Bản giao hưởng non nước mang tên Bình Định

12/09/2015 - 11:39
Đất võ Tây Sơn - Bình Định đẹp hơn rất nhiều so với những gì tôi tưởng tượng. Cảnh đẹp hoang sơ mà thiên nhiên đã ban tặng cho nơi đây khiến tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Vừa đặt chân đến Quy Nhơn, tôi vào ngay một quán cà phê nằm ở tòa nhà cao nhất nhì thành phố rồi phóng tầm mắt bao quát mọi thứ từ tầng cao. Một bức tranh với đủ hình khối, màu sắc hiện ra trước mắt khiến tôi mê mẩn. Phía xa, cầu Thị Nại vẽ nên một đường thẳng giữa nước biển xanh biếc. Cũng tại đây, tôi may mắn gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Đạt và được anh tư vấn cho những địa chỉ mà tôi nên đặt chân đến. Những cái tên như Ghềnh Ráng, Hầm Hô, Tháp Đôi, Đồi Cát, Tháp Bánh Ít… được người nghệ sĩ nhiếp ảnh tài hoa của miền đất võ nhắc đến với những mỹ từ đẹp nhất. Cuộc hành trình khám phá của tôi bắt đầu.
Nơi đầu tiên tôi đến là địa danh Ghềnh Ráng. Nằm cách trung tâm TP Quy Nhơn khoảng 3km về phía Nam, Ghềnh Ráng toát lên vẻ đẹp của biển trời mênh mông và cả những lớp núi đá muôn hình vạn trạng, tạo nên một vẻ kỳ vĩ mà ít nơi nào có được. Gây ấn tượng với tôi hơn cả là vẻ đẹp của bãi tắm Hoàng Hậu với những viên đá cuội như các quả trứng khổng lồ ẩn mình dưới làn nước xanh biếc. Còn gì thích thú hơn khi được chiêm ngưỡng cung đường biển uốn lượn, với cát trắng, biển xanh và những lớp đá đủ kích thước.

Ghềnh Ráng với vẻ đẹp của biển trời mênh mông và những lớp núi đá muôn hình vạn trạng

Cuộc hành trình tiếp tục với những bậc đá quanh co tới lưng chừng núi. Đó chính là dốc Mộng Cầm. Leo hết con dốc là đến mộ của nhà thơ Hàn Mặc Tử, ẩn dưới tán cây cổ thụ và những loài hoa rực rỡ muôn màu. Thời gian như lắng lại với những cung bậc cảm xúc khác nhau. Đó là sự mê đắm trước cảnh đẹp của thiên nhiên, nhưng đâu đó là nỗi xót xa cho chàng thi sĩ tài ba mà chịu lắm đau thương, bất hạnh.
Chia tay Ghềnh Ráng, tôi đến với một cảnh đẹp khác là Hầm Hô - nơi được cư dân bản địa ca ngợi bằng những mỹ từ như “cửa ngõ thiên đường” hay “bản giao hưởng non nước”. Từ TP Quy Nhơn xuôi theo quốc lộ 1 về hướng Bắc, gặp quốc lộ 19 rẽ ngang rồi ngược về phía Tây Sơn chừng 5km là đến Hầm Hô (Tây Phú, Tây Sơn). Tai nghe không bằng mắt thấy, Hầm Hô đúng là tuyệt phẩm của tạo hóa với dòng sông Kút thơ mộng và sự hoang sơ của đại ngàn. Còn gì thích thú hơn khi ngồi trên mạn thuyền thưởng ngoạn cảnh sơn thủy hữu tình với những thắng cảnh hút mắt như Vực Sặc, Ðá Cháy, Thác Hai, Thác Ba, Ðỉnh Sương Mù, Làng Cát… nơi tận cùng dòng sông Kút giáp với tỉnh Phú Yên và Gia Lai. Tay tôi cứ giữ chặt lấy máy ảnh để đảm bảo rằng mình không bỏ sót bất cứ khoảng khắc đẹp nào.
Tháp Bánh Ít (thôn Đại Lộc, xã Phước Hiệp, Tuy Phước) cũng là một nơi để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Đây là 1 trong số 8 cụm tháp với 14 tháp trải đều khắp cả một khu vực rộng lớn ở Bình Định. Tháp được xây dựng khoảng thế kỷ thứ X gồm 4 ngôi tháp nằm trên đồi cao gần 100m. Mỗi ngôi tháp có một dáng vẻ riêng, nhưng tất cả đều có nét chung, đặc trưng cho nghệ thuật kiến trúc Chămpa độc đáo, đó là sự hoành tráng và ngôn ngữ của khối lớn. Tôi đã phải trầm trồ khi nhìn thấy những đường chạm khắc tinh xảo và kiến trúc trong cụm tháp Bánh Ít. Ấn tượng hơn là khi đứng dưới cầu Bà Di nhìn cụm tháp lúc hoàng hôn buông xuống. Lúc này, cụm tháp với màu đỏ tươi nổi bật giữa nền trời xanh thẳm, ánh mặt trời hắt xuống tôn thêm vẻ đẹp của từng ngôi tháp, tạo nên một khung cảnh huyền bí, kỳ ảo.  

 Tháp Bánh Ít là 1 trong số 8 cụm tháp với 14 tháp trải đều khắp cả một khu vực rộng lớn ở Bình Định

Tất nhiên, những ngày ở Bình Định, tôi không thể bỏ qua những làng võ lừng danh như: làng võ An Vinh, An Thái, Thuận Truyền, chùa Long Phước… Tại những làng võ này, tôi đã được tận mắt chứng kiến các cô gái Bình Định “múa roi đi quyền”. Những cô gái đôi mươi, phúng phính má lúm đồng tiền múa những bài võ cổ truyền nổi danh như bát quái côn, song phượng kiếm, lão hổ thượng sơn… với sự chuẩn xác, mạnh mẽ. Nét đẹp của cảnh vật và con người Bình Định khiến tôi không khỏi luyến tiếc từng khoảng khắc trải nghiệm vùng đất này.  
 
Nếu bạn đến Bình Định bằng máy bay, chỉ mất khoảng 1 giờ sau khi khởi hành từ TPHCM hoặc 1 giờ 30 phút nữa nếu đi từ Hà Nội.
Với tàu hỏa, từ TPHCM bạn có thể đi tàu SQN1 và SQN2 đến ga Quy Nhơn hoặc các tàu Bắc - Nam ký hiệu SE đến ga Diêu Trì. Nếu không thể tự đi, bạn hãy liên hệ với các công ty du lịch để đặt tour với nhiều hành trình khác nhau.

Bảo tàng Quang Trung (làng Kiên Mỹ, thị trấn Phú Phong, Tây Sơn) là nơi bạn nên đến thăm quan. Tại đây, bạn sẽ được chiêm ngưỡng các hiện vật gắn với những chiến tích lẫy lừng của phong trào Tây Sơn và Hoàng đế Quang Trung, thăm điện thờ Tây Sơn xây dựng trên nền nhà cũ của 3 anh em nhà Tây Sơn, thăm cây me, giếng nước đã tồn tại mấy trăm năm…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm