Mô hình kiểu mẫu từ cây thuốc bản địa góp phần xây dựng nông thôn mới

An Khê
24/07/2025 - 16:23
Mô hình kiểu mẫu từ cây thuốc bản địa góp phần xây dựng nông thôn mới

Chị Luyến phát triển kinh tế gia đình góp phần xây dựng nông thôn mới địa phương

Xuất phát từ một căn bệnh cá nhân, chị Hán Thị Luyến (SN 1979) ở xã Trung Kênh, tỉnh Bắc Ninh đã tìm ra hướng đi mới từ cây nhàu - một loại dược liệu dân dã để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ đó góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động, thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Chị thành lập hợp tác xã (HTX) Thương mại và Dịch vụ Hán Thị, tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển nông nghiệp sạch và bền vững.

Gieo mầm kinh tế từ cây thuốc dân gian

Không phải nhà khoa học hay doanh nhân chuyên nghiệp, động lực của chị Luyến đến từ một lý do rất đời thường: Chứng đau lưng dai dẳng khiến chị mệt mỏi, cho đến khi người em trong gia đình tặng chị một chai tinh chất nhàu. Uống thử, thấy hiệu quả rõ rệt, chị bắt đầu nghiên cứu kỹ hơn và phát hiện ra vô vàn tác dụng quý từ loại quả tưởng chừng "lạ mà quen" này.

Mô hình kiểu mẫu từ cây thuốc bản địa góp phần xây dựng nông thôn mới- Ảnh 1.

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, HTX còn chế biến thành 4 loại sản phẩm: Quả nhàu tươi, quả khô sấy lạnh, cao nhàu và tinh chất nhàu

Từ trải nghiệm cá nhân, chị Luyến trăn trở: "Tại sao bà con quê mình quanh năm chỉ trồng lúa, ngô mà hiệu quả không cao? Trong khi cây nhàu có thể mang lại giá trị vượt trội, lại phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng?". Với quyết tâm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, chị lập kế hoạch trồng và chế biến sâu trái nhàu ngay trên mảnh đất Cao Hà, xã Trung Kênh (xã An Thịnh, huyện Lương Tài cũ). Dự án được thực hiện với tổng kinh phí 100 triệu đồng, trong đó 60 triệu là vốn tự có, còn lại do chị tự huy động, không vay tín dụng.

Mô hình kiểu mẫu từ cây thuốc bản địa góp phần xây dựng nông thôn mới- Ảnh 2.

Hiện HTX đang từng bước hoàn thiện quy trình tiêu chuẩn hóa chất lượng, đăng ký mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc để tiến tới phân phối qua các kênh thương mại điện tử

HTX Thương mại và Dịch vụ Hán Thị ra đời từ đó, mang tiêu chí phát triển mô hình sản xuất sạch, thân thiện với môi trường và tận dụng triệt để giá trị từ cây dược liệu bản địa. Từ việc tự ủ phân hữu cơ vi sinh đến cải tạo đất bằng chế phẩm IMO, mọi công đoạn canh tác đều hướng tới mô hình nông nghiệp tuần hoàn, giúp tái sinh môi trường, đồng thời tạo ra sản phẩm chất lượng, giàu giá trị dinh dưỡng.

Sau 8 tháng chăm sóc, vườn cây nhàu của chị Luyến đã cho trung bình mỗi tháng một tấn quả tươi, giá bán 25.000 đồng/kg. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, HTX còn chế biến thành 4 loại sản phẩm: Quả nhàu tươi, quả khô sấy lạnh, cao nhàu và tinh chất nhàu. Những dòng sản phẩm này vừa giữ trọn dưỡng chất, vừa hợp thị hiếu, dễ bảo quản và vận chuyển. Từ HTX nhỏ ban đầu, chị Luyến có hướng mở rộng sản phẩm ra các tỉnh phía Bắc, sau đó hướng đến thị trường quốc tế như Trung Quốc, các nước Đông Nam Á...

Không chỉ dừng lại ở sản xuất đơn thuần, HTX Hán Thị còn tập trung nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm thông qua các hoạt động chế biến, đóng gói và truyền thông thương hiệu. Các sản phẩm từ trái nhàu đã bước đầu tạo được chỗ đứng trên thị trường trong nước, đặc biệt là tại các hội chợ, gian hàng nông sản sạch. Hiện HTX đang từng bước hoàn thiện quy trình tiêu chuẩn hóa chất lượng, đăng ký mã vạch và tem truy xuất nguồn gốc để tiến tới phân phối qua các kênh thương mại điện tử.

Mô hình kiểu mẫu từ cây thuốc bản địa góp phần xây dựng nông thôn mới- Ảnh 3.

Các thành viên trong gia đình chị Luyến cùng nhau chăm sóc cây nhàu để phát triển kinh tế

Một hướng đi hiệu quả khác là phối hợp cùng Hội LHPN xã tổ chức các buổi tập huấn, chia sẻ kỹ thuật trồng, chăm sóc và sơ chế cây nhàu cho bà con trong vùng. Việc này không chỉ giúp nhân rộng mô hình, mà còn lan tỏa tinh thần tự lực phát triển kinh tế, đặc biệt cho phụ nữ vùng nông thôn. Nhờ HTX làm cầu nối, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất kém hiệu quả sang trồng nhàu - loại cây có giá trị kinh tế và dược liệu cao, qua đó từng bước thoát nghèo bền vững, nâng cao chất lượng sống ngay trên chính mảnh đất quê hương mình.

Chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế sạch

Không giữ cho riêng mình, chị Luyến chủ động chia sẻ kỹ thuật trồng, tặng cây giống và cam kết bao tiêu sản phẩm cho bà con trong xã nếu cây Nhàu được trồng theo đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo an toàn. Mô hình trồng - chế biến - tiêu thụ khép kín này đã mở ra một hướng đi mới cho nhiều gia đình, đặc biệt là các hộ phụ nữ không có điều kiện làm ăn xa. Trung bình mỗi năm, HTX tạo việc làm ổn định cho 15-20 lao động nữ tại địa phương, với thu nhập ổn định, công việc gần nhà, không áp lực mà lại thân thiện với môi trường.

Mô hình kiểu mẫu từ cây thuốc bản địa góp phần xây dựng nông thôn mới- Ảnh 4.

Mô hình làm kinh tế của chị được chia sẻ với nhiều hộ gia đình

Chị em phụ nữ từng gắn bó với ruộng đồng mùa vụ, giờ đây có thể làm quanh năm trong khu sơ chế, đóng gói, chăm cây, thu hái, nhẹ nhàng mà vẫn có thu nhập tốt. Chị Luyến cho biết: "Tôi mong muốn không chỉ HTX của mình phát triển, mà các hộ xung quanh cũng làm được. Khi họ trồng thành công, tôi thu mua lại để mở rộng quy mô sản xuất, cùng nhau phát triển".

Không chỉ chú trọng đến kinh tế, chị còn tích cực tham gia công tác xã hội tại địa phương. Mỗi dịp Tết, HTX đều trích lợi nhuận tặng hàng trăm chiếc chăn ấm cho hộ khó khăn. Bản thân chị là cán bộ Hội nhiệt tình, luôn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, hướng dẫn chị em cách tính toán hiệu quả kinh tế, định hướng sản phẩm phù hợp với thị trường.

Chị cũng chủ trương xây dựng vùng trồng kiểu mẫu: Xung quanh HTX trồng cây ăn quả tạo rào sinh học, phân loại rác, tận dụng phế phẩm hữu cơ thành nguồn ủ phân vi sinh, góp phần bảo vệ môi trường nông thôn. HTX được địa phương đánh giá là một mô hình mẫu trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, vừa phát triển kinh tế, vừa gìn giữ môi trường và gắn bó cộng đồng.

Hành trình của chị Hán Thị Luyến không chỉ là một nỗ lực vượt khó làm kinh tế, mà còn là bằng chứng rõ nét cho vai trò chủ động, sáng tạo của phụ nữ nông thôn trong thời đại mới. Mô hình HTX Hán Thị với cây dược liệu nhàu là ví dụ điển hình cho việc phát huy lợi thế bản địa, xây dựng mô hình kinh tế sạch, góp phần tạo việc làm bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho phụ nữ nông thôn. 

Câu chuyện của chị không chỉ truyền cảm hứng cho hàng ngàn phụ nữ khác cùng chung tay xóa đói giảm nghèo và là động lực thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm