các doanh nghiệp khí đốt tự nhiên hóa lỏng cho biết họ dự kiến sẽ hoãn một số chuyến hàng để tránh ảnh hưởng.
Một số ngành công nghiệp lớn xác nhận họ có kế hoạch tạm ngừng sản xuất vào đầu ngày 6/9. Nhà sản xuất thép hàng đầu của Hàn Quốc Posco Holdings sẽ tạm dừng hoạt động tại nhà máy Pohang của mình, LG Electronics sẽ tạm thời đóng cửa các nhà máy ở Gumi và Changwon 6/9, tương tự như Hyundai Steel và các nhà đóng tàu bao gồm Daewoo Shipbuilding & Marine Engineering và Hyundai Heavy Industries.
Hinnamnor đã làm gián đoạn các hoạt động khai thác cảng, dịch vụ hàng không và trường học trên khắp Đông Á kể từ khi xuất hiện. Cảng công-ten-nơ chính của Thượng Hải là Yangshan đã tạm dừng hoạt động nhà ga trong khi các cảng Busan và Ulsan của Hàn Quốc phải đóng cửa.
Korean Air Lines và Asiana Airlines đã hủy hơn 170 chuyến bay nội địa vào 5/9 và 6/9, đồng thời một số chuyến bay đến và đi của các hãng hàng không tại tỉnh Okinawa của Nhật Bản cũng bị hủy bỏ. Một số trường học ở cả Hàn Quốc và Trung Quốc phải đóng cửa vì lý do an toàn.
Gần 200 cư dân ở các khu vực ven biển của Busan, thành phố đông dân thứ 2 của đất nước, đã được yêu cầu sơ tán đến nơi trú ẩn hôm 5/9, trong khi nhiều cửa hàng tạm thời đóng cửa.
Tổng thống Yoon Suk-yeol hôm 7/9 cho biết ông sẽ chỉ định thành phố Pohang phía Đông Nam bị bão Hinnamnor tấn công là vùng thiên tai đặc biệt càng sớm càng tốt.
Nói với các phóng viên khi đến làm việc, Yoon cho biết ông sẽ làm mọi thủ tục cần thiết cho việc chỉ định mau chóng và cung cấp quỹ khẩn cấp cho người dân ở Pohang.
Nếu được chỉ định, Pohang sẽ đủ điều kiện nhận hỗ trợ tài chính của chính phủ trong công tác phục hồi, quỹ cứu trợ nạn nhân và các lợi ích khác.
Tuy nhiên, thiệt hại trước mắt về người và của không phải những lo lắng duy nhất của người dân. Siêu bão ập đến ngay đúng thời điểm "bão giá" trước Trung thu (Chuseok), một trong những dịp lễ quan trọng nhất trong năm của người Hàn.
Năm nay tại xứ sở kim chi, giá mọi thực phẩm vốn đã tăng chóng mặt so với năm ngoái, nhất là rau củ quả. Cụ thể, giá dưa chuột đã tăng 76% so với năm ngoái; bí ngòi tăng 66,5%; củ cải 41,1%; hành lá 44,5% và rau diếp 37,5%. Hành tây, cà rốt và thậm chí là lá tía tô giá cả cũng nhảy vọt lên trông thấy. Sau bão, tình hình giá nông sản được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng do thiệt hại tới mùa màng.
Theo Bloomberg, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choo Kyung-ho xác nhận có lo ngại rằng thời tiết xấu đi có thể ảnh hưởng đến giá tiêu dùng vào thời điểm lạm phát vẫn ở mức cao.