Mỉm cười hạnh phúc ngay cả nhiễm Covid-19 nơi xứ người

Thạch Hương (thực hiện)
20/03/2021 - 20:59
Mỉm cười hạnh phúc ngay cả nhiễm Covid-19 nơi xứ người

Bức tranh “Nhà mình vui nhất” của Bùi Mai Khuê- con gái chị Huỳnh Mai Liên

Các con số thống kê về thực trạng bạo lực gia đình trong hơn 1 năm dịch covid tăng chóng mặt ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng giữa những mảnh ghép tối màu ấy, lại lấp lánh những tia sáng của niềm vui, hạnh phúc, khám phá thêm những giá trị sống từ mình và người thân trong chính những điều bình thường, giản dị, thậm chí cáu kỉnh hàng ngày.

Trần Hồng Điệp- Bà mẹ đơn thân Việt ở Pháp vượt qua covid

Tôi sống tại một thành phố cách Paris chừng 25km, một thành phố nhỏ, yên bình, được bao phủ toàn rừng cây, thành phố không có nhà ga, bến tàu, chỉ có xe buýt. Tôi là mẹ đơn thân của 2 đứa con gái nhỏ, 14 tuổi và 5 tuổi. 

Bí mật của hạnh phúc - Ảnh 1.

Chị Trần Hồng Điệp

Cuộc sống single mom vốn đã không đơn giản ngay cả khi sống tại quê hương với gia đình, bạn bè xung quanh, nên thực sự khó khăn nơi đất khách. Khó khăn không hẳn vì tài chính mà vì neo người, neo thời gian để chăm sóc bọn trẻ thật chu đáo như ở nhà. 

Nhưng tôi thấy bọn trẻ hạnh phúc khi được đến trường, hạnh phúc được chơi thoải mái, lăn lê bò toài ở trong nhà cũng như ngoài sân, hạnh phúc được thể hiện quan điểm cá nhân của mình khi còn rất nhỏ. Tôi cũng vậy, hạnh phúc giữa một quá trình nỗ lực để ổn định cuộc sống. 

Hạnh phúc nhiều khi đơn giản lắm. Chỉ cần được mặc đẹp khi vào Paris. Rồi đi dọc dòng sông Seine thơ mộng. Rồi ngồi đọc sách trong công viên ngập tràn ánh nắng và hoa, nơi đông kín người nhưng chiếc ghế nơi tôi ngồi vẫn là không gian yên tĩnh của riêng tôi. Hay nhâm nhi tách cà phê expresso và tán gẫu cùng bạn bè trong quán cà phê rất đặc trưng kiểu Pháp. 

Thế rồi, Covid đến làm đảo lộn cuộc sống, đánh cắp luôn cả niềm hạnh phúc nhỏ nhoi ấy. Pháp là một trong số những nước châu Âu bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Tính từ tháng 3/2020 đến nay, nước Pháp luôn đặt trong tình trạng báo động. Các quán ăn vẫn bị đóng cửa. Các trung tâm thương mại từ 10.000m2 không được phép hoạt động, trừ siêu thị thực phẩm. Người dân Pháp liên tục bị giãn cách xã hội và cho đến nay vẫn bị giới nghiêm từ 18h đến 6h sáng hôm sau. 

Bản thân tôi phải làm việc ở nhà từ tháng 3/2020 và vẫn chưa biết bao giờ được trở lại văn phòng. Cuộc sống vốn dĩ ít tiếp xúc nay càng trở nên bị cô lập. Từ ngày này sang ngày khác, tôi chỉ quanh quẩn ở nhà, sáng đi từ phòng ngủ ra phòng khách làm việc và tối lại trở về phòng ngủ, tuần đi chợ 1 lần. 

Bí mật của hạnh phúc - Ảnh 2.

Bữa tiệc đêm Giáng sinh của 3 mẹ con chị Trần Hồng Điệp

Nhưng trong khó khăn, con người lại có sức thích nghi mãnh liệt. Tôi dành thời gian rảnh rỗi để nấu nướng, bày biện đẹp mắt cho lũ trẻ có hứng thú ăn uống. Nhờ Covid, tôi đã thực hiện được dự định tập yoga một cách nghiêm túc. Từ một cơ thể cứng như khúc gỗ, nay tôi đã có thể làm được những động tác khó một cách dễ dàng. Nó giúp tôi cân bằng cuộc sống, tạo năng lượng mới, thấy yêu mình và yêu đời. 

Rồi đến một ngày, tôi cũng không tránh khỏi bị nhiễm covid như xung quanh tôi cứ đều đặn từ hàng chục nghìn đến vài chục nghìn ca nhiễm. Tôi nhiễm covid trong một lần tụ tập ăn uống với mấy cô bạn. Vài ngày sau đó, cô bạn tôi nhắn có những biểu hiện đau người, mệt mỏi. Tôi khá lo lắng bởi ở Pháp có quá nhiều ca mắc nên bạn phải tự thân vận động là chính, trừ trường hợp rất nặng mới có can thiệp của y tế. 

Tối hôm đó, tôi cũng có cảm giác đau người, sốt nhẹ và đau chút họng. Chưa xét nghiệm, tôi đã tự nghĩ cách chăm sóc cho mình. Tôi đi mua rất nhiều gừng, xả, chanh, bưởi về đun nước xông. Trong vòng 3 ngày, tôi liên tiếp xông 2 lần/ngày. Vẫn duy trì yoga đều đặn. Tôi dặn mình suy nghĩ lạc quan hơn nữa để cơ thể sản sinh ra sức đề kháng chống lại virus. Kết quả là chỉ đến ngày thứ 2, tôi đã hết cảm giác đau người và chỉ còn viêm họng. Tôi đặt hẹn khám với bác sỹ qua video để lấy thuốc uống đau họng trong vòng 10 ngày. 

Tôi dương tính với virus nhưng may mắn không lây cho các con mặc dù vẫn phải sinh hoạt trong căn hộ 64m2, vẫn nấu nướng cho các con, chỉ không ăn chung. Tôi không phải là người siêu khoẻ vì tôi thường xuyên bị cảm cúm và viêm phế quản khi đông về. Tôi nghĩ có thể chống lại covid một cách dễ dàng như thế là do quá trình tập yoga 1 năm và những suy nghĩ tích cực về cuộc sống. Covid giúp tôi học cách sống tích cực trong những điều kiện không tích cực, hay thực hiện được những dự định còn dang dở.

Nhà báo Huỳnh Mai Liên- "Ngôi nhà của tôi. Gia đình của tôi. Người thân của tôi"

Tôi vẫn luôn tự tin đó là những gì gần gũi như mạch máu trong cơ thể mình. Đồng nghĩa với việc mọi người luôn ở trong nhau, hiểu nhau và có mối gắn kết chặt chẽ. Nhưng hóa ra đó chỉ là góc nhìn trong guồng-quay-ngày-tháng-năm hối hả. 

Những ngày vì Covid-19, nhịp sống lùi lại một vài bước. Bạn bè tôi giảm mật độ gặp nhau. Công việc của tôi cũng phần nào bớt giục giã. Hai đứa con không được ra ngoài, học và chơi co lại trong căn hộ... Người lớn than thở vì sự thay đổi, còn tụi trẻ con thì vẫn ríu rít mỗi ngày. Bất cứ sự thay đổi bé tẹo nào cũng trở thành một niềm vui, hạnh phúc lớn lao. 

Một chiếc hộp giấy bỏ đi lập tức biến thành nơi cho từng đứa thử chui vào và đậy nắp lại. Là cái kho cất giữ đủ món đồ to nhỏ quý giá. Là cái xe để đứa ngồi trong, đứa hì hục kéo lê khắp nhà. Tôi còn được tụi trẻ mời chui thử vào "chiếc váy hộp dễ thương" ấy. Cô con gái còn tuyên bố về giá trị to đùng của cái hộp giấy bằng một kết luận hồ hởi: "Chiếc hộp gắn kết gia đình".

Tụi trẻ con đảo lộn theo nghĩa đen ngôi nhà của ba mẹ khi tôi đưa tụi trẻ về quê để thay đổi không khí. Căn nhà, cái sân gạch được bà giữ cẩn thận như bộ mặt gia đình bị đảo lộn hoàn toàn, vậy mà thương cháu, bà vẫn cười hỉ hả. Ba tôi vốn nghiêm khắc hơn, thỉnh thoảng cầm roi đe nẹt tụi nhỏ, nhưng mấy đứa lại bình luận ông rất "con nít" thế này: "Ông nhà mình cứ làm việc nhà là kêu mệt mỏi. Nhưng khi ông cầm roi, bỗng có nhiều năng lượng và hoàn toàn khỏe mạnh!!!". Sự nhí nhố của tụi trẻ, nụ cười tươi rói như tiếp thêm tình yêu thương, lạc quan cho người lớn, đẩy xa nỗi lo sợ về dịch bệnh bên ngoài.

Ở nhà nhiều hơn, tôi chợt nhận ra ý nghĩa ẩn sâu hơn của hai chữ "gia đình". Đó không chỉ là trách nhiệm, hay bổn phận. Gia đình như một cánh cửa mở để chở che, để đón nhận và để chúng ta thay đổi nhau. Những thói quen của người cao tuổi được điều chỉnh lại khi ông bà sống cùng cháu. Những lo toan đời thường của tôi được chắt chiu lại quanh hai chữ "yêu thương" dành cho các con, để tôi nhắc nhở mình, để tiết chế những cơn nổi đóa bất thình lình sau các trò nghịch dại, và nhớ mang máng trong đầu hình ảnh của cô nhỏ ngày xưa khóc thút thít vì bao lỗi lầm. Chấp nhận nhau, thế còn chưa đủ. Tôi sẽ còn phải học hỏi và tìm kiếm những giá trị sống từ chính những người thân ngay bên cạnh mình. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm